• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bước ngoặt RCEP mang lại lợi thế lớn cho Trung Quốc

Thế giới 06/06/2022 15:20

(Tổ Quốc) - Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động thương mại thông qua RCEP nhằm gia tăng ảnh hưởng ở khu vực và toàn cầu.

Theo trang CNBC, Trung Quốc tiếp tục tăng cường các thảo luận cấp cao về RCEP, hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới trong bối cảnh Mỹ tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới (RCEP) hiện bao gồm sự tham gia của các thành viên ASEAN và những quốc gia khác ngoài ASEAN là Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Bước ngoặt RCEP mang lại lợi thế lớn cho Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock

Nhờ có RCEP, Trung Quốc đã thiết lập được quan hệ thương mại tự do với Nhật Bản. Các nhà phân tích cho rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) thể hiện kỳ vọng của Bắc Kinh nhằm gia tăng ảnh hưởng từ những thỏa thuận thương mại đã thỏa thuận, khả năng tận dụng thuế quan cũng như thị trường sẵn có để tiếp cận dễ dàng hơn.

Theo CNBC, diễn đàn RCEP Media &Think Tanks lần thứ hai, được tổ chức ở Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc trong tuần này sẽ thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia thương mại phi chính phủ trong khu vực để tiếp tục thảo luận thêm về việc mở rộng thương mại trong khối. Cuộc họp cũng thể hiện nỗ lực của tỉnh Hải Nam nhằm đáp ứng yêu cầu từ chiến lược quy mô lớn của Trung Quốc thông qua Hiệp định RCEP.

"Nhất quán với sự ủng hộ của chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa, thông qua RCEP, Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục thúc đẩy gia tăng ảnh hưởng bởi chính động thái này cũng giúp các quốc gia thành viên có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn", bà Li Xirui, chuyên gia nghiên cứu về thương mại tại trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam cho biết.

Bà Li cho rằng Trung Quốc có khả năng cạnh tranh với Mỹ trên bất kỳ diễn đàn kinh tế nào ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai bởi nước này có vị thế kinh tế lớn trong khu vực và tăng trưởng thương mại theo RCEP. Trong thời gian tới, Bắc Kinh cũng khẳng định sẽ tiếp tục làm đơn gia nhập các thỏa thuận thương mại quy mô lớn khác như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA).

"Chiến lược của Trung Quốc được cho là phù hợp với xu hướng hiện tại trong bối cảnh Mỹ cũng gia tăng ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương", bà Li nhận xét.

Trong khi đó, chuyên gia thương mại Heng Wang thuộc Đại học New South Wales nói rằng Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục sử dụng các cách tiếp cận thị trường theo RCEP khi muốn tăng cường hiện diện trong khu vực.

"Hiện tại, RCEP là hiệp định thương mại khu vực lớn duy nhất mà Trung Quốc tham gia và có thể tăng cường ảnh hưởng thương mại với khu vực", ông Wang nhấn mạnh.

Còn ông Henry Gao, phó Giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore nhấn mạnh thách thức cạnh tranh thương mại với Mỹ sẽ vẫn tồn tại bởi ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh

Nhấn mạnh thêm, ông Gao cũng chỉ ra sự đối xứng giữa các thành viên của RCEP, đặc biệt khi Trung Quốc cho rằng RCEP chiếm 30% GDP toàn cầu.

Kế hoạch lớn của Trung Quốc với RCEP

"Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể từ khi triển khai RCEP vào tháng Giêng năm nay", bà Li cho biết trên CNBC. Đây cũng là kế hoạch chi tiết cho các doanh nghiệp Trung Quốc về việc mở rộng thương mại và tìm kiếm cơ hội thông qua RCEP.

Việc hỗ trợ thúc đẩy sâu hơn việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ cũng là một lợi thế mà việc gia nhập RCEP đem lại cho Trung Quốc. Hiện ASEAN là kênh chính để Trung Quốc thực hiện việc quốc tế hóa đồng nội tệ. Cùng với việc thực thi hiệp định, sẽ có nhiều các quốc gia của ASEAN và trong khu vực chọn Nhân dân tệ làm đồng tiền giao dịch. Bắc Kinh cũng đã đưa ra các hướng dẫn bao gồm thương mại - sản xuất và thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán giao dịch thương mại. Giới chức trách cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải sử dụng cảng thương mại tự do ở Hải Nam để thực hiện hệ thống hải quan độc lập.

Theo bà Li, chuyên gia nghiên cứu về việc triển khai RCEP của Trung Quốc, ít nhất 10 tỉnh của Trung Quốc, trong đó có Phúc Kiến và Chiết Giang đã lên kế hoạch phổ biến để phát triển kế hoạch RCEP. Dựa trên khuôn khổ của RCEP, trong khi tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đang gia tăng hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp thì tỉnh Quảng Tây lại tìm cách nâng cấp phát triển công nghiệp đang vận hành chung với Malaysia. Chính quyền tỉnh Quảng Tây và Phúc Kiến cũng muốn xây dựng thêm các cơ sở công nghiệp ở một số nước như Malaysia hay Indonesia.

"Nhiều tỉnh đã cam kết cung cấp hàng loạt các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến RCEP nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại", bà Li nói.

Các nhà quan sát cũng cho rằng, đối với việc ký kết thêm các thỏa thuận thương mại, Trung Quốc có khả năng sẽ không áp dụng các hiệp ước song phương hay ba bên khác trong khu vực bởi Bắc Kinh thích cách tiếp cận từng bước một hơn đối với các giao dịch thương mại hơn./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ