• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bức tranh kinh tế toàn cầu và các ảnh hưởng từ Trung Quốc

Thế giới 15/04/2022 20:23

(Tổ Quốc) - Trung Quốc đang trải qua giai đoạn chống dịch khó khăn và các tác động của Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình trạng lạm phát toàn cầu .

Thế giới ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa Trung Quốc kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát trong năm 2020. Đến hiện tại, chiến lược không khoan nhượng trong nỗ lực chống Covid-19 của Trung Quốc đang tác động đến tăng trưởng và lạm phát toàn cầu.

Bức tranh kinh tế toàn cầu và các ảnh hưởng từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty

Các nhà phân tích của công ty nghiên cứu Bernstein nói rằng, trong những tuần trước, đại lục Trung Quốc đã trải qua thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh khi Chính phủ nước này áp dụng lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại ngăn ngừa làn sóng Covid bùng phát. Một số nhà quan sát cho rằng có lẽ Trung Quốc đang trải qua thời điểm căng thẳng nhất trong cuộc chiến chống dịch bệnh kể từ đầu năm 2020.

Tính trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 15,4% trên toàn cầu – mức cao nhất kể từ năm 2012.

Theo trang CNBC, xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh trong hai năm qua bởi Bắc Kinh nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh tốt ngay từ thời điểm đầu dịch bệnh. Đến thời điểm hiện tại, khi các nước đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế thì Bắc Kinh vẫn quyết tâm với chiến lược không khoan nhượng.

Trong vài tuần qua, Trung Quốc đã chứng kiến làn sóng Covid tồi tệ nhất trong hai năm. Các chỉ định "người dân phải ở nhà" và xét nghiệm Covid-19 đã áp dụng triệt để tại Thượng Hải.

"Chúng tôi tin tưởng tác động vĩ mô của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu", nhà phân tích của Bernstein Jay Huang nhấn mạnh.

Báo cáo lưu ý, giá cước vận tải container xuất khẩu tại Thượng Hải cao gấp 5 lần trong khi giá cước vận tải hàng không cao gấp 2 lần so với trước đại dịch. Vì vậy, lạm phát xuất khẩu sẽ cao hơn và tác động chính đến các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc nhưng cũng làm trì hoãn quá trình hồi phục kinh tế của Trung Quốc.

Gián đoạn chuỗi cung ứng

Liên quan đến quá trình gián đoạn chuỗi cung ứng, công ty ô tô điện của Trung Quốc Nio đã thông báo ngừng một số hoạt động sản xuất vào cuối tuần và sẽ nối lại sản xuất vào thứ Năm tuần tới. Nhà sản xuất ô tô của Đức Volkswagen cũng cho biết các nhà máy sản xuất ở ngoại ô Thượng Hải và tỉnh Cát Lâm vẫn đóng cửa ít nhất đến thứ Năm tuần tới.

"Bởi các đợt phong tỏa gần đây của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn nên sẽ gây ra lạm phát toàn cầu và tăng trưởng chậm lại, Bernstein nhấn mạnh.

Phân tích của Bernstein cho thấy rằng Trung Quốc đóng vai trò là nhà sản xuất lớn đáp ứng nhu cầu từ nước ngoài ở các lĩnh vực container vận chuyển, tàu thủy, đất hiếm, mô-đun năng lượng mặt trời, điện thoại di động và cả PC. Báo cáo khẳng định các nhà máy của Trung Quốc không chỉ hoàn thành khâu lắp ráp cuối cùng cho các sản phẩm điện tử mà còn sản xuất các linh kiện như tấm nền LCD và mạch tích hợp. Xuất khẩu các linh kiện trên đã giúp nước này tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2021.

Dữ liệu thương mại trong Quý 1 của Trung Quốc cũng cho thấy tín hiệu tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu.

"Chỉ số giá sản xuất và tiêu dùng của nước này đã tăng nhanh hơn dự kiến trong tháng Ba", dữ liệu thống kê vào ngày 11/4 cho biết.

Trung Quốc – thị trường xuất khẩu ô tô quy mô lớn

Theo Bernstein, kể từ đại dịch bắt đầu, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là chuỗi cung ứng xe điện.

Báo cáo trích dẫn phân tích cho biết xuất khẩu ô tô và linh kiện tăng trung bình 119% trong năm 2021. Báo cáo cũng nhấn mạnh quốc gia này chiếm khoảng 74% sản lượng pin trên toàn cầu. Vào tháng Ba, xuất khẩu ô tô khách của Trung Quốc tăng 14% so với cách đây một năm.

Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới và đã thúc đẩy phát triển xe điện trong vài năm qua. Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài thường bị thu hút bởi thị trường này và bắt đầu tập trung vào thị trường xe điện ở Trung Quốc trong vài năm gần đây.

Hiện, Tesla, BMW và các hãng sản xuất ô tô khác đang tăng cường sản xuất xe điện ở Trung Quốc và sau đó xuất khẩu sang các nước khác. Theo báo cáo, ở hạng mục ô tô chạy bằng nhiên liệu, các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc như SAIC và Chery đều là những nhà xuất khẩu loại xe chở khách hàng đầu. Doanh số bán ô tô nhiên liệu do Trung Quốc sản xuất sang Chile, Ai Cập và Saudi Arabia đều tăng mạnh.

Trong khi báo cáo không nhắc đến tác động của biện pháp phong tỏa đối với chuỗi cung ứng ô tô nhưng các nhà phân tích đều chỉ ra rằng một số nhà sản xuất ô tô của Hàn Quốc và Nhật Bản có thể đối mặt với sự gián đoạn sản xuất vào thời gian tới giống như trong năm 2020. Báo cáo cũng nhắc đến các tác động từ sự bất ổn của môi trường bên ngoài và sự sụt giảm xuất khẩu sang các quốc gia châu Âu. /.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ