• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bùng nổ sức mạnh năng lượng Nga – Trung: Chốt chặn nước cờ Mỹ?

Thế giới 30/11/2018 17:05

(Tổ Quốc) - Khi mối quan hệ của Nga với phương Tây ngày càng trở nên mong manh với nhiều đòn trừng phạt kinh tế đang diễn ra, Moscow tiếp tục hướng tới Trung Quốc để có những cơ hội về kinh tế - và năng lượng là một không gian nơi mối quan hệ đó được phát triển.

"Quan hệ giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang gia tăng", Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ trong một thông điệp gửi tới Diễn đàn Năng lượng Nga-Trung Quốc tại Bắc Kinh tuần này. "Một phần quan trọng của mối quan hệ này là hợp tác năng lượng mà gần đây đã nhận được sự phát triển đáng kể."

Cơ hội năng lượng Nga - Trung

Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí về việc tổ chức diễn đàn năng lượng Nga-Trung đầu tiên trong cuộc họp của họ vào tháng 6/2018- một cuộc họp mà hai nhà lãnh đạo này cam kết sẽ theo đuổi các sáng kiến kinh tế và chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quan điểm này được khẳng định mạnh mẽ hơn từ người đứng đầu công ty dầu mỏ lớn của Nga là Rosneft, Igor Sechin, người đã có bài phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Nga - Trung Quốc hôm thứ Năm. Ông Sechin nói rằng "những khía cạnh nhất định của các điều kiện chính trị hiện nay trên thế giới, việc chủ nghĩa bảo hộ và mối đe dọa của các cuộc chiến thương mại trong nền kinh tế thế giới gia tăng là những sự thúc đẩy bổ sung nhằm (giúp Nga và Trung Quốc - pv) hợp tác chặt chẽ hơn và đưa ra quyết định nhanh hơn".

Ông Sechin cho biết: "Theo nhiều cách, phía Nga gắn kết các triển vọng tăng trưởng kinh tế với việc thúc đẩy phát triển các vùng lãnh thổ phía Đông và nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đó. Còn Trung Quốc quan tâm tới việc đảm bảo an ninh năng lượng và các kênh cung cấp đáng tin cậy".

Việc xoay trục như vậy hướng tới Trung Quốc và các nước láng giềng khá rõ ràng tại diễn đàn kêu gọi đầu tư năm nay diễn ra tại Moscow tuần này, quy tụ các nhà lãnh đạo kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng. Được tổ chức bởi ngân hàng Nga VTB, diễn đàn này tiếp tục cho thấy xu hướng Nga muốn nhắm đến nhiều cơ hội hơn ở Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

Bùng nổ sức mạnh năng lượng Nga – Trung: Chốt chặn nước cờ Mỹ? - Ảnh 1.

Sức ép phương Tây đang đẩy Nga - Trung Quốc xích lại. (Nguồn: TASS/Reuters)

Chủ tịch Ngân hàng VTB Andrey Kostin nói với CNBC hôm thứ tư rằng Nga có một "mối quan hệ rất gần gũi với Trung Quốc" và họ cũng muốn phát triển hơn nữa. Ý kiến này của ông được đưa ra sau khi có thông tin vào tháng 9 rằng một nhóm các doanh nghiệp Nga và Trung Quốc đang xem xét 73 khoản đầu tư chung trị giá hơn 100 tỷ USD.

"Chúng tôi có lợi ích kinh tế khá lớn, giao thương của chúng tôi bây giờ là 100 tỷ USD và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Trung Quốc sẽ không thay thế được các nhà đầu tư phương Tây hay cả phương Tây đối với chúng tôi, nhưng Trung Quốc hiện nay rất quan trọng đối với Nga và chúng tôi rất háo hức phát triển hơn nữa mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc, trong tất cả các lĩnh vực, "ông nói với phóng viên Julianna Tatelbaum của CNBC tại diễn đàn đầu tư.

Sức mạnh của Siberia

Một trong những dự án năng lượng lớn nhất giữa Nga và Trung Quốc là một đường ống dài 3.000 km – có tên là 'Sức mạnh của Siberia' - được xây dựng bởi công ty khí khổng lồ Gazprom của Nga, sẽ chạy từ các mỏ khí ở Đông Siberia đến biên giới Trung Quốc.

Gazprom nói rằng dự án "Chương trình Khí đốt miền Đông" này bao gồm năm mỏ khí đang được phát triển cho mục đích thương mại và dự án này giúp "thiết lập một tuyến đường chính mới để xuất khẩu khí đốt của Nga sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Gazprom không phải là công ty năng lượng duy nhất của Nga xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng Viễn Đông. Sibur, công ty hóa dầu và chế biến khí đốt lớn nhất của Nga, cũng đang tìm cách hưởng lợi từ việc thúc đẩy phát triển về phía đông, hợp tác với Gazprom để xây dựng một tổ hợp hóa chất khí đốt gần biên giới Trung Quốc dọc theo đường ống "Sức mạnh của Siberia".

Dmitry Konov, giám đốc điều hành của Sibur, nói với CNBC hôm thứ tư rằng công ty này nhìn thấy cơ hội từ Trung Quốc, đặc biệt là từ dự án đường ống dẫn của Gazprom đến biên giới Trung Quốc.

"Đối với chúng tôi, đó là sự kết hợp tốt của hai yếu tố này - sẵn sàng về nguyên liệu và một thị trường lớn đang phát triển gần kề", ông Konov cho hay.

Sibur không hề xa lạ với Trung Quốc và họ cũng đã thành lập một liên doanh với công ty dầu khí Sinopec của Trung Quốc để sản xuất cao su tổng hợp trong năm 2014. Sinopec sau đó đã mua 10% cổ phần của Sibur vào năm 2015. Hiện tại, Sibur đang lên kế hoạch cho một phức hợp hóa chất khí đốt lớn ở vùng Viễn Đông của Nga (vùng đất được nhắm mục tiêu trong chiến lược phát triển của chính phủ Nga) với khoản đầu tư khoảng 7- 8 tỷ USD.

Cân nhắc về môi trường

Trước những cân nhắc về nhu cầu năng lượng của Trung Quốc thì phải nói tới các yếu tố môi trường. Trung Quốc đầu năm nay đã tuyên bố sẽ tăng cường giải quyết tình trạng ô nhiễm và Reuters cũng cho biết rằng, 8 khu vực đã cam kết sẽ tăng cường các biện pháp chống ô nhiễm. Ngành than của Trung Quốc là một nguyên nhân rõ ràng nhất khi nói đến ô nhiễm.

Vitaly Nesis, CEO công ty khai thác kim loại quý Polymetal của Nga nói với CNBC hôm thứ Năm rằng, "Phản ứng của chúng tôi đối với điều này (việc Trung Quốc đẩy mạnh chống ô nhiễm-pv) chắc chắn là tiếp tục đầu tư vào các công nghệ xanh".

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga "rất khó có thể xấu đi trong tương lai gần," theo Alexander Gabuev, một chuyên gia trong Chương trình châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm Carnegie Moscow. Ông cũng nói tới ba yếu tố cơ bản đang thúc đẩy hai nước này gần nhau hơn, đứng từ quan điểm của Điện Kremlin là sức ép về mặt tài chính để tránh căng thẳng dọc theo biên giới 4.200 km giữa Trung Quốc và Nga; Trung Quốc là một thị trường tự nhiên cho xuất khẩu của Nga - "phục vụ cho nền kinh tế Trung Quốc ngày càng ít tài nguyên có thể giúp Nga bù đắp cho những thiệt hại từ phương Tây" và hai chính quyền đang hiểu rõ nhau.

Theo ông Gabuev, "Điện Kremlin không hoàn toàn tin tưởng Trung Quốc, nhưng họ biết rằng lợi ích quốc gia của cả hai bên trùng khớp ở nhiều khu vực và Trung Quốc sẽ là đối tác có thể dự đoán và thực tế trong nhiều năm tới. Ngược lại, Moscow thấy các nhà lãnh đạo Mỹ là không thể đoán trước và không đáng tin cậy".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ