(Tổ Quốc) - Trước các sức ép căng thẳng dồn vào Moscow, các quốc gia láng giềng được cho là đang chuyển hướng quan hệ vào Washington, Brussels và Bắc Kinh.
Theo tờ National interest, các ảnh hưởng Nga đối với vấn đề Ukraine hiện vẫn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Moscow muốn có được sự công nhận của quốc tế trong nền tảng cấu trúc an ninh châu Âu mới, tuy nhiên luôn vấp phải sự phản đối.
Ảnh minh họa. Nguồn: the National interest |
Tờ the National Interest nhận định, trừ khi Moscow nối lại quan hệ tốt đẹp hơn với các nước láng giềng (điều mà phương Tây luôn khuyến khích), nếu không, mối quan hệ của Nga với thế giới vẫn chưa thể cải thiện.
Hậu chiến tranh Lạnh hi vọng về một châu Âu hòa bình vẫn chưa được thực hiện. Moscow phản đối sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và liên minh châu Âu về phía Đông cùng với các cuộc nổi dậy dân chủ tại các bang Xô Viết cũ. Đó là lý do Nga có liên quan trong cuộc chiến thảm khốc của Gruzia vào năm 2008.
Lực lượng quân đội Nga hiện tại có đóng quân tại các khu vực ly khai của Abkhazia và Nam Ossetia. Một diễn biến tương tự, Moscow sáp nhập Crimea khỏi Ukraine vào năm 2014 và chiếm một phần của khu vực Donbas – khu vực có trên 10 nghìn người chết trong cuộc chiến.
Đối sách của Nga tính toán với mọi tình huống?
Giới chuyên gia nói trên tờ National Interest rằng, Nga cũng phải đối phó với các nước láng giềng theo hướng khác trong tương lai. Moscow cảnh báo việc Gruzia gia nhập NATO có thể gây xung đột nghiêm trọng.
Các tàu chiến của Nga hiện vẫn bố trí dọc theo Biển Azov và Biển Đen. Các chuyên gia cho rằng điều này “có phần khiêu khích” với Ukraine. Moscow giữ tù nhân chính trị của Ukraine, trong đó có đạo diễn phim Oleg Sentsov. Ông Oleg Sentsov một nhà làm phim người Ukraine bị cầm tù với tội danh khủng bố đã tuyệt thực trong 90 ngày.
Thêm vào đó, Nga cũng hạn chế xuất khẩu khí đốt từ Turkmenistan và tiếp tục tăng cường xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc và Iran.
Nga cũng có sức mạnh quân sự mạnh mẽ thời hậu Xô viết. Moscow có nhiều căn cứ quân sự tại Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan, trong đó có khu vực Transnistria. Nga hiện đang có 1.000 binh sĩ và 500 binh lính gìn giữ hòa bình tại Transnistria, vùng đất đã ly khai khỏi Moldova hồi những năm 1990. Cuộc nội chiến vào năm 1992 giữa Transnistria và Moldova khiến khoảng 1.500 người thiệt mạng. Transnistria là vùng đất biên giới giáp với Ukraine từ lâu đã muốn trở thành một thành phần của Nga.
Moscow cũng đóng vai trò chủ lực lại Liên minh kinh tế Á-Âu. Các kênh truyền hình và phát thanh của Nga cũng thu hút nhiều khán giả và có ảnh hưởng nhất định.
Các nước láng giềng của Nga, thỉnh thoảng vẫn có sự giúp đỡ của phương Tây và gồng mình đối phó với các ràng buộc từ Nga. Vào năm 2014, Ukraine đã ngăn chặn Nga xâm chiếm khu vực Donbas và từ sau đó, Ukraine cũng tăng cường quốc phòng. Phương Tây hỗ trợ tiếp trợ quân sự cho Ukraine và Gruzia. Gruzia, Moldova và Ukraine liên tục thúc đẩy quan hệ thân thiết với liên minh châu Âu và tạo điều kiện cho người dân đi lại thông qua việc miễn thị thực. Các quốc gia Baltic, Estonia, Latvia và Lithuania cũng tăng cường chi tiêu quốc phòng và tiếp nhận nhiều gói viện trợ từ NATO.
Giới quan sát cũng cho rằng, phản ứng “có phần xa lánh” của các nước láng giềng khiến Kremlin thận trọng hơn. Moscow tiếp cận Trung Quốc nhằm tạo ảnh hưởng Trung Á và Nam Caucasus thông qua quá trình đầu tư các dự án cơ sở và hạ tầng nằm trong Sáng kiến Vành đai – Con đường. Thêm vào đó, Kremlin đã kiềm chế cao trào xung đột tại Armenia nhằm giảm xung đột và hạn chế tối đa việc đi theo “vết xe đổ” của Gruzia và Ukraine.
Cuối cùng, Nga đã ký được công ước mang tính bước ngoặt về quy chế biển Caspian nhằm làm giảm căng thẳng khu vực cũng như mở đường cho các dự án thăm dò, khai thác dầu mỏ và khí đốt., tạo cơ hội phát triển các dự án năng lượng mà Nga vốn bị kiềm chế. Sau hơn 20 năm đàm phán, ngày 12/8/2018, năm nước có chung biển Caspian gồm Nga, Iran, Kazakhstan, Azerbaijan và Turkmenistan đã ký kết thỏa ước về quy chế của vùng biển hồ giàu tài nguyên này. Biển Caspian nằm giữa Nga ở bờ phía bắc và Iran ở bờ phía nam. Đông tây giáp các nước Turkmenistan, Kazakhstan và Azerbaijan. Trong nhiều thế kỷ qua, biển Caspian chủ yếu là mục tiêu tranh chấp giữa Nga và Ba Tư (về sau là Iran). Từ khi khối Liên bang Xô Viết tan rã, biển Caspian do Moskva và Tehran quản lý theo một hiệp ước mất hiệu lực, tuy nhiên ba nước Kazakhstan, Azerbaidjan, Turkmenistan sau khi tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô đã đòi chủ quyền với vùng biển này.
Phương Tây đang “nắm thóp”?
Giới chuyên gia nhận định, các nước láng giềng của Moscow và phương Tây sẽ vẫn tiếp tục theo dõi các động thái tiếp theo của Nga trong thời gian tới.
Trong khi đó, các nước láng giềng của Nga vẫn tiếp tục đa dạng hóa mối quan hệ quốc tế. Các công ty phương Tây và Trung Quốc đang mở rộng phát triển năng lượng tại khu vực Caspian. Ukraine và Gruzia đang định hướng lại nền kinh tế đồng thời thúc đẩy hợp tác với châu Âu và thị trường phía Nam như Ấn Độ. Các quốc gia Trung Á cũng nhận được nhiều khoản đầu từ từ Trung Quốc nhiều hơn Nga. Kazakhstan và các quốc gia khác đang theo đuổi các chính sách ngoại giao đa phương.
Nga càng trì hoãn cải thiện quan hệ với các nước láng giềng thì họ càng phải tự thay đổi để đưa ra các đối sách phù hợp. Và càng nhiều căng thẳng trong quan hệ với Nga sẽ khiến các quốc gia láng giềng tìm con đường mới cho riêng họ, trong đó điển hình là thúc đẩy hợp tác với phương Tây. Giới quan sát cho biết, nỗ lực giảm căng thẳng của Nga với các nước láng giềng đồng nghĩa với việc Moscow phải chú ý hơn đến đối sách mềm mỏng với phương Tây trong bối cảnh hiện tại./.