• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các bên chuẩn bị chiến tranh ở Syria?

Thế giới 17/06/2013 02:04

(Toquoc)-Nếu chiến tranh ở Syria bị đẩy lên, có sự can thiệp nước ngoài, nhiều khả năng trở thành chiến tranh thế giới thứ ba.

(Toquoc)-Nếu cuộc chiến tranh ở Syria bị đẩy lên, có sự can thiệp của nước ngoài, nhiều khả năng trở thành chiến tranh thế giới thứ ba.

Giới phân tích cảnh báo về một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba mà tất cả các bên đều bị thiệt hại nặng nề sau khi Mỹ phê chuẩn việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria, Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao còn Iran tuyên bố gửi 4.000 quân giúp Tổng thống Assad. Nga chắc chắn cũng sẽ không đứng ngoài cuộc chiến tranh này.

Mỹ tiến gần tới lập vùng cấm bay ở Syria

Ngày 15/6, bất chấp việc cả chính phủ Nga và Syria khẳng định cáo buộc của Washington về việc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại quân nổi dậy là không thuyết phục, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phê chuẩn việc gửi vũ khí cho quân nổi dậy Syria. Động thái này ngay lập tức được giới quan sát đánh giá là một bước đệm để Mỹ nhảy vào Syria theo “kịch bản Iraq” hoặc biến Syria tới Libya thứ hai. Một kịch bản chiến tranh đang hình thành.

Mỹ đã triển khai 300 thủy quân lục chiến và hệ thống phòng không Patriot ở phía bắc Jordan, gần biên giới với Syria. Theo The Times (Anh), các lực lượng này đã được triển khai ở phía bắc thành phố Mafraq dưới dạng tập trận quân sự Mỹ và Jordan, được tổ chức ở khu vực trong tuần này, nhưng sẽ vẫn ở đó trong vài tháng.



Cuộc nội chiến ở Syria kéo dài 2 năm qua đã khiến ít nhất 93.000 người thiệt mạng trong đó có 6.500 trẻ em

Cùng với việc hành động can thiệp quân sự đầu tiên trong cuộc nội chiến kéo dài đã hai năm ở quốc gia Trung Đông này, chính phủ Mỹ hiện còn đang tính đến việc thành lập khu vực cấm bay ở Syria, như kiểu đã xuất hiện ở Libya trước khi lật đổ chế độ Muammar Gaddafi. Đây là hành động đầu tiên sau khi Nhà Trắng nói chính quyền Syria đã vượt lằn ranh giới hạn khi dùng vũ khí hóa học.

Việc đặt ra vùng cấm bay sẽ buộc Mỹ phải phá hủy hệ thống phòng không của Syria, khá hiện đại do Nga trang bị, can dự vào cuộc nội chiến ở Syria với những hành động cũng tương tự như NATO đã từng làm ở Libya để lật đổ chế độ Muammar Gadhafi hai năm trước.

Các nhà phân tích chính trị nhận định không phải ngẫu nhiên Mỹ bất ngờ tuyên bố Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Đó thật sự là một bước đi dọn đường cho các hành động can thiệp quân sự. Có ý kiến cho rằng nếu Mỹ chậm chân hơn nữa trong việc can thiệp vào Syria thì tình hình ngày càng khó khăn hơn. Vào lúc này, lực lượng đối lập Syria đang ngày càng mâu thuẫn, trong khi đó người dân Syria đang dần chuyển sang ủng hộ Tổng thống Assad.

Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria

Hôm 15/6, Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi đã tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với chế độ cầm quyền hiện tại Syria. Phát biểu tại Hội nghị "Chiến thắng của Syria" tổ chức tại sân vận động quốc gia Cairo, Tổng thống Ai Cập Mursi tuyên bố: "Hôm nay, Ai Cập quyết định cắt đứt mọi quan hệ với chế độ cầm quyền hiện nay tại Syria, đóng cửa Đại sứ quán Syria tại Cairo và rút đại biện lâm thời Ai Cập tại Syria về nước".

Dư luận khu vực đánh giá quyết định cắt đứt quan hệ với Syria của Tổng thống Ai Cập là bất ngờ vì "dường như đã có sự thay đổi quan điểm của Ai Cập về vấn đề Syria".

Arập Xêút có kế hoạch cung cấp tên lửa cho phe đối lập

Trong khi đó, tờ Der Spiegel của Đức số ra ngày 16/6 đưa tin Arập Xêút có kế hoạch cung cấp cho phe đối lập Syria các tên lửa phòng không để đối phó với lực lượng không quân của Tổng thống Bashar al-Assad.

Nhật báo trên dẫn báo cáo mật trình Cơ quan tình báo nước ngoài và chính phủ Đức hồi tuần trước cho biết Riyadh đang xem xét gửi tổ hợp tên lửa phòng không vác vai MANPADS do châu Âu chế tạo cho phe đối lập Syria. Đây là tổ hợp tên lửa có thể bắn hạ các máy bay tầm thấp và từng tạo ưu thế quyết định cho các phần tử thánh chiến ở Afghanistan trong thời kỳ những năm 80 của thế kỷ trước.

Quốc vương Jordan Abdullah II cho biết nước này sẽ có các biện pháp phòng vệ cần thiết trước những mối đe dọa từ cuộc nội chiến tại Syria, một khi cộng đồng quốc tế thất bại trong việc hỗ trợ Jordan ngăn cản dòng người tị nạn từ Syria tràn sang.

Theo Quốc vương Abdullah II, Jordan đang làm việc với các tổ chức nhân đạo quốc tế để đảm bảo có đủ chi phí đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người tị nạn. Ông cũng cho biết Amman sẽ tiếp tục hợp tác với các nước Arập, Mỹ, Nga và EU trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, qua đó giúp hàng chục nghìn người tị nạn Syria được trở về nước. Theo số liệu chính thức, hiện có hơn 540.000 người Syria đang tị nạn tại Jordan.



Nỗi sợ hãi chiến tranh của bé gái Syria

Iran gửi 4.000 quân hỗ trợ Tổng thống Syria

Chính phủ Iran đã thông qua quyết định triển khai 4.000 quân thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tới Syria để hỗ trợ cho chính phủ của Tổng thống Bashar Al Assad.

Dẫn tin từ tờ "Độc lập" (Anh), ITAR-TASS cho biết đây sẽ là “nhóm đầu tiên” được Tehran điều tới Syria nhằm thể hiện "quyết tâm duy trì chế độ của Tổng thống Assad".

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh sức ép từ bên ngoài ngày càng đè nặng lên chính quyền của Tổng thống Assad, đặc biệt khi trước đó Mỹ thong qua việc cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria trong khi Liên minh châu Âu (EU) quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với lực lượng này.

Nga sẽ không đứng ngoài

Hôm 15/6, Nga đã lên tiếng bên vực cho chính quyền Syria rằng Tổng thống Assad không cần phải dùng đến vũ khí hóa học để chống lại quân nổi dậy trong khi mà quân đội của Damascus vẫn liên tiếp giành thắng lợi trong những tuần qua.

Ngoại trưởng Nga Serguei Lavarov tuyên bố trước các nhà báo rằng “Chính quyền Tổng thống Assad đang giành thắng lợi trên chiến trường, phe đối lập đã công nhận điều này”, vì thế “việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học thì có ý nghĩa gì, nhất là trong một phạm vi nhỏ bé như vậy”. Trước đó, hôm 14/6, Moscow cho rằng cáo giác của Mỹ về việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học là “không thuyết phục”.

Ngoại trưởng Nga cũng nói rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm lập vùng cấm bay ở Syria bằng việc sử dụng máy bay chiến đấu F-16 và tên lửa Patriot từ Jordan đều vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Lavarov cho rằng đó là hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

Trước đó, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cho rằng cung cấp vũ khí cho đối lập Syria chỉ làm cho cuộc xung đột càng trở nên trầm trọng, không lối thoát.

Nguy cơ chiến tranh thế giới thứ ba

Giới phân tích đều chung quan điểm rằng, nếu Mỹ thực sự can thiệp quân sự vào Syria thì khu vực Trung Đông với những thùng thuốc sung sẽ phát nổ. Thậm chí, nếu tình hình diễn biến xấu đến mức kéo tất cả các cường quốc khu vực và thế giới tham chiến, thì đây có thể trở thành cuộc chiến tranh thế giới thứ ba.

Iran đã tuyên bố gửi quân đến ủng hộ Tổng thống Assad cho thấy nhà nước Hồi giáo này quyết tâm bảo vệ quyền lực cho ông Assad. Một cuộc chiến tranh xảy ra, mâu thuẫn, xung đột sắc tộc vốn dai dẳng sẽ lan rộng và ngày càng nguy hiểm.

Mặt khác, đây có thể là cơ để các lực lượng như Hamas ở Dải Gaza, Hezbollah ở Li Băng... đồng loạt khai hỏa tấn công Israel để kéo Tel Aviv vào cuộc, tham gia chiến tranh trên diện rộng. Như thế, xung đột sẽ lại lan ra vùng bờ Tây, Dải Gaza. Tất nhiên, khu phi quân sự ở cao nguyên Golan khó có thể yên ổn và những trận đánh khốc liệt hồi thập niên 1960, 1970 sẽ tái diễn.

Bên cạnh đó, nếu Mỹ tấn công Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Jordan khó đứng ngoài cuộc. Nhất là khi cộng đồng người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ cũng hiện diện tại Syria. Nội tình Syria lại rất phức tạp với 10% dân số theo Thiên Chúa giáo luôn lo ngại một chính phủ Hồi giáo có thể hình thành sau khi chế độ al-Assad sụp đổ. Vì thế, xung đột tôn giáo, sắc tộc nhiều khả năng trở nên hỗn tạp với vô số phe phái, đủ mọi lý do. Xấu hơn nữa, Iran tiến hành phong tỏa eo biển Hormuz để kìm chân phương Tây thì kinh tế thế giới sẽ khốn đốn vì đây là tuyến đường huyết mạch cung cấp dầu khí cho toàn cầu. Những hệ lụy khi đó trở nên khôn lường.

Nga vốn có lợi ích ở Syria. Trung Quốc ngày càng muốn thể hiện vai trò ảnh hưởng của mình tại tất cả các khu vực trên thế giới, chắc hẳn cũng ít nhiều sẽ bị kéo vào cuộc chiến tranh này./.

Nhã Quyên

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ