• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bức tranh nghèo đói tại Afghanistan: Tầng lớp trung lưu rơi vào"khốn đốn"

Thế giới 22/11/2021 20:19

(Tổ Quốc) - Người dân Afghanistan đang rơi vào cảnh nghèo đói, tình trạng mất việc làm khiến cuộc sống của họ trở nên vô cùng khó khăn ở hiện tại.

Cách đây không lâu, bà Ferishta Salihi và những người thân trong gia đình đều có cuộc sống đủ đầy ở Afghanistan. Chồng bà Ferishta Salihi đi làm kiếm tiền với một mức lương tốt, con cái học ở trường tư thục.

Bức tranh nghèo đói tại Afghanistan: Ngay cả tầng lớp trung lưu cũng rơi vào"khốn đốn" - Ảnh 1.

Người dân Kabul, Afghanistan nhận tiền từ chương trình lương thực thế giới. Ảnh: AP

Kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan, chồng bà đã mất việc. Hiện tại, bà Ferishta Salihi phải đứng xếp hàng cùng hàng trăm người dân Afghanistan khác đăng ký chương trình lượng thực thế giới của Liên hợp quốc để nhận lương thực và tiền mặt nhằm duy trì cuộc sống qua ngày.

"Chúng tôi đã mất tất cả. Giờ đây, tôi không muốn bất kỳ điều gì cho bản thân, chỉ mong rằng con cái có thể được học hành", bà Salihi nói sau khi đăng ký chương trình lương thực thế giới".

Trong bối cảnh kinh tế Afghanistan đang rơi vào khủng hoảng, nhiều gia đình trung lưu như Salihi - vốn dĩ có cuộc sống khá ổn định, hiện đang rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Đây là lý do tại sao Liên hợp quốc đang lên tiếng báo động về cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, chủ yếu là do người dân không đủ tiền mua thực phẩm. Các bệnh viện ghi nhận gia tăng tình trạng trẻ suy dinh dưỡng, chủ yếu là các gia đình nghèo đói trong nước.

Vào tuần trước, hàng trăm người đã xếp hàng dài trong phòng tập thể dục ở khu phố phía tây Kabul để nhận tiền mặt trợ cấp khoảng 38 đô la/tháng.

Nouria Sarvari, một góa phụ 45 tuổi đang phải xếp hàng chờ lương thực sau khi nghỉ việc ở Bộ Giáo dục. Sau khi Taliban lên nắm chính quyền, họ đã yêu cầu hầu hết phụ nữ phải ở nhà. Bà Savari nói rằng, bà không nhận được lương kể từ thời điểm đó và đang phải vật lộn với cuộc sống để lo từng bữa ăn cho các con.

Trong khi đó, cuộc sống của một người dân khác -Samim Hassanzwai cũng đảo lộn hoàn toàn trong năm qua. Cha và mẹ của Samim Hassanzwai đều chết vì Covid-19.

Trước đây, Hassanzwai từng làm việc ở Bộ Văn hóa nhưng đã mất việc kể từ khi Taliban lên nắm chính quyền.

"Gia đình tôi từng có công việc đảm bảo và nhận lương đều đặn đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên, hiện tại mọi thứ đã kết thúc", Hassanzwai nói.

Nền kinh tế Afghanistan vốn dĩ đã gặp khó khăn và đang trở nên tồi tệ hơn do đại dịch Covid-19 và hạn hán nghiêm trọng, điều này đã đẩy giá lương thực tăng cao. Ước tính vào năm 2020, một nửa dân số Afghanistan đang sống trong cảnh nghèo đói. Cộng đồng quốc tế đã ngừng tài trợ cho Afghanistan sau khi Taliban lên nắm chính quyền từ 15/8 đến nay, kéo theo bức tranh khủng hoảng lương thực trầm trọng ở quốc gia này. Nguồn tài trợ quốc tế từng chi trả cho phần lớn ngân sách chính phủ - và nếu không có nó, Taliban cũng không thể trả lương cho các dịch vụ công trong nước. Cộng đồng quốc tế hiện chưa công nhận tính hợp pháp của chính quyền Taliban, yêu cầu họ phải thành lập một chính phủ dân chủ hơn và tôn trọng nhân quyền.

Hỗ trợ nhân đạo quốc tế

Chương trình viện trợ quốc tế, từng giúp chính phủ nước này thúc đẩy các dự án trên khắp nước và hỗ trợ việc làm, đang bị đình chỉ. Ngân hàng quốc gia đang bị cắt khỏi hệ thống quốc tế, điều càng khiến các khu vực tư nhân gặp khó khăn. Nền kinh tế của đất nước ước tính đã giảm 40% chỉ trong 3 tháng.

Bức tranh nghèo đói tại Afghanistan: Ngay cả tầng lớp trung lưu cũng rơi vào"khốn đốn" - Ảnh 2.

Người dân xếp hàng dài chờ phân phát tiền ở Kabul. Ảnh: AP

Những gia đình từng có cuộc sống khá ổn định trước đây, hiện không còn gì và phải lo từng bữa ăn, tiền thuê nhà và chi phí y tế. Gia đình bà Salihi cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy. Chồng bà Salihi từng kiếm khoảng 264 đô la/tháng khi làm việc tại văn phòng của Ngân hàng thế giới Kabul. Tuy nhiên, sau khi Taliban nắm quyền, ngân hàng này đã gần như đóng cửa và gia đình bà không có tiền để trang trải cuộc sống.

Trong khi đó, Mỹ và nhiều quốc gia khác đang tiếp tục các chương trình viện trợ nhân đạo cho Afghanistan thông qua Liên hợp quốc. Chương trình nhân đạo sẽ tập trung vào 2 mấu chốt. Thứ nhất, chương trình phát triển của Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới và UNICEF cùng hợp tác hỗ trợ trả lương cho các bác sỹ và y tá khắp Afghanistan để đảm bảo hệ thống y tế không sụp đổ. Thứ hai, chương trình Lương thực thế giới tiếp tục viện trợ tiền mặt trực tiếp và thực phẩm cho các gia đình khó khăn ở Afghanistan.

Chương trình Lương thực thế giới tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực. Vào năm 2020, chương trình này đã cung cấp viện trợ cho 9 triệu người. Cho đến nay, con số đó đã tăng lên gần 14 triệu người và tỷ lệ này tăng mạnh trong tháng kể từ tháng 8. Không chỉ những tầng lớp nghèo nhất của đất nước, thường sinh sống ở vùng nông thôn mà cả những gia đình ở thành thị cũng đang phải đối mặt với nạn đói.

"Nhiều người dân phải lo từng bữa ăn, thậm chí bỏ bữa. Các bà mẹ thậm chí phải giảm khẩu phần ăn nhường cho con mình. Diễn biến khủng hoảng lương thực nghiêm trọng đang diễn ra tại Afghanistan", Người phát ngôn của Chương trình Lương thực thế giới - bà Shelley Thakral nhấn mạnh./.


Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ