(Tổ Quốc) - Vào ngày này (12/8 âm lịch), các nghệ sĩ thường trở về nhà hát, sân khấu, đoàn thể mình đã trưởng thành để dự lễ giỗ Tổ nghề nhưng cũng có nghệ sĩ chọn không khí ấm cúng, giản dị là tổ chức tại tư gia.
- 18.09.2021 Nghệ sĩ giỗ Tổ nghề sân khấu ở Sài Gòn: "Đừng để Tổ xoay sở một mình giữa bao ước muốn"
- 18.09.2021 Nhà thờ 100 tỷ của NS Hoài Linh im lìm trong ngày Giỗ tổ nghề sân khấu?
- 21.09.2018 Trao giải thưởng sân khấu 2017 và Giỗ tổ nghề sân khấu 2018
- 29.09.2017 Các nghệ sĩ tất bật chuẩn bị cho lễ giỗ tổ nghề sân khấu
- 15.09.2017 Chương trình “Lễ giỗ Tổ nghề sân khấu 2017” sẽ diễn ra vào 29/9
Cứ đến ngày 12/8 Âm lịch hằng năm, các nghệ sĩ trên khắp mọi miền đất nước lại dâng hương lên Tổ nghề để tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn đến tiên tổ, các bậc tiền nhân đã sáng tạo nên một loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo.
Với những người làm sân khấu, ngày giỗ Tổ nghề có ý nghĩa tâm linh rất lớn và rất quan trọng. Đó là sự tri ân với các bậc tiền nhân đã sáng tạo ra nghệ thuật sân khấu, đồng thời, đây cũng là dịp để các thế hệ nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện với nhau để gắn bó hơn – điều mà ngày thường vì áp lực công việc, thời gian nên các nghệ sĩ rất khó có cơ hội để thực hiện.
Vào ngày này, các nghệ sĩ thường trở về nhà hát, sân khấu, đoàn thể mình đã trưởng thành để dự lễ giỗ Tổ nghề nhưng cũng có nghệ sĩ chọn không khí ấm cúng, giản dị là tổ chức tại tư gia.
Nhiều năm nay, ca sĩ Linh Nguyễn thường tổ chức giỗ Tổ tại nhà riêng. Hai năm qua, do tình hình dịch bệnh không thể tổ chức rộng rãi, nam ca sĩ chỉ thành tâm thiết sửa lễ vật để dâng hương. Năm nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng do đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, "sô chậu" vẫn chưa được rộn ràng như trước nên Linh Nguyễn hướng đến việc tổ chức nhỏ gọn nhưng ấm cúng nhưng vẫn đảm bảo sự trang trọng, linh thiêng. "Hoa quả phải tươi, các lễ vật dâng lên phải đẹp. Vì thế, đồ lễ tôi chỉ mua từ tối hôm trước, lên tận chợ hoa đầu mối để lựa những bông tươi nhất. Sáng sớm tự mình sắp lễ, bày biện. Dù giản dị nhưng được nhiều người khen khéo tay nên tôi thấy rất vui và ấm áp", Linh Nguyễn nói.
Anh quan niệm, giỗ Tổ là nghi thức tại tâm, cốt ở lòng thành nên Linh Nguyễn không tổ chức rộng rãi, chỉ mời những nghệ sĩ thân tình như: ca sĩ Ngọc Khuê, Việt Tú, Hoàng Thiên (Quán quân Ngôi sao Bolero 2022), MC Thái Mạnh Thắng, MC Tuấn Hưng, nghệ sĩ chèo Quốc Phòng cùng các nghệ sĩ ở lĩnh vực tổ chức biểu diễn như Quang Hồng, Cao Khánh, Đặng Huyền... và những người bạn là khán giả thân thiết với Linh Nguyễn nhiều năm qua. Và giỗ Tổ nghề là dịp hiếm hoi để nghệ sĩ được nghỉ ngơi, quây quần bên nhau, trò chuyện và cùng hưởng lộc Tổ nghề.
Linh Nguyễn tâm sự rằng mỗi dịp giỗ Tổ, anh chỉ mong được Tổ nghề phù hộ sức khỏe cho nghệ sĩ được cống hiến nhiều hơn với nghề. "Tôi không cầu có nhiều show, kiếm được nhiều tiền mà luôn mong có được sức khỏe cho bản thân, bạn bè nghệ sĩ. Bởi nếu không có sức khỏe thì dù nổi tiếng bao nhiêu, show nhiều cỡ nào cũng không thể kham nổi. Sau đó là tự hứa với Tổ nghề, với bản thân luôn nỗ lực cống hiến, gìn giữ, bảo tồn vẻ đẹp của di sản sân khấu mà Tổ tiên để lại", nam ca sĩ nói.
Ca sĩ Linh Nguyễn tốt nghiệp khoa Kịch hát dân tộc (Đại học Sân khấu Điện ảnh), là diễn viên Chèo của Nhà hát Chèo Hà Nội. Từng giành được giải Bạc Liên hoan Giọng hát hay dân ca dân tộc toàn quốc.
Với niềm đam mê Bolero, Linh Nguyễn chuyển sang hát ở các quán bar, làm tổ chức biểu diễn để tiếp cận được gần hơn dòng nhạc này. Sau rất nhiều năm ấp ủ, khi ở tuổi 40 (năm 2015) Linh Nguyễn cũng cho ra mắt được sản phẩm âm nhạc Bolero đầu tiên của mình- album DVD "Đường tình đôi ngả"- với sự tham gia song ca của ca sĩ Anh Thơ- nữ hoàng "nhạc đỏ". Linh Nguyễn luôn thể hiện sự chỉn chu trong âm nhạc. Ở sản phẩm thứ 2 của mình, album "Duyên phận", Linh Nguyễn cộng tác cùng "nữ hoàng sầu muộn" Giao Linh. Linh Nguyễn được khán giả và đồng nghiệp yêu quý bởi chất giọng mộc mạc, hát như tự sự, không màu mè, cầu kỳ mà hướng đến cảm xúc nhiều hơn.