• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bước ngoặt thúc đẩy tham vọng đế chế công nghệ của Ấn Độ

Thế giới 09/03/2021 18:47

(Tổ Quốc) - Theo CNN, Ấn Độ gần đây tăng cường tạo sức ép lên các công ty công nghệ toàn cầu nhằm tạo cơ hội phát triển nền tảng ứng dụng trong nước.

Ông Mayank Bidawatka – đồng sáng lập của Koo nói trên CNN Business cho biết thống kê của công ty phân tích ứng dụng Sensor Tower ghi nhận số lượt tải ứng dụng Koo lên tới 3,3 triệu trong năm qua. Đây là một khởi đầu đầy hứa hẹn cho một công ty được thành lập cách đây chưa đầy một năm.

Bước ngoặt thúc đẩy tham vọng đế chế công nghệ của Ấn Độ  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và một số quan chức trong chính quyền nước này cũng liên tục bày tỏ ủng hộ với ứng dụng Koo và khuyến khích người dân trong nước sử dụng nền tảng này. Mới đây, Ấn Độ cũng đã áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt đối với người dân sử dụng Facebook, Twitter và YouTube sau chưa đầy một năm ra lệnh cấm sử dụng hàng chục ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có TikTok và WeChat.

Trong bối cảnh như vậy, chính phủ nước này đã gợi ý các biện pháp thay thế cho người dùng bằng việc sử dụng nền tảng "cây nhà lá vườn" như Koo. Theo công ty phân tích ứng dụng Sensor Tower, hai ứng dụng đang được tải nhiều nhất ở Ấn Độ trong năm 2021 là nền tảng chia sẻ video ngắn như MX Taka Tak và Moj.

Ông Bidawatka cho rằng các hạn chế của chính phủ Ấn Độ đối với các nền tảng ngoài nước đã giúp các ứng dụng trong nước lên hạng và bước ra thị trường toàn cầu.

"Nhiều gã khổng lồ công nghệ toàn cầu xem Ấn Độ là một phần trong lộ trình chiến lược phát triển tương lai nhưng họ cũng lo ngại ít nhiều. Chúng ta có các tài năng, có nguồn lực, kinh nghiệm và sẵn kinh phí để thực hiện ước mơ công nghệ toàn cầu. Và đây là một ước mơ rất lớn. Chúng ta đang nói về quá trình tạo ra các sản phẩm được sử dụng tại một quốc gia có dân số lớn thứ hai thế giới", ông nói.

Thông điệp gửi đi

Một số quốc gia hiện đang tìm cách hạn chế ảnh hưởng sức mạnh của các công ty công nghệ toàn cầu. Trong các tháng gần đây, Australia, châu Âu và Mỹ đã sửa các quy định thành luật nhằm giảm các quyền lực công nghệ đối với một số nền tảng.

Ấn Độ gần đây cũng đang nhằm vào các công ty công nghệ lớn nhưng trọng tâm của nước này vẫn là bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia. Ấn Độ có khoảng 750 triệu người dùng internet và là yếu tố quan trọng đóng góp tăng trưởng toàn cầu của Big Tech. Facebook, Google, Amazon, Netflix và một số nền tảng công nghệ khác đã rót hàng tỷ đôla vào việc phát triển hoạt động ở Ấn Độ. Vì vậy, các quy định của chính quyền Thủ tướng Modi đối với chiến dịch khuyến khích người dân sử dụng nền tảng công nghệ trong nước được xem như "gáo nước lạnh" với các công ty này.

Giới chuyên gia đặt ra câu hỏi liệu chính phủ Ấn Độ đơn giản là quảng bá và khuyến khích sử dụng ứng dụng "Made in India" hay đang tạo ra một môi trường pháp lý duy nhất cho các nền tảng công nghệ của Ấn Độ.

Theo CNN, Ấn Độ đã áp dụng theo đúng cách của Bắc Kinh từng làm. Quốc gia đông dân nhất thế giới đã không cho phép người dân nước này sử dụng ứng dụng nước ngoài trong nhiều thập kỷ. Google và Facebook đều thúc đẩy nỗ lực gia nhập thị trường đông dân nhất thế giới nhưng vẫn không đạt hiệu quả. Thay thế vào đó, hệ sinh thái của Trung Quốc bao gồm các công ty "cây nhà lá vườn" như Tencent ((TCEHY), Weibo (WB) và Alibaba (BABA) đều là những "gã khổng lồ" đóng vai trò toàn cầu.

Theo CNN, Ấn Độ đã đóng cửa các công ty công nghệ của Trung Quốc nhằm tạo động lực cho công nghệ nước này tìm cách thay thế nền tảng TikTok ( hơn 200 triệu người dùng ở Ấn Độ). Chính phủ Ấn Độ cũng tích cực tìm cách khuyến khích người dân sử dụng các ứng dụng như Koo và Chingari thay thế. Hai ứng dụng này đã chiến thắng trong chương trình "thử thách đổi mới ứng dụng" và đã nhận được tiền thưởng lớn từ chính phủ.

Ngay sau khi Thủ tướng Modi kêu gọi đất nước "tự lực cánh sinh" vào tháng Năm năm ngoái, ứng dụng video ngắn Chingari bắt đầu tung chiến lược tiếp cận thị trường nhằm thay thế TikTok. Nhanh chóng sau đó, ứng dụng này đã đạt 2,5 triệu lượt tải xuống chỉ trong 6 ngày.

"Các căng thẳng xung đột quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong năm ngoái khiến New Delhi quyết định lệnh cấm sử dụng hàng chục ứng dụng của Trung Quốc. Bước ngoặt đột phá với Chingari đã thấy rõ khi số lượt tải xuống chạm mức kỷ lục là 8 triệu trong một ngày, tiếp đó là 7 triệu lượt vào ngày tiếp theo", nhà đồng sáng lập ứng dụng này - Sumit Ghosh khẳng định.

Các thay đổi trong thị trường kỹ thuật số của Ấn Độ tạo đòn bẩy cho nước này nâng tầm tham vọng công nghệ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các ứng dụng "cây nhà lá vườn" ở Ấn Độ vẫn khó có thể cạnh tranh cùng cấp độ với các ứng dụng mạng khác trừ khi chính phủ nước này quyết định cấm sử dụng hoàn toàn đối với Facebook hay Twitter.


"Khả năng theo dõi tin tức toàn cầu và tạo kết nối xuyên biên giới là tính năng quan trọng mang lại thành công cho các nền tảng và không thể bỏ qua", ông Mishi Choudhary, Giám đốc pháp lý tại Trung tâm Luật Tự do phần  mềm có trụ sở ở New York nhận định.

Ông Anupam Srivastava, một thành viên không thường trú ở Trung tâm Stimson – một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington DC và là người đứng đầu cơ quan đầu tư của chính phủ Ấn Độ là Invest India - khẳng định đây cũng là tín hiệu cảnh báo với Facebook và Twitter: Không nên coi thường sự phát triển công nghệ của Ấn Độ.


Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ