• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các đảo Hy Lạp "chật vật" với khủng hoảng nước sinh hoạt vào mùa du lịch cao điểm

Thế giới 24/07/2024 19:45

(Tổ Quốc) - Theo hãng CNN, các đảo Hy Lạp - nổi tiếng với những thị trấn bình dị, phong cảnh hiểm trở và những bãi biển đầy nắng - đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng.

Nhiều đảo ở Hy Lạp đang trở nên cạn kiệt nước ở mức báo động. Vấn đề cũng trở nên tồi tệ hơn vào mùa du lịch cao điểm và thời tiết khô nóng tiếp tục kéo dài.

Các đảo Hy Lạp "chật vật" với khủng hoảng nước sinh hoạt vào mùa du lịch cao điểm - Ảnh 1.

Hình ảnh ngày 20/6/2024 từ trên cao cho thấy đập thủy lợi Eggares trên đảo Naxos, Hy Lạp đang cạn kiệt nước. Ảnh: Stelios Misinas/Reuters

Một số đảo, bao gồm Leros, Sifnos và một phần Crete và Kefalonia, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do thiếu nước. Hiện tượng mưa ít trong nhiều năm và mùa đông nóng bất thường đã gây ra tình trạng cạn kiệt các hồ chứa và nguồn nước ngầm.

Các nhà chức trách cũng nỗ lực tìm giải pháp, bao gồm khử muối từ nước biển thành nước uống khi hòn đảo chuẩn bị đón hàng triệu khách du lịch đến trong những tuần tới.

Điển hình, đảo Naxos từng nổi tiếng với những bãi biển dài đầy cát nhưng các hồ chứa nước ở đây đã bị thu hẹp đáng kể để lộ lòng hồ vá víu.

Hai hồ chứa nước mưa của hòn đảo hiện chỉ có khoảng 200.000m3 nước (52,8 triệu gallon), bằng 1/3 so với năm ngoái.

Thị trưởng đảo Naxos Dimitris Lianos cho biết tình hình đang rất tệ. Biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu nước và du lịch đang làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn do nhu cầu ngày càng tăng.

Theo ông Dimitris Lianos, hiện đảo Naxos Hy Lạp có thể đáp ứng nhu cầu về nước nhưng tình trạng thiếu nước sẽ xảy ra vào thời gian tới vì dự kiến sẽ có thêm hàng nghìn khách du lịch đến đảo vào mùa hè cao điểm.

Nikitas Mylopoulos, Giáo sư chuyên về quản lý nước tại Đại học Thessaly nhấn mạnh tình trạng thiếu nước là một vấn đề ở nhiều vùng của Hy Lạp do nhu cầu tăng cao, thiếu chính sách nước bền vững và biến đổi khí hậu, nhưng các hòn đảo này lại dễ bị tổn thương nhất.

"Vấn đề tồn tại là thiếu tài nguyên nước - tầng ngậm nước nông, ít sông hoặc đập - với nhu cầu nước tăng cao trong mùa hè", ông nói thêm.

Thời tiết cực đoan

Hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng thêm căng thẳng khủng hoảng nước sinh hoạt. Mùa đông năm ngoái là mùa đông ấm nhất ở nước này kể từ khi các kỷ lục ghi nhận vào năm 1960. Hầu như mọi tháng trong năm nay đều có lượng mưa thấp hơn bình thường và Biển Địa Trung Hải có nhiệt độ cao kỷ lục.

Theo ông Kostas Lagouvardos, Giám đốc nghiên cứu tại Đài quan sát quốc gia Athens, kể từ tháng 10 năm ngoái , lượng mưa ở một số hòn đảo đã thấp hơn 40% so với bình thường. Vì vậy, đó là một vấn đề lớn.

Ở đảo Tinos, một hòn đảo phía bắc Naxos với rải rác với những ngôi làng trên đỉnh vách đá trắng xóa và hàng trăm nhà thờ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cũng đang yếu hơn.

"Đảo Tinos không có hồ chứa như đảo Naxos. Điều này sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn khi nguồn nước cạn dần. Nông dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Họ không thể phụ thuộc vào giếng nước của mình nữa. Nông dân phải tìm đến nguồn nước ở nơi khác với chi phí cao hơn", Thị trưởng Tinos Panagiotis Krontiras cho biết.

Tại Leros, một hòn đảo ở phía nam biển Aegean, tình hình nước trở nên tồi tệ đến mức chính quyền vào tháng trước đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Đầu tháng này, Hải quân và Bộ Quốc phòng Hy Lạp đã cử tàu chở nước tới đảo Leros để đáp ứng nhu cầu cơ bản của cộng đồng.

Các đảo Hy Lạp "chật vật" với khủng hoảng nước sinh hoạt vào mùa du lịch cao điểm - Ảnh 2.

Các đơn vị khử muối tạm thời trên đảo Naxos, Hy Lạp. Ảnh: Stelios Misinas/Reuters

Tìm kiếm giải pháp

Khi các hồ chứa nước co lại và nguồn nước ngầm cạn kiệt, một số hòn đảo đã chuyển sang nhu cầu lọc nước biển để tìm giải pháp.

Các thiết bị khử muối - chuyển đổi nước biển thành nước ngọt bằng cách loại bỏ muối và tạp chất - đã trở thành cứu cánh cho nhiều hòn đảo ở Hy Lạp đang căng thẳng về nước, mặc dù thường đắt đỏ và thiếu năng lượng.

Đảo Naxos đang dựa vào 4 đơn vị tạm thời để bù đắp sự thiếu hụt nước sinh hoạt tại đây. Trong khi đó, đảo Tinos sở hữu từ 5-6 đơn vị khử muối và sản xuất khoảng 5.000 m3 mỗi ngày - đủ để lấp đầy khoảng hai bể bơi cỡ Olympic.

Thị trưởng Krontiras nhấn mạnh cách duy nhất để giải quyết tình trạng thiếu hụt này trong những năm tới là khử muối biển. Tuy nhiên, giải pháp này cũng gặp vấn đề ở một số nơi. Cuộc khủng hoảng một phần là do hai cơ sở khử muối trên đảo Tinos đang trong tình trạng hư hỏng.

Ông Krontiras đặc biệt lo ngại về sự bùng nổ bể bơi ở đảo Tinos và những nơi khác. Điều này đang làm tăng thêm căng thẳng cho hệ thống nước sinh hoạt. Trước cuộc khủng hoảng, chúng ta cần có cái nhìn khác về nhu cầu tồn tại của bể bơi trên các hòn đảo.

Đáng chú ý, tình hình cũng trở nên nghiêm trọng hơn khi mùa du lịch cao điểm trong tháng 8 đang đến gần và thời tiết khô nóng có vẻ sẽ tiếp tục kéo dài.

"Nhiều hòn đảo khác sẽ gặp vấn đề trong giai đoạn này nếu không có các biện pháp cấp bách", Giám đốc Lagouvardos cho biết.

Hiện tại, Hy Lạp đang phải hứng chịu một đợt nắng nóng tàn khốc, với nhiệt độ lên tới trên 40 độ C sau đợt nắng nóng kỷ lục vào tháng 6. Nhiều vụ cháy rừng đã xảy ra và một số người đã thiệt mạng khi nhiệt độ cao thiêu rụi các hòn đảo của Hy Lạp.

Hiện vẫn chưa có giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng.

Tại Naxos, chính quyền đảo đang đưa ra kế hoạch quản lý nước sau khi các thiết bị khử muối tạm thời ngừng hoạt động. Quá trình tái chế nước thải và khai thác nguồn nước ngầm đang được quan tâm. Kế hoạch này sẽ cần nguồn vốn, sự hỗ trợ của nhà nước và có thể là các khoản vay. Nhưng trên hết, đây vẫn là công việc cần phải làm. Thị trưởng Krontiras nhấn mạnh chính quyền địa phương hiện đang sửa chữa hai đơn vị khử muối và thuê một đơn vị khử muối khác để tăng nguồn cung cấp nước.

Trong khi đó, chính quyền đảoTinos đang triển khai xây dựng một nhà máy khử muối lớn để đảm bảo nguồn nước cho đảo trong những năm tới.

Ông Krontiras cũng kêu gọi một hệ thống quản lý nước tập trung hơn, có tính đến nhu cầu của mọi người, thay vì chỉ cá nhân. Tình trạng thiếu nước có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai và việc giải quyết đòi hỏi mọi người phải suy nghĩ lại về việc sử dụng nước cũng như cách chia sẻ nước một cách công bằng.

"Đã đến lúc phải xem xét mức tiêu thụ nước theo một cách khác. Mọi người cần hiểu rằng nước hiện nay là nguồn tài nguyên quý giá", ông Krontiras nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ