(Tổ Quốc) - Ấn Độ đã cấm hàng loạt ứng dụng của Trung Quốc mặc dù Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Ấn Độ.
Công ty Trung Quốc gặp khó
Ngày 4/9 vừa qua, Ấn Độ đã cấm 118 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm những trò chơi điện tử nổi tiếng của Tencent cũng như các dịch vụ khác từ Baidu và Alibaba.
Bộ Điện tử & Công nghệ Thông tin Ấn Độ cho rằng các ứng dụng Trung Quốc "có tham gia vào các hoạt động gây tổn hại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ". Chính phủ Ấn Độ cũng cáo buộc các dịch vụ di động này gửi thông tin công dân tới các máy chủ đặt ngoài Ấn Độ.
Đầu tháng 6, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc. Căng thẳng giữa 2 quốc gia đã liên tục leo thang từ sau vụ xô xát đẫm máu khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng tại khu biên giới tranh chấp trên núi Himalaya.
Abishur Prakash, một chuyên gia địa chính trị tại Trung tâm Đổi mới Tương lai (CIF), Toronto, Canada, đánh giá: "Các công ty Trung Quốc đã nhận một bài học đau đớn. Đó là, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã khiến doanh nghiệp của họ thiệt hại nặng. Chính sách địa chính trị của Trung Quốc với Ấn Độ đã dẫn tới việc công ty Trung Quốc thua lỗ trên toàn Ấn Độ".
Theo Bloomberg, tháng trước, các hãng sản xuất thiết bị điện tử viễn thông lớn cửa Trung Quốc là ZTE và Huawei đã bị loại khỏi chương trình thử nghiệm 5G của Ấn Độ. Như vậy, Ấn Độ là quốc gia tiếp theo - sau Australia và Anh - gạch tên Huawei khỏi mạng lưới di động thế hệ tương lai.
Sự rút lui của công nghệ Trung Quốc tạo ra cơ hội lớn cho các công ty Mỹ và Ấn Độ.
"Người Ấn Độ chắc chắn có thái độ cứng rắn hơn người Mỹ trong việc cấm ứng dụng và công nghệ của Trung Quốc," Rodger Baker, phó chủ tịch nghiên cứu chiến lược tại Stratfor, nói.
"Một phần lí do là Ấn Độ mong muốn cải thiện công nghệ nội địa, thúc đẩy phát triển ngành công nghệ và cố gắng quảng bá hình ảnh đất nước là điểm đến để các nước khác đầu tư phát triển công nghệ".
Ấn Độ và Mỹ "lợi đôi đường"
Ấn Độ là thị trường hấp dẫn đối với các hãng công nghệ Trung Quốc. Các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ tới 4 tỉ USD vốn vào các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ. 18 trong số 30 công ty kỳ lân của Ấn Độ - hoặc công ty khởi nghiệp có giá trị trên 1 tỉ USD - đều do Trung Quốc góp vốn.
Trong khi đó, các ứng dụng khác của Trung Quốc như TikTok cũng đã thách thức những ông lớn của Mỹ như Facebook và Google. Tại thị trường điện thoại, Xiaomi cũng chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu tại Ấn Độ.
Prakash nói: "Các hãng công nghệ Trung Quốc biết rằng những ngày thoải mái kinh doanh ở nước ngoài đang dần tàn".
Các công ty lớn của Mỹ cũng gặp lợi tại Ấn Độ. Neil Shah, giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint Research, nói: "Khi công ty Trung Quốc rút, các hãng của Mỹ và những quốc gia khác sẽ có cơ hội mở rộng thị phần. Ví dụ, việc cấm TikTok sẽ có lợi cho Instagram Reels".
Động thái của Ấn Độ tới giữa lúc Mỹ tiếp tục gây áp lực đối với các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc. Hồi tháng 8, tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua lệnh cấm các công ty giao dịch với Tencent và ByteDance - công ty sở hữu TikTok. Washington đầu năm nay tiếp tục sửa đổi luật cấm Huawei tiếp cận các nhà cung cấp linh kiện bán diễn.
"Cả Ấn Độ và Mỹ đều thấy điều có lợi cho họ. Chủ trương lớn nhất của thủ tướng Ấn Độ Modi là tự lực. Từ quốc phòng tới thương mại điện tử, ông Modi không muốn Ấn Độ phụ thuộc vào nước ngoài. Trong khi đó, Ấn Độ đã tự xây dựng được ngành công nghiệp phần mềm nội địa," ông Prakash nói.
"Cùng lúc đó, các công ty Mỹ đang tìm kiếm địa điểm mới để đặt các trụ sở cung cấp phần cứng cũng như kho bãi để chứa sản phẩm của khách hàng. Đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi".
Mặc dù căng thẳng Trung - Ấn có thể khiến các doanh nghiệp Trung Quốc tạm dừng tham vọng tại Ấn Độ, nhưng sẽ khó khiến các công ty này mở rộng trên quy mô toàn cầu.
"Họ có thể bắt đầu sản xuất các sản phẩm và dịch vụ đặc biệt cho từng thị trường - thay vì cho cả thế giới. Điều này sẽ thúc đẩy cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đã có tầm ảnh hưởng lớn hơn tại một số vùng nhất định," ông Prakash nhận định.