• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Cả hai nhiệm kỳ Quốc hội chúng ta duyệt được 2 dự án, mà có vướng gì đâu? có thiếu tiền đâu?"

Kinh tế 28/05/2019 11:12

(Tổ Quốc) - "Các đồng chí bảo do tiền thấp quá tôi không duyệt được, không tiêu được tôi cho là không phải. Nếu chúng ta đọc lại báo cáo kiểm toán Nhà nước quyết toán ngân sách năm 2017 thì chuyển nguồn của năm này tới hơn 300 nghìn tỷ thì đâu có phải vì thiếu tiền mà không làm được, vậy mà các đồng chí lại đổ cho luật?", đại biểu Nguyễn Đức Kiên nói.

Cả hai nhiệm kỳ Quốc hội chúng ta duyệt được 2 dự án, mà có vướng gì đâu? có thiếu tiền đâu? - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải. (Nguồn: Quochoi.vn)

Sáng 28/5 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Liên quan đến một vấn đề còn nhiều chiều ý kiến là tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Chính phủ và một số đại biểu đề nghị điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng.

Quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành. Thực tế thời gian qua, việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định, tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10.000 tỷ đồng như quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc, ngược lại nếu điều chỉnh như đề xuất của Chính phủ sẽ gây xáo trộn lớn trong chuyển dịch phân loại, quản lý dự án.

Trong hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 và khóa 14 chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng giữ quy định của luật hiện hành để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) nhấn mạnh rằng Quốc hội khoá 13 và 14 chỉ có 2 dự án trình Quốc hội. Con số này đối với một quốc gia đang phát triển là quá ít. Do đó, điều chỉnh tăng lên 20.000 tỷ có thể không còn dự án nào để trình Quốc hội. Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà điều chỉnh để Quốc hội không quyết định dự án nào là bất hợp lý.

Theo đại biểu này, việc lý giải mức vốn 10.000 tỷ hiện nay bất hợp lý sau đó tính thêm trượt giá, tăng trưởng..., dự báo cho tương lai để đưa lên 20.000 tỷ đồng là không thuyết phục. Thậm chí mức 10.000 tỷ cũng đã là cao so với qui mô chi đầu tư hàng năm của ngân sách trung ương.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, về nâng mức phân loại dự án đầu tư, theo ông nghĩ có sự nhầm lẫn giữa quy mô dự án với thời gian triển khai dự án. Qua giám sát của Uỷ ban Kinh tế, việc chậm triển khai giải ngân các dự án từ nhóm A chuyển lên dự án trọng điểm quốc gia do Quốc hội phê chuẩn là vướng ở chỗ đó.

"Ví dụ về dự án Metro Bến Thành- Suối Tiên từ dưới mức nhóm A lên dự án trọng điểm quốc gia thì quá trình chuyển thế thì ai chịu trách nhiệm phê duyệt? UBND TP HCM hay Chính phủ trình phê duyệt. Vướng là vướng ở chỗ đấy chứ không phải vướng mức là bao nhiêu? Hai nhiệm kỳ Quốc hội chúng ta mới duyệt được có mỗi 2 dự án, có vướng gì đâu?

Các đồng chí bảo do tiền thấp quá tôi không duyệt được, không tiêu được tôi cho là không phải. Nếu chúng ta đọc lại báo cáo kiểm toán Nhà nước quyết toán ngân sách năm 2017 thì chuyển nguồn của năm này tới hơn 300 nghìn tỷ thì đâu có phải vì thiếu tiền mà không làm được, vậy mà các đồng chí lại đổ cho luật?", đại biểu Nguyễn Đức Kiên nói.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, ông thực sự băn khoăn đối với việc sửa Luật Đầu tư công, bởi "vấn đề không phải do luật mà là do triển khai".

Cả hai nhiệm kỳ Quốc hội chúng ta duyệt được 2 dự án, mà có vướng gì đâu? có thiếu tiền đâu? - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (Nguồn: Quochoi.vn)

Tại buổi thảo luận, một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, vướng mắc ở đây cơ bản là do khâu tổ chức thực hiện chưa đạt, thiếu nhất quán chứ không phải do luật. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt câu hỏi: "Tại sao lại phải sửa Luật Đầu tư công khi vướng mắc không phải do luật?".

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Báo cáo nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng sửa đổi tập trung vào tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý vốn đầu tư công; thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công; tăng cường cải cách hành chính và đẩy mạnh phân cấp.

Căn cứ phạm vi sửa đổi rộng, số lượng điều sửa đổi khá nhiều, UBTVQH tiếp thu ý kiến đại biểu, đổi tên dự án Luật "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công" thành dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Trước một số ý kiến đại biểu đề nghị việc phân công nhiệm vụ cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quản lý nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài phải bảo đảm đúng quy định của Luật Quản lý nợ công, UBTVQH đã tiếp thu, chỉ đạo chỉnh lý quy định này trong dự thảo Luật trình Quốc hội, bảo đảm thống nhất với Luật Quản lý nợ công và rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quản lý các dự án ODA.

UBTVQH cũng nêu quan điểm, để tăng cường kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ, việc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài là cần thiết. Do vậy, UBTVQH giữ quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án vay ODA, vay ưu đãi nhóm A, B, C.

Về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, đây là nội dung còn ý kiến khác nhau. Do đó, UBTVQH xin ý kiến đại biểu theo 2 phương án:

Phương án I: Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Quốc hội có thể giao UBTVQH xem xét, quyết định, điều chỉnh danh mục, mức vốn của từng chương trình, dự án đầu tư công thuộc ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn như đã thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Phương án II: Chính phủ và một số đại biểu đề nghị quy định Quốc hội quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua.

Lý do bởi quy định Quốc hội quyết định danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án sẽ dẫn tới mất nhiều thời gian, phát sinh nhiều thủ tục hành chính. Mặt khác, danh mục dự án phải qua nhiều bước để xác định thông tin nên cần có thời gian, nếu có thay đổi sẽ phải thực hiện các thủ tục báo cáo Quốc hội tại kỳ họp; tính linh hoạt trong điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ hạn chế.Vì vậy, để tăng cường phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, UBTVQH đề nghị giao Chính phủ thẩm quyền quyết định danh mục dự án, bảo đảm linh hoạt, sát thực tế trong điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn.




Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ