• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các chính sách hỗ trợ hiện nay mới chỉ giúp doanh nghiệp “cầm máu mà chưa lành được vết thương”

Thời sự 15/06/2020 16:55

(Tổ Quốc) - Tiếp tục phiên thảo luận hội trường chiều 15/6, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tập trung nêu các kiến nghị về giải pháp thúc đẩy phát triển nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Cuộc chiến chống “giặc” tụt hậu kinh tế đòi hỏi những kỹ năng gấp bội

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) cho rằng, với thành quả trong công tác chống dịch COVID-19 được cả thế giới ghi nhận thì Việt Nam xứng đáng có được tấm “huy chương vàng” đầu tiên ở cấp độ toàn cầu trong lĩnh vực phòng, chống dịch. Dù vậy, tấm “huy chương vàng” quý giá là niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Các chính sách hỗ trợ hiện nay mới chỉ giúp doanh nghiệp “cầm máu mà chưa lành được vết thương” - Ảnh 1.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc.

Tuy nhiên, không giống như cuộc chiến chống giặc COVID-19, cuộc chiến chống “giặc” tụt hậu trong hành trình phục hồi, tái khởi động nền phát triển nền kinh tế đang đòi hỏi những kỹ năng gấp bội lần.

Lấy dẫn chứng từ việc, ngoài chủ trương thúc đẩy đầu tư công thì các chính sách tài khóa khác nhìn chung vẫn có vẻ dè dặt khi chủ yếu chỉ dừng lại ở các biện pháp giãn, hoãn thời hạn nộp thuế cho doanh nghiệp, ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng, các giải pháp Chính phủ đưa ra vẫn chưa đủ mạnh.

Chính vì vậy, vị ĐB này nêu ý kiến, với mức nợ công hiện tại là 56% GDP thì chúng ta vẫn còn dư địa để thực hiện các biện pháp giãn, hoãn thời hạn, cắt giảm thuế cho doanh nghiệp với liều lượng mạnh hơn. Ví dụ có thể kéo dài thời gian giãn, hoãn các khoản thuế, phí phải nộp trong thời gian 12 tháng thay vì 3, 6 tháng.

Đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước đã tiên phong trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong trợ giúp doanh nghiệp, tuy nhiên, ĐB Lộc cho rằng, dù đã có 2 lần hạ lãi suất điều hành trong những tháng đầu năm nhưng tác động của các chính sách này đến thị trường, đặc biệt là lãi suất chung và dài hạn chưa thực sự rõ nét.

“Việc cơ cấu lại nợ về thời hạn và lãi suất mới chỉ giúp cho doanh nghiệp “cầm máu mà chưa lành được vết thương” - ĐB Lộc nhấn mạnh.

Theo đó, ĐBQH Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính sớm ban hành gói hỗ trợ chung và dài hạn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 trong các ngành như Du lịch và Hàng không.

Các chính sách hỗ trợ hiện nay mới chỉ giúp doanh nghiệp “cầm máu mà chưa lành được vết thương” - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình).

Bên hành lang Quốc hội chiều 15/6, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) bày tỏ đồng tình với quan điểm của ĐB Vũ Tiến Lộc. ĐB này cho rằng: "Quan điểm của ĐB Lộc có định hướng rất tốt với mục đích không để doanh nghiệp nợ xấu, phá sản. Tuy nhiên, cần phải xem xét đối tượng doanh nghiệp nào thì cần kéo, giãn, hoãn nộp thuế và doanh nghiệp nào thì không cần trợ cấp".

"Những doanh nghiệp nào do cá nhân của doanh nghiệp đó làm thua lỗ, phá sản thì phải tự mình vươn lên. Còn những doanh nghiệp nào thực sự khó khăn do đại dịch COVID-19 thì mới được xem xét."- ĐB Phương nhấn mạnh.

Bày tỏ đồng tình với quan điểm doanh nghiệp Du lịch và Hàng không chịu tác động nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19, ĐB Phương đề nghị cần phải được xem xét để giảm lãi vay ngân hàng và thuế, cùng với đó là phải tạo điều kiện để doanh nghiệp thuộc 2 lĩnh vực này vươn lên trong thời gian tới.

Cần quyết liệt với các loại "vi rút tham nhũng, trì trệ, vô cảm"

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản về cơ chế, cách thức điều hành có thể gây khó cho doanh nghiệp. Đó là câu chuyện liên quan đến các loại “vi rút”, ví dụ như “vi rút tham nhũng”, “vi rút trì trệ” hay “vi rút vô cảm”.

Các chính sách hỗ trợ hiện nay mới chỉ giúp doanh nghiệp “cầm máu mà chưa lành được vết thương” - Ảnh 3.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp)

Với thực trạng trên, ĐB Hoa bày tỏ mong muốn, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cần quyết liệt, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo cuộc chiến chống các loại vi rút nói trên để từng bước tạo một môi trường minh bạch, trong lành để phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra, vị ĐB này cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe và đồng hành cùng doanh nghiệp.

Các chính sách hỗ trợ hiện nay mới chỉ giúp doanh nghiệp “cầm máu mà chưa lành được vết thương” - Ảnh 4.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội).

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu quan điểm, để tạo bước phát triển đột phá thì phải thúc đẩy đổi mới và phải tìm ra được cách giải quyết vấn đề khác với thông lệ.

“Để đạt được kết quả cao hơn, nhanh hơn cần xác lập cơ chế đối với những quyết định dù không tuân thủ quy trình, quy định nhưng mang lại hiệu quả cao sẽ phải được ghi nhận và đánh giá cao. Ngược lại, nếu chỉ tuân thủ quy trình, quy định nhưng kết quả không cao sẽ không được coi là hoàn thành nhiệm vụ” - Đại biểu Cường nêu quan điểm.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ