• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các đặc điểm của tình hình kinh tế thế giới năm nay

Thế giới 31/07/2018 18:01

(Tổ Quốc) - Một số rủi ro đang chờ đợi các nền kinh tế. Kinh tế Mỹ có thể đi vào giai đoạn phát triển bong bóng.

Đầu năm 2018, tình hình tổng thể của kinh tế thế giới  tiếp tục xu thế tăng trưởng như năm 2017. Thị trường lao động của nhiều nước đạt mức gần như tốt nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, động lực kinh tế thế giới xuất hiện xu thế yếu đi. Chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ, đồng USD tăng giá, luồng tiền chạy ra khỏi các nước mới nổi thể hiện những rủi ro của hệ thống tiền tệ, tài chính toàn cầu.

4 đặc điểm của kinh tế thế giới

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới về tổng thể được duy trì, nhưng có sự phân hóa mạnh giữa các thực thể kinh tế chủ chốt. Tăng trưởng kinh tế Mỹ quý I/2018 đạt 2,2%, trong quý II tăng vọt lên 4.1% so với quý trước đó. Tuy nhiên, trong quý I, khu vực EU hạ từ mức dự báo 2,7% xuống 1,7%; Anh từ 1,7% xuống 0,4%; Nhật Bản lần đầu tiên trong 9 quý tăng trưởng âm, quý I giảm 0,6%. Tốc độ tăng trưởng của các nước mới nổi (BRICS) thiếu động lực. Trong khi chỉ số PMI (chỉ số tổng hợp để đánh giá hoạt động của các ngành sản xuất) của các nước phát triển trên 53% thì của các nước mới nổi khoảng 50%.

 Thị trường cổ phiếu Mỹ xuất hiện hiện tượng bong bóng.

- Mậu dịch quốc tế tăng trưởng ổn định, giá cả các mặt hàng chủ chốt tăng. Theo WTO, chỉ số dự báo mậu dịch toàn cầu là 102,3, cao hơn quý IV/2017 là 102,2. Tình hình nhập khẩu nguyên liệu vẫn tốt: Brazil tăng 7,8% (quý I); Nga lần lượt trong 3 tháng đầu năm tăng xuất khẩu là 31,3%, 20,8% và 17,8%. Xuất khẩu của Mỹ cũng tăng: 7,3%, 10,9%, 9%.

- Tình hình việc làm lạc quan, lòng tin tiêu dùng tăng lên. Tỷ lệ thất nghiệp ở các nước phát triển liên tục giảm. Mỹ 3,9% trong 4 tháng đầu năm; Nhật Bản 2,5% (giảm 0,3%). 28 nước EU 3 tháng quý I là 7,1% (giảm 0,8%). Chỉ số lòng tin tiêu dùng ở Mỹ đạt 101,4%, cao nhất trong 4 năm qua.

- Từ đầu năm đến nay, vật giá toàn cầu tăng nhẹ. CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của Mỹ trong 4 tháng đầu năm tăng 2,1-2,4%. Khu vực đồng euro là 1,1-1,3%, Nhật Bản 1,1-1,5%, Nga 2,2-2,4%, Brazil 2,7-3%. Tuy nhiên giá dầu tăng nhanh tạo áp lực  lạm phát.

4 rủi ro của kinh tế thế giới

- Thị trường cổ phiếu Mỹ xuất hiện hiện tượng bong bóng. Từ năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính, thị trường cố phiếu Mỹ tăng trưởng liên tục trong 8 năm liền, chỉ số Dow Jones tăng lên tới 290%. Giá cổ phiếu tăng dẫn đến tích lũy rủi ro. Từ đầu năm tới nay, chỉ số cổ phiếu chính không ngừng biến động, còn cao hơn mức lịch sử. Theo Bloomberg, chỉ số Dow Jones đã gấp 16,8 lần kể từ năm 1975. Kinh tế Mỹ có thể đi vào giai đoạn phát triển bong bóng, tăng trưởng bởi các yếu tố nhất thời.

- Thị trường mới nổi bị xáo động.  Do thị trường lãi suất trái phiếu đột phá ở mức 3%, cộng thêm số liệu kinh tế khác biệt của châu Âu, tạo ra tâm lý đầu cơ đồng USD, làm cho đồng tiền này liên tục tăng giá, tác động mạnh  tới các thị trường các nền kinh tế mới nổi, làm mất giá đồng tiền của các nước này, áp lực lạm phát gia tăng, cổ phiếu xuống giá. Các hiện tượng nêu trên gây ra lo ngại và bất ổn đối với dòng vốn rút ra khỏi các nước, làm lo ngại phát sinh  lại hiện tượng tháo chạy của các dòng vốn như các năm 2015-2016 khi đồng USD tăng giá. Có thể khẳng định, một số nền kinh tế thực sự đứng trước rủi ro khá lớn.

- Xuất hiện rủi ro đối với mậu dịch toàn cầu. Từ tháng 3 tới nay, chính quyền Trump liên tục áp thuế đối với mặt hàng thép, nhôm…, gây căng thăng cho mậu dịch toàn cầu. Mỹ đang bước vào cuộc tranh cử giữa nhiệm kỳ; chính quyền Trump có thể chuyển mạnh từ toàn cầu hóa  thành “phản toàn cầu hóa”. WTO trở thành chiến trường chính cho cuộc cạnh tranh mậu dịch toàn cầu. Trong nhưng tháng gần đây, Tổng thống Trump tiếp tục đề cập khả năng rút khỏi WTO, cho rằng “WTO do các nước khác tạo ra để hủy diệt nước Mỹ”; “WTO vốn đã hành động không công bằng trong quan hệ với Mỹ”…

 Donald Trump đang trù tính rút khỏi WTO.

- Rủi ro địa chính trị vẫn khá lớn. Những biến động quan hệ giữa các nước như Mỹ-Trung, Mỹ-Nga, Mỹ-Iran… làm cho các nhà đầu tư ở vào thời kỳ đối phó với rủi ro. Giá dầu tăng do nguồn cung giảm, gây rủi ro đối với kinh tế.

Trong tình hình đó, phía Trung Quốc xác định thúc đẩy đa dạng hóa xuất khẩu; tăng cường quản lý nợ xấu ngân hàng, sản phẩm tài chính qua mạng, tiền ảo…

Trong tháng 6, tỷ giá đồng nhân dân tệ giảm mạnh so với USD làm dấy lên quan ngại rằng, Trung Quốc đang chuẩn bị dùng việc làm mất giá đồng NDT như vũ khí  trong cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ, làm giảm tác động xấu của mức thuế từ Mỹ. Các chuyên gia cho rằng, bất cứ nỗ lực nào nhằm “vũ khí hóa” tiền tệ của Trung Quốc đều mang nguy cơ lớn, lợi bất cập hại./.

 (theo tạp chí Liêu Vọng - Trung Quốc và một số nguồn khác)

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ