(Tổ Quốc) - Nga đang lặng lẽ quan sát diễn biến chính trường Lebanon như một nền tảng tiềm năng để thúc đẩy quyền lực của họ ở Trung Đông và Địa Trung Hải.
Lebanon ngày 6/5 đã tổ chức cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên trong chín năm. Và Nga -một trong những cường quốc hàng đầu thế giới đang lặng lẽ quan sát diễn biến này như một nền tảng tiềm năng để thúc đẩy quyền lực của họ ở Trung Đông và Địa Trung Hải.
Trong khi các nhóm nổi dậy và lực lượng cực đoan Syria vẫn đang tìm cách mở rộng sự hiện diện, chính phủ Syria Bashar al-Assad ngày càng khẳng định được sức mạnh của mình với sự hỗ trợ từ phía Nga. Còn Moscow, cũng đang theo đuổi một cuộc thượng lượng thận trọng xuyên biên giới với Lebanon - một thỏa thuận vũ khí trị giá 1 tỷ USD , theo tin từ Christian Science Monitor.
“Chắc chắn đang có những hoạt động mở rộng quyền lực mềm của Nga tại khu vực trên. Động thái này có thể chuyển thành sự hợp tác quân sự lớn hơn và ký kết (từ phía Lebanon) một thỏa thuận quốc phòng đã được môi giới năm ngoái, "Maya Yahya, giám đốc Trung tâm Trung Đông Carnegie ở Beirut, nói với Newsweek.
Nga đang tìm cách tăng cường hiện diện tại Lebanon. |
Khôi phục vị thế cường quốc toàn cầu của Nga
Mục tiêu của Tổng thống Nga Vladimir Putin là khôi phục ảnh hưởng về quân sự và chính trị của nước Nga trên toàn cầu - trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow và phương Tây, đặc biệt là Mỹ đang ngày càng xuống thấp.
Hoa Kỳ và một số đồng minh phương Tây đã cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, tấn công mạng và thậm chí khiêu khích quân sự, đặc biệt là căng thẳng dọc theo biên giới giữa liên minh quân sự NATO do Mỹ lãnh đạo và Nga.
Ở Trung Đông, sự cạnh tranh này cũng đang diễn ra. Nga không chỉ giành được một chiến thắng gần như tuyệt đối khi ủng hộ chính quyền Assad tại Syria mà còn bảo đảm sự hiện diện quân sự lâu dài ở Địa Trung Hải bằng xây dựng một lực lượng đặc nhiệm hải quân lâu dài ở đây, đồng thời, quyền sử dụng hai căn cứ ven biển - căn cứ không quân Hmeymim và một cơ sở hải quân ở Tartus, Syria. Trong khi sự tập trung quân lực của Nga về cả bộ binh, không quân và hải quân đã giúp chiến dịch đánh bật IS của Nga và chính quyền Syria tại đây diễn ra thuận lợi, chiến lược này cũng tạo nên một bước đệm mạnh mẽ giúp Nga tiếp cận được sườn phía nam của NATO ở Địa Trung Hải.
Các tin tức bằng tiếng Ả rập của Sputnik News và trang tin Al Mayadeen vào tháng 2 cho biết rằng Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã yêu cầu quân đội Nga xem xét thiết lập quan hệ quốc phòng với Lebanon, đặc biệt là mở các cảng Lebanon cho các tàu chiến của Nga.
Việc những thông tin này không được đưa lên bản tiếng anh hay trên các phương tiện truyền thông chính thống khác, cùng với số phận không xác định của thỏa thuận vũ khí trị giá 1 tỷ USD có thể báo hiệu rằng con đường Nga tiến tới Lebanon không diễn ra suôn sẻ như kế hoạch.
Lebanon giữa Trung Đông đầy biến động
Bản thân Lebanon cũng đang vướng vào một mớ bòng bong cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực. Nước này đang bị bao vây bởi một cuộc chiến ảnh hưởng giữa người Hồi giáo Shiite Iran và người Hồi giáo Sunni Saudi Arabia; nằm cận kề chiến trường xung đột Syria và đang có mối quan hệ căng thẳng với Israel. Chính quyền nước này cũng bị chia rẽ bởi các giáo phái khi Tổng thống là người theo đạo Cơ đốc giáo, Thủ tướng thường là người Hồi giáo Sunni và Chủ tịch Quốc hội phải là người Shiite Hồi giáo. Nước này có 128 ghế quốc hội được phân chia giữa các giáo phái Cơ đốc giáo và Hồi giáo, và mỗi tôn giáo có một số ghế nhất định.
Sự bất cân bằng cán cân quyền lực tại Lebanon thường dẫn đến bạo lực, nghiêm trọng nhất là cuộc nội chiến năm 1975 - 1990, trong đó có sự tham gia của nhiều chính trị gia và đảng phái hàng đầu của đất nước. Các đợt bùng phát mâu thuẫn đã tiếp tục vào thế kỷ 21 khi cảnh quan chính trị Lebanon chia thành hai khối chính: liên minh ngày 8/3 và liên minh ngày 14/3. Liên minh 8/3 có mối quan hệ thân cận với Iran- một đối tác chiến lược của Nga tại Syria. Tuy nhiên, không rõ liệu mối quan hệ này có mở rộng tới cả đồng minh của Iran là Nga hay không.
Hezbollah, phong trào Hồi giáo người Shiite do Iran hậu thuẫn từ thời nội chiến và từng có xung đột với Israel, thường được coi là một trong những lực lượng bán quân sự mạnh nhất thế giới. Hezbollah cũng đang có quyền lực đáng kể ở Lebanon sau khi Syria rút lui vào năm 2005- cũng là thời điểm các khối 8/ 3 và 14/3 được thành lập.
Bị Hoa Kỳ, Israel, Saudi Arabia coi là một tổ chức khủng bố, Hezbollah là lực lượng hàng đầu trong Liên minh 8/3, đã nhận được một vị thế chính trị lớn sau một bản ghi nhớ năm 2006 được ký kết giữa nhà lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah và Michel Aoun, người đã trở về sau thời gian lưu vong tại Pháp.
Aoun là một tín đồ Công giáo Maronite và là người sáng lập của Phong trào Yêu nước Tự do. Ông đã gia nhập Liên minh 8/3 và tiếp tục trở thành Tổng thống Lebanon vào năm 2016, chấm dứt sự bế tắc 29 tháng tại Lebanon. Tuy nhiên, Mỹ, Israel và Saudi Arabia, coi Hezbollah là một tổ chức khủng bố và hết sức lo ngại về sự bình thường hóa vai trò của Hezbollah trong chính trị Lebanon.
Nga tiếp cận đa cực tại Trung Đông
Không giống Mỹ, Nga đã đưa ra cách tiếp cận đa cực tới Trung Đông. Thay vì đầu tư tất cả các nguồn lực cho một phía, Moscow đã duy trì liên lạc thường xuyên và thân mật với Ai Cập, Lebanon, Iran, Iraq, Israel, Qatar Saudi Arabia, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác. Moscow đã giới thiệu nhiều vũ khí tiên tiến như hệ thống phòng không S-400 cho những người mua khu vực, và thương vụ 1 tỷ USD cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang Lebanon dường như là phần mở rộng trong kế hoạch của ông Putin để tăng cường ảnh hưởng của Nga tại Lebanon.
"Lời đề nghị gần đây của Nga đối với Lebanon được đưa ra trong bối cảnh Moscow dường như đang tiếp tục khai thác vị thế được gia tăng của nước này trong khu vực sau sự hiện diện thành công tại Syria. Moscow về cơ bản đã “đặt chân” vào hầu hết mọi quốc gia trong khu vực, đặc biệt là những nước hiện đang có mối quan hệ với Mỹ (đặc biệt là Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ), để giới thiệu mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của mình: vũ khí", Neil Hauer, một nhà phân tích an ninh chuyên về Nga và Syria, nói với Newsweek.
"Ở Lebanon, điều này cũng lấp đầy khoảng cách Saudi Arabia để lại khi Saudi đaz hủy bỏ gói viện trợ quân sự trị giá 3 tỷ USD trong năm 2016 do lo ngại chính phủ Lebanon không sẵn lòng xóa sổ Hezbollah", ông Hauer nói thêm.
Tuy nhiên, như Hauer đã chỉ ra, "Nga không có mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ với Hezbollah, vì vậy thỏa thuận vũ khí này có thể là sẽ chỉ giúp củng cố sức mạnh cho quân đội chính phủ Lebanon để chống lại Hezbollah – điều Mỹ đã cố làm trước đó." Ông Hauer tin rằng, "mục tiêu chính của thỏa thuận 1 tỷ USD trên là nhằm đưa Nga thành một đối tác quan trọng ở Lebanon và là một bên mà Hoa Kỳ phải tính tới khi xúc tiến các thỏa thuận với nước này."
Từ năm 2006, Hoa Kỳ đã cam kết ủng hộ lên tới 1,6 tỷ USD cho Lực lượng vũ trang Lebanon. Lực lượng này đã cố gắng giữ khoảng cách với Hezbollah, mặc dù hai bên phải làm việc song song khi đối mặt với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và Hayat Tahrir al-Sham, một chi nhánh của Al-Qaeda ở phía đông Lebanon – khu vực gần biên giới Syria.
Mối quan hệ giữa Nga và Hezbollah cũng chưa rõ ràng. Hai bên đã làm việc song hành với nhau để hỗ trợ Assad, nhưng quan hệ của Moscow với Israel và Saudi Arabia hiện không phù hợp với mối quan hệ giữa Nga với Iran, Syria và Hezbollah - được phương Tây coi là “Trục kháng cự”. Vai trò của Nga cũng đang trở nên đặc biệt khó xử khi Israel tăng cường nhắm mục tiêu tới Iran và các đồng minh của Nga tại Syria.
Kì vọng Nga phá tan nguy cơ đối đầu Iran – Israel?
Những cuộc tấn công này, một số do Israel thực hiện và phần còn lại chưa được xác nhận, đã đẩy Israel và Iran gần tiến đến bờ vực chiến tranh. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đang vận động Tổng thống Donald Trump hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 với Iran, một động thái đe dọa sẽ dấy lên xung đột nếu Tehran khởi động lại các hoạt động hạt nhân như điều nước này tuyên bố.
Lebanon đang ở giữa những xoáy sâu khủng hoảng khu vực. Đất nước này, vẫn gánh chịu ảnh hưởng từ thời nội chiến, phần lớn được tách biệt với cuộc xung đột Syria. Tuy nhiên, Lebanon vẫn chịu nhiều sức ép từ cuộc khủng hoảng tị nạn và không phận của Lebanon cũng bị các bên vi phạm nhiều lần. Tháng trước, Aoun lên án một cuộc tấn công đáng ngờ của Israel sử dụng không phận Lebanon để tấn công các chiến binh Iran tại một căn cứ không quân Syria. Vài ngày sau, Tổng thống Aoun một lần nữa lên tiếng, lần này là chỉ trích các tên lửa của Hoa Kỳ bay qua Lebanon để tấn công các cơ sở được cho là sản xuất vũ khí hóa học tại Damascus và Homs. Iran và các đồng minh của mình đã tuyên bố sẽ đáp trả cả hai cuộc tấn công. Nga, mặt khác, đã kêu gọi các bên bình tĩnh.
Khi Nga khẳng định mình là nhà hòa giải quyền lực hàng đầu trong khu vực, họ dự kiến sẽ phải tiếp nối một nhiệm vụ khó khăn là ngăn chặn một cuộc chiến tranh giữa Iran và Israel. Yahya nói với Newsweek rằng, khi căng thẳng tiếp tục gia tăng, Lebanon có thể sẽ nghiêng về Nga với hy vọng rằng Moscow có thể phá vỡ nguy cơ xung đột – hiện đang đẩy Trung Đông tiến tới một cuộc chiến mới – điều nước Mỹ đã chọn lựa rõ ràng nghiêng hẳn về một bên.
"Tại thời điểm này, nhiều bên đang trông đợi Nga kiềm chế sự leo thang rõ rệt giữa Iran / Israel và ngăn chặn sự bùng nổ một cuộc xung đột ở Lebanon", Yahya nói.