(Tổ Quốc) - Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi phát triển sau khi chứng kiến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng hơn 1 tỷ USD trong hai tháng.
Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng khu vực, đầu tư nước ngoài tăng
Trong dự báo kinh tế mới nhất được công bố gần đây, Ngân hàng thế giới WB đã dự báo Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng hàng năm là 7,2%, tăng từ mức 5,3% trong dự báo hồi tháng 4. Triển vọng đối với Indonesia không đổi ở mức 5,1%. Khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng 5,3% vào năm 2022.
Aaditya Mattoo, nhà kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết nguồn tăng trưởng lớn trong khu vực là do sự dỡ bỏ các hạn chế mà các quốc gia bắt buộc phải áp dụng trong thời kỳ COVID.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng từ 11,57 tỷ USD trong tháng 7 lên 12,8 tỷ USD vào tháng 8 năm 2022, báo hiệu sự phục hồi của đất nước sau đại dịch Covid-19.
Cụ thể mới đây, hãng sản xuất điện tử khổng lồ Foxconn của Đài Loan có kế hoạch tăng cường đầu tư vào Việt Nam với việc lần đầu tiên sản xuất Apple Watch và MacBook tại nước này.
Còn Hàn Quốc, với tư cách là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam, Samsung Electronics vẫn là đối tác doanh nghiệp quan trọng nhất của họ.
"Lót ổ đón đại bàng"
Theo Asia Times. các công ty tiếp tục sẽ thể hiện sự quan tâm đến Việt Nam hiện nay khi chính phủ đang chuẩn bị "lót ổ" cho những "chú đại bàng".
Tờ Asia Times đánh giá, sự tăng trưởng này một phần nhờ vào nỗ lực nhất quán của chính phủ Việt Nam nhằm cung cấp một môi trường an toàn và thân thiện cho doanh nghiệp nước ngoài, đảm bảo các công ty tiếp cận với lực lượng lao động địa phương trong điều kiện thuận lợi.
Các doanh nghiệp đến Việt Nam có thể thấy một số lợi thế như tìm được nguồn nhân công giá rẻ, chăm chỉ và cần cù. Đồng thời đối với mức sống ngày càng cao ở Việt Nam đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì đây sẽ là nơi phù hợp cho các nhà quản lý quốc tế khi đến đây làm việc.
Tuy nhiên Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức trong việc tìm kiếm lao động có tay nghề cao và thiếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ chất lượng tốt tham gia vào chuỗi cung ứng của Việt Nam.
Trước những thách thức này, chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến số hóa, công nghệ và đổi mới và đạt được mức phát thải ròng bằng không.
Sự kết nối của Việt Nam với các quốc gia khác bắt nguồn từ việc Việt Nam sẵn sàng trở thành một mắt xích năng động hơn trên toàn cầu. Việt Nam đang bắt kịp các nước láng giềng về số lượng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực tham gia vào mọi tổ chức và hiệp định song phương, đa phương và xuyên quốc gia mà mình đủ điều kiện tham gia.
Mặt khác, Việt Nam cũng khá nhất quán trong việc thực thi pháp luật nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho các công ty nước ngoài hoạt động.
Chính phủ cũng đã thực hiện một số bước nhằm nâng cao chất lượng kỹ năng và trình độ lao động, đặc biệt là trong các ngành STEM (bao gồm các ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).
Các trường đại học nước ngoài ở Việt Nam cũng được khuyến khích mở các khóa học nhằm nâng cao năng lực quản lý, sáng tạo và đổi mới của địa phương.
Việc phát triển kỹ năng sẽ giúp người dân địa phương dễ dàng hơn trong việc làm việc với các công ty nước ngoài, khuyến khích người dân khởi động các dự án để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.