• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các nền kinh tế hàng đầu đối mặt với già hóa dân số

Thế giới 02/07/2014 06:42

(Toquoc)-Đời sống khó khăn tại các nền kinh tế phát triển đang cản trở việc tăng dân số, gây mất cân đối lực lượng lao động.

(Toquoc)-Đời sống khó khăn tại các nền kinh tế phát triển đang cản trở việc tăng dân số, gây mất cân đối lực lượng lao động.

Theo số liệu của trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) công bố hồi đầu năm nay, vào năm 2025, số lượng người ở độ tuổi trên 65 trên thế giới sẽ tăng gấp đôi mức hiện nay, trong khi số trẻ em chỉ tăng 3%; đến năm 2050, số người trên 65 tuổi của thế giới sẽ tăng gấp ba lần và đạt tới 1.5 tỉ người. Các nền kinh tế hàng đầu như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và EU sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể của quá trình già hóa dân số. Đối với Nhật Bản, tình trạng già hóa dân số được xem là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với chương trình chấn hưng nền kinh tế Nhật Bản ngay trong giai đoạn hiện nay.

Những con số biết nói

Dân số Trung Quốc hiện ở mức hơn 1,3 tỷ người, trong đó 14% từ 60 tuổi trở lên và con số này sẽ ở mức 30% vào năm 2050. Theo Ngân hàng thế giới (WB), tỷ lệ tăng trưởng dân số hàng năm của nước này chỉ đạt 0,5%. Cứ 10 người Trung Quốc thì có 7 người cao tuổi. Việc duy trì chính sách một con là nguyên nhân chính làm dân số Trung Quốc mất cân bằng và già hóa nhanh chóng.

Với Nhật Bản, tỷ lệ sinh sản thấp và tuổi thọ cao đã làm cho Nhật Bản từ nhiều năm nay là một trong những quốc gia có tỷ lệ người sống thọ cao nhất thế giới. Số người từ 65 tuổi trở lên đang chiếm 23% tổng số dân, ở mức 31,9 triệu người. Đến năm 2050, phần lớn dân số nước này sẽ qua tuổi 50. Số người trên 65 tuổi ở mức 36,5%, có 9/10 người Nhật là người cao tuổi. Cũng theo Bộ y tế Nhật Bản, dân số nước này năm 2013 đã giảm 244.000 người, là năm giảm thứ 7 liên tiếp.

Dữ liệu nhân khẩu học châu Âu đang thay đổi. Hiện nay, tỷ lệ sinh trên khắp lục địa đã giảm xuống còn 1,3-1,4%. Độ tuổi trung bình ở châu Âu sẽ là 42,2 vào năm 2020, so với 39,8 năm 2010. Hiện nay, Đức, Ý, Hi Lạp, Thụy Điển, Tây Ban Nha luôn nằm trong danh sách những nước có dân số già nhất thế giới, với số người cao tuổi trên dưới 20% tổng dân số mỗi nước. Đến năm 2050, tỷ lệ người già, trên 65 tuổi ở một số nền kinh tế hàng đầu châu Âu gia tăng đáng kể: ở Đức, Ý, Tây Ban Nha là hơn 30% và Anh, Pháp sẽ ở vào khoảng 25%.

Trong các nền kinh tế hàng đầu, Mỹ là quốc gia có tín hiệu khả quan nhất. Dân số Mỹ dự kiến sẽ tăng 23% vào năm 2025 với số người trong độ tuổi lao động tăng 15%. Tuy vậy, tình trạng già hóa dù chưa thực sự trầm trọng hiện nay nhưng vẫn là vấn đề nước này cần chuẩn bị đối phó. Đến năm 2050, số người cao tuổi Mỹ sẽ tăng từ 13,1% lên 21,4%, ở mức 83,7 triệu người.

“Quả bom hẹn giờ” về nhân khẩu học

Tổng thư kí Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết: “Ảnh hưởng về kinh tế và xã hội của hiện tượng già hóa dân số có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ tác động tới cá nhân người cao tuổi và gia đình họ, mà còn có tác động rộng hơn tới toàn xã hội và cộng đồng toàn cầu theo những cách thức chưa từng có”. Trong lĩnh vực kinh tế, lực lượng lao động già hóa, đi đôi với thiếu hụt lao động trầm trọng, làm mất đi lợi thế của lao động giá rẻ, một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hiện nay, nguồn cung ứng lao động của Trung Quốc đã giảm hơn một nửa so với nhu cầu. Trong khi mức lương của lao động nước này năm 2013 đã tăng 13,9%, gần 500 USD/tháng so với năm 2012, gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP năm 2013 của Trung Quốc.

Báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết, chỉ trong 10 năm tới, tổng lực lượng lao động của Nhật Bản sẽ giảm đến 10% nếu nước này không có sự điều chỉnh phù hợp.

Tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh là một thách thức lớn đối với quỹ lương hưu quốc gia trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái như hiện nay. Số người về hưu và thời gian hưởng lương hưu tăng lên, đòi hỏi phải hình thành một hệ thống lương hưu dài hạn, gia tăng gánh nặng cho ngân sách quốc gia và ảnh hưởng đến tính bền vững lâu dài của nền tài chính công. Đến năm 2050, quỹ lương hưu của Trung Quốc sẽ chiếm 10% GDP, so với mức 3,4% năm 2010. Tại một số quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Ý, con số này dao động từ 14%-16% GDP của mỗi nước năm 2050.

Chiến lược đối phó

Các quốc gia đang tích cực giải quyết nan đề này bằng cách tăng tỉ lệ sinh hàng năm với chính sách khuyến khích sinh con và hỗ trợ giáo dục, đào tạo cho trẻ em. Đầu năm nay, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách một con của mình bằng cách cho các cặp vợ chồng, trong một số trường hợp được sinh thêm con thứ hai. Ngày 1/6 vừa qua, chính phủ Nhật Bản cho biết chính phủ sẽ khuyến khích tăng cường sinh con thứ ba và hỗ trợ nuôi dưỡng, giáo dục sau khi những đứa trẻ ra đời. Trong chương trình cải cách kinh tế được biết đến như “mũi tên thứ ba” của Abenomics, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều biện pháp, trong đó đáng chú ý là đưa phụ nữ tham gia vào thị trường lao động.

Chính sách nhập cư cũng là một giải pháp hiệu quả trong khi việc tăng tỉ lệ sinh không mang lại hiệu quả tức thì. Nhật Bản có chủ trương chấp nhận 200 nghìn người nhập cư một năm và sẽ cấp thị thực ngắn hạn cho người nước ngoài để thu hút lực lượng lao động trẻ có trình độ học vấn cao tham gia vào các chương trình thực tập sinh và tham gia hoạt động trong ngành y tế, điều dưỡng, và một số lĩnh vực khác.

Ở Mỹ chính quyền Obama đề ra chủ trương cải cách chế độ nhập cư. Nhưng những biện pháp cấp tiến này đang gặp sự chống đối của một bộ phận đáng kể trong dân chúng. Đứng trước cuộc bầu cử bổ sung giữa nhiệm kỳ sắp tới, các nghị sĩ của hai đảng đã không dám ủng hộ dự luật nhập cư do chính quyền Obama đưa ra./.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ