• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bước ngoặt quan hệ Mỹ - Trung trong nỗ lực hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu

Thế giới 27/10/2021 14:32

(Tổ Quốc) - Quan hệ Mỹ và Trung Quốc đang là trọng tâm chú ý trong nỗ lực chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Thời báo châu Á (Asia Time), một tuần sau đàm phán về biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Anh) thì Mỹ và Trung Quốc đang là trọng tâm chú ý trong nỗ lực hợp tác ứng phó với vấn đề này.

Hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu: Cơ hội cải thiện quan hệ Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry (phải) đã gặp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái). Ảnh: AFP

Giới chuyên gia cho rằng, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang đi xuống trong những năm gần đây và chương trình hợp tác đối phó với biến đổi khí hậu giữa hai nước có thể là tín hiệu giảm căng thẳng trong thời gian tới.

Chính quyền Tổng Mỹ Mỹ Joe Biden luôn đánh giá cao nỗ lực chung tay đối phó với biến đổi khí hậu và bày tỏ mong muốn hợp tác giữa Mỹ với Trung Quốc để thống nhất về chính sách quan trọng này. Giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc và Mỹ có thể thúc đẩy cải thiện quan hệ trên toàn cầu thông qua nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, mong muốn này vẫn chưa được đáp ứng.

Hiện trạng về phát tán khí thải

Theo Asia Times, Trung Quốc hiện chiếm 28% lượng khí thải carbon toàn cầu. Tốc độ phát thải đã chậm lại trong những năm gần đây nhờ vào nỗ lực của chính phủ cải thiện an ninh năng lượng và thúc đẩy năng lượng tái tạo. Trung Quốc đã thực hiện cam kết quốc tế đầu tiên về biến đổi khí hậu trong thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu 2015.

Vào năm 2017, cựu Tổng thống Trump đã quyết định rút khỏi Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris 2015 và sau đó, Trung Quốc giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện tại, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng cường năng lượng tái tạo và cường độ carbon vào năm 2030. Trong khi đó, Mỹ cam kết sẽ đảo ngược các thiệt hại về chính sách khí hậu từ thời cựu Tổng thống Trump và khẳng định sẽ theo đuổi các sáng kiến quốc gia đầy tham vọng, tăng cường hợp tác quốc tế, bao gồm cả với Trung Quốc.

Trong tháng Tư năm nay, Tổng thống Biden đã cử Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry đến Trung Quốc nhằm thảo luận về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong chuyến thăm, hai nước đã ra thông cáo chung cam kết hợp tác trong lĩnh vực này. Vào tháng trước, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố, hợp tác biến đổi khí hậu không thể tách rời với diễn biến quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuyên bố gợi ý Trung Quốc sẽ từ chối hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu cho đến khi Washington đưa ra các vấn đề chiến lược vĩ mô hơn. Sau chuyến thăm của ông Kerry, Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao đổi trong cuộc điện đàm về chủ đề biến đổi khí hậu.

Cơ hội hợp tác?

Đến hiện tại, hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa thể đưa ra phỏng đoán trước. Trong kịch bản mang tính xây dựng, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục cạnh tranh để tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch, nâng cao năng lực công nghệ và xây dựng các ngành công nghiệp cạnh tranh quốc tế. Hai quốc gia sẽ tiếp tục cạnh tranh nhằm giúp các nước mới nổi giảm lượng khí thải.

Cả Bắc Kinh và Washington đều sẽ tìm cách chứng minh sự ưu việt với mô hình quản trị nhằm đạt được tiến bộ nhanh chóng liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu.Vì vậy, các nhà quan sát cho rằng, bất kỳ căng thẳng nào giữa Mỹ và Trung Quốc đều sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với khí hậu.

Đầu tiên, bởi căng thẳng, dòng chảy quốc tế và sự phổ biến công nghệ xanh sẽ trở nên khó khăn hơn. Chẳng hạn như, Mỹ muốn kiểm soát công nghệ bán dẫn tiên tiến cần thiết cho xe điện trong khi Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về công nghệ pin EV. Nếu các quốc gia bắt đầu hạn chế xuất khẩu công nghệ cho nhau thì tiến bộ trong lĩnh vực xe điện sẽ chậm lại đáng kể. Điều đó cũng sẽ gây khó khăn cho việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu đối với công nghệ năng lượng sạch mới như hệ thống gió ngoài khơi. Do đó, thị trường toàn cầu cho công nghệ năng lượng sạch sẽ đứt gãy và thu hẹp nhiều hơn so với trước đây. Với quy mô thị trường giảm, các sản phẩm và công nghệ khí hậu mới sẽ mất nhiều thời gian hơn để có thể đạt được giá cả phải chăng, làm chậm quá trình cung ứng toàn cầu.

Thứ hai, hệ thống hiệu quả để kiểm soát khí hậu toàn cầu đòi hỏi hầu hết các quốc gia phải tham gia. Tuy nhiên nếu không có sự tin tưởng giữa Mỹ và Trung Quốc thì hệ thống sẽ không thể tồn tại.

Giới chuyên gia nhận định cách Mỹ và Trung Quốc hành động hay phản ứng với vấn đề biến đổi khí hậu sẽ đóng vai trò quan trọng hàng đầu tại COP26 và hơn thế nữa. 

Vì vậy, quan hệ tiếp theo giữa hai quốc gia sẽ quyết định cơ bản cho hành động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ