(Tổ Quốc) - Hướng tới kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội diễn Nghệ thuật quần chúng ca khúc cách mạng với chủ đề "Tự hào giai điệu Tổ quốc". Hội diễn quy tụ 28 đoàn nghệ thuật quần chúng thuộc các tỉnh, thành phố trên cả nước.
- 20.04.2023 Khai mạc Hội diễn Nghệ thuật quần chúng ca khúc cách mạng năm 2023
- 08.07.2022 Tiếng hát công nhân, người lao động năm 2022: Cổ vũ, phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng
- 06.07.2022 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng của công nhân và người lao động đã tạo tiền đề vững chắc cho nghệ thuật chuyên nghiệp"
Sau 3 năm đại dịch Covid, Hội diễn Nghệ thuật quần chúng ca khúc cách mạng đã quay trở lại quy tụ 28 đoàn nghệ thuật quần chúng thuộc các tỉnh, thành phố trên cả nước như An Giang, Bắc Giang, Bình Phước, Cà Mau, Đồng Nai, Hà Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh…
Với chủ đề "Tự hào giai điệu Tổ quốc", tại hội diễn, các nghệ sĩ, diễn viên đã trình diễn nhiều tiết mục ca, múa, nhạc đặc sắc, được dàn dựng công phu, hoành tráng có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương đất nước, biển, đảo Việt Nam; ca ngợi truyền thống đấu tranh, tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng đất nước; những thành tựu đã đạt được trong lao động, sản xuất; khát vọng cống hiến của nhân dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, đổi mới và hội nhập.
Tự hào là thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu tham gia hội diễn lần này, Phó trưởng đoàn Nghệ thuật quần chúng thành phố Hồ Chí Minh Dương Thị Hoài Thương chia sẻ: "Chúng tôi rất vui mừng vì hội diễn nghệ thuật quần chúng đã trở lại sau nhiều năm đại dịch Covid, đặc biệt năm nay, hội diễn được tổ chức vào đúng dịp chào mừng kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chính vì thế, sự tham gia của thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy đây là trách nhiệm và tình cảm của nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ gửi gắm đến hội diễn".
Với bà Thương, những chương trình như này được tổ chức cũng là hình thức giáo dục cho các thế hệ trẻ, để các em nhận thức rõ hơn và có trách nhiệm hơn để góp phần xây dựng đất nước. Các bạn trẻ hiện nay yêu nước bằng nhiều cách, nhiều hình thức. Ngày xưa cha anh ta yêu nước bằng chiến đấu với giặc, bằng súng, bằng đạn, bây giờ các bạn trẻ, yêu nước bằng cách lao động thật tốt, rèn luyện thật tốt, yêu quê hương, yêu Tổ quốc, đồng bào dù có đi bất cứ nơi đâu.
"Vì vậy, tôi mong về phía Bộ VHTTDL và Cục Văn hóa cơ sở sẽ tiếp tục duy trì tổ chức thường niên những hội diễn như này để giúp thế hệ trẻ nhìn thấy được câu chuyện lịch sử qua những tác phẩm, đồng thời để cho những ca khúc cách mạng sẽ sống mãi với thời gian" – Bà Hoài Thương cho biết thêm.
Mong muốn thông qua các tiết mục dự thi sẽ truyền tải được thông điệp cùng nhau bảo vệ và phát huy truyền thống cách mạng đến với các thế hệ, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bắc Giang Giáp Văn Cường cho biết, là một người con của Bắc Giang, của quê hương đất Việt, ông cảm thấy rất tự hào khi có cơ hội mang đến những lời ca tiếng hát để ca ngợi những ca khúc cách mạng. Qua đó, giúp ông cùng với đoàn diễn của mình thể hiện lòng biết ơn với các anh hùng đã hi sinh một phần xương máu của mình để bảo vệ Tổ quốc, để mang lại hòa bình, tự do cho chúng ta ngày hôm nay.
Theo ông Cường chia sẻ: "Với Bắc Giang, nơi khởi nguồn 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, cũng là nơi khởi nguồn về ca khúc cách mạng với người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám. Chính vì thế, trong hội diễn lần này, chúng tôi mang tới một thông điệp là "Vang mãi bài ca cách mạng" nhằm tuyên truyền đến quần chúng nhân dân hãy cùng bảo tồn, phát huy các ca khúc cách mạng, để nó được trường tồn cùng với thời gian, vang mãi đến với thế hệ sau. Qua đó, góp phần giáo dục đến các thế hệ sau cùng nhau nỗ lực học tập, tiếp nối phát huy các giá trị mà cha anh đi trước để lại".
Đánh giá chất lượng của hội diễn năm nay đã có nhiều thay đổi, đặc biệt về hình thức biểu diễn, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Tuấn cho biết: "Hội diễn với chủ đề các ca khúc cách mạng này là hoạt động chính trị lớn, mang sức lan tỏa đến các thế hệ trẻ để chúng ta ghi nhận, ghi nhớ quá trình của ông cha trong những năm tháng kháng chiến. Hơn nữa, tôi cho rằng chất lượng năm nay đã có những đổi mới. Nếu như những hội diễn trước chỉ sử dụng nhạc có sẵn để biểu diễn thì năm nay, ban tổ chức đã yêu cầu các đoàn diễn sử dụng nhạc sống, ban nhạc để thực hiện bản live trên sân khấu. Đây là điều tạo sinh khí cho anh em trong đoàn diễn, tất cả đều rất hào hứng chuẩn bị cho hội diễn lần này. Đồng thời, đây cũng là ngày hội để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc trên khắp mọi miền đất nước gặp gỡ, trao đổi nhau kinh nghiệm, những người đồng nghiệp sẽ gần gũi với nhau hơn, cùng nhau chia sẻ thành quả nghệ thuật để chinh phục khán giả. Và khẳng định, giá trị nghệ thuật hôm nay là đời sống văn hóa, cho người dân được thưởng thức, hưởng thụ.".
Là Trưởng Ban giảm khảo của hội diễn năm nay, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Phạm Ngọc Khôi cho biết: "Sau hơn 1 ngày làm việc, tôi đánh giá cao về sự chuẩn bị, đầu tư cho các đoàn diễn năm nay, những sáng tác mới có chất lượng rất cao. Có rất nhiều đơn vị với những bất ngờ hết sức xúc động khi mang màu sắc của vùng miền mình nhưng hòa chung vào bài ca đất nước. Tuy dưới dạng hội diễn quần chúng, nhưng rất nhiều đơn vị mang tính chuyên nghiệp rất cao, thể hiện sự vươn lên không ngừng của các đơn vị, các anh chị em nghệ sĩ.
Đặc biệt, tôi rất bất ngờ với các tiết mục độc tấu, các anh chị em biểu diễn còn rất trẻ, đặc biệt có những em chỉ mười mấy tuổi nhưng có bản lĩnh nghệ thuật. Đó là những tài năng, là những người nối tiếp lực lượng văn nghệ sĩ chuyên nghiệp tương lai của đất nước. Qua các hội diễn như thế này, có những tài năng trẻ ngày hôm nay đã rất nở rộ, cần được bồi dưỡng nhiều hơn nữa, đầu tư để có thể bước dài trên con đường nghệ thuật. Từ đó, giá trị nền âm nhạc nghệ thuật cách mạng của Việt Nam không những bảo tồn mà còn được phát triển tiếp tục qua những thế hệ mới, trong thế kỷ 21 này".
Thông qua hội diễn, có thể khẳng định, âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng tư tưởng tình cảm, định hướng thị hiếu thẩm mỹ và lối sống của công chúng. Ca khúc cách mạng ngày nay không còn đóng khung trong những bài ca thuộc giai đoạn trường kỳ kháng chiến mà đã mở rộng, phát triển thành dòng nhạc mang tinh thần tập thể, tiếng nói dân tộc, tiếp thêm động lực cho quân và dân ta trong những trận tuyến mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc./.