• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các nhà thơ Xứ Thanh ở Hà Nội vẫn gửi hồn về quê mẹ

13/06/2009 10:58

Trong hợp tan của con người, thời nào cũng vậy có người sinh ra ở xứ mình lại đến xứ người, lại có người xứ khác đến lập thân, lập nghiệp ở Xứ Thanh. Đất Hà Thành hàng ngàn năm rồi vẫn không có ít người xứ Thanh thành đạt ở đây.

Trong hợp tan của con người, thời nào cũng vậy có người sinh ra ở xứ mình lại đến xứ người, lại có người xứ khác đến lập thân, lập nghiệp ở Xứ Thanh. Đất Hà Thành hàng ngàn năm rồi vẫn không có ít người xứ Thanh thành đạt ở đây.


Chùa ở Thanh Hoá

Từ thời Hậu Lê có lẽ theo bước chân Lê Thái Tổ về kinh đô có biết bao người và tao nhân mặc khách cũng về ngụ cư ở kinh thành. Thế nhưng rồi cũng như các đời vua Lê, khi thành người thiên cổ cũng muốn trở về với đất mẹ thân thương.

Các nhà thơ xứ Thanh có mặt khắp xứ người, song ở kinh đô những người này là do học hành thành ông cử, ông nghè ở lại kinh thành làm một nghề gì đó  rồi có năng khiếu thơ văn mới trở thành nhà thơ, chứ có ai sống bằng nghề thơ của mình được. Lại có người thành tài ở quê hương được điều “lai kinh“ đã là nhà thơ rồi.  Lại có người hết tuổi đời công tác mới “vào thành” để sống cùng họ hàng, con cháu những năm, tuổi cao sức yếu.

Ban văn nghệ đồng hương Thanh Hóa ra đời tháng 5-1992, đến nay đã hơn 15 năm. Các nhà thơ có mặt trong ban này khá đông như Nguyễn Bao là dân Yên Định, nguyên Phó giám đốc Nhà xuất bản Văn Học, nay đã nghỉ hưu song còn phong độ lắm. Em ruột anh Bao là Nguyễn Biểu (tức là nhà thơ Định Hải) vẫn còn sung sức tung hoành trong thơ thiếu nhi. Hai anh em Bao và Biểu vẫn cùng chúng tôi sinh hoạt trong hội đồng môn Đào Duy Từ- Lam Sơn, nên năm nào ít nhất cũng gặp nhau vài ba lần khi  họp mặt. Anh Nguyễn Bao từ năm 1975 đã nổi tiếng với bài thơ “Hoa Chanh”:

Tháng giêng được ngày nắng mới

Tóc em dài dịu mát màu xanh

Anh đưa qua rào một nắm lá chanh

Em gội tóc thơm bên hè hong nắng

Cây chanh đang mùa hoa trắng

Gió đưa thơm mát lòng anh.

Gần đây anh nhớ quê, nhớ bến phà Vạn (phủ Thiệu)                                     

Ngày tuổi thơ mỗi lần tôi xuống tỉnh

Phải đi qua phà Vạn năm xưa

Con sông Chu sao mà mênh mông thế

Mắt trẻ thơ mờ mịt những chiều mưa...

Còn Định Hải, từ những năm 1978 đã có "Bài ca về trái đất” được phổ nhạc với ca từ thật tinh tế, tươi vui và trách nhiệm:

Trái đất này là của chúng mình

Quả bóng xanh bay giữa trời xanh

Bồ câu ơi tiếng chim gù thương mến

Hải âu ơi cánh chim vờn sóng biển

Cùng bay nào, cho trái đất quay

Cùng bay nào, cho trái đất quay!

Nhà thơ Lữ Giang, quê Nông Cống, từng học nhiều năm ở thị xã Thanh Hóa rồi ra Hà Nội làm biên tập viên cho báo Người Công Giáo. Anh vừa đi xa mà lòng vẫn hướng về những ký ức quê nhà.

Tôi chẳng thể nào quên những sớm mai hồng

Người gánh dừa Quảng Xương rao mời trái ngọt

Bà bán canh hến rao tiếng rao, tiếng rao lảnh lót

Hến sông Chu, sông Mã  đều ngon

Mùa xuân về, chùm táo chín Mật Sơn

Gọi chúng tôi về hái quả

(Thị xã và mái trường của tôi, 1946)

Anh viết về sông Thị quê anh :

Quê vẫn là quê những ngày niên thiếu

Giữa trái tím rừng và hoa dẻ ngây thơ

Sông vẫn là sông, ngọn nguồn khuất nẻo

Của vị lá rừng và màu hoa hoang sơ

(Lại về sông Thị, 1971)

Nhà thơ Mai Ngọc Thanh vốn là thầy giáo của trường Trung học dân lập Đào Đức Thông, sau này anh chuyên làm công tác văn hóa, nghỉ hưu anh ra Hà Nội. Anh có nhiều bài thơ hay và cả tác phẩm dịch. Mấy năm nay tuổi đã cao mà anh vẫn hồn nhiên, tươi trẻ như một thuở còn trai. Anh “ Thấy ở vườn quê”, những khế, ổi, chín quá thì rụng xuống. Nằm lặng yên trong bóng mát tán cây. Thả bước ngắm vườn quê, chợt thấy lại, quả rụng rồi, nhưng rụng chẳng xa cây...


Tháp Rùa - Hà Nội

Nhà thơ Lê Vũ Hạnh Phúc (tức Lê Tuấn Lộc) là dân Nông Cống chính hiệu, anh là tiến sỹ địa chất nên đã từng đi khai phá khắp nơi từ Cổ Định đến Sơn Dương rồi trở về Hà Nội làm ăn khá thành đạt cả tài và thi ca. Lê Tuấn Lộc mơ ước ngày mai ở Như Xuân sẽ có một vùng mỏ hiện đại.

Mai ngày khai mỏ Như Xuân

Để cho rừng núi bớt dần quạnh hiu

Ngẩng đầu đỉnh núi cheo leo

Xốc ba lô, chống gậy hèo ta đi

Rồi nhà báo, nhà thơ Hoàng Phong nhớ Quảng Xương quê mình với ngã ba Môi.

Ngã ba Môi dáng mẹ gầy

Con mang theo suốt tháng ngày hành quân

Xa quê nhớ bát canh cần

Càng thương áo mẹ ướt đầm mồ hôi!

Mã Giang Lân, nhà giáo, nhà thơ đã từng nổi tiếng với bài “Trụ cầu Hàm Rồng”, vẫn thường về lại quê nhà động viên con em học hành nên người. Anh Lê Đình Cánh, biên tập viên văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam, nay đã nghỉ hưu mà vẫn chịu đi, chịu viết. “Một lần mẹ ra Hà Nội”, vâng, đó là chuyện có thật của anh và của chúng tôi, nên ai cũng thích tứ thơ và giai điệu thơ lục bát của anh.

Bà ra bế cháu của bà

Những mong cùng ước lòng già hôm mai

Lên thang chẳng dám bước dài

Vào khu tập thể thấy ai cũng chào.

Lời ru bà thuộc thuở nào

Qua bom đạn vẫn ngọt ngào nắng mưa

Để hồn cháu có núi Nưa

Tiếng cồng bà Triệu ngày xưa vọng về...

Nhà thơ Anh Chi hay Mai Linh và gần đây nhà văn Đặng Ái cũng làm thơ để đỡ nhớ quê nhà.

Nhà thơ Lê Văn Vọng, quê Tĩnh Gia có nhiều năm ở thị xã Thanh Hóa nên anh rất nhớ phố xá ở đây và chẳng quên vườn, ruộng hay khô cạn ở Tĩnh Gia.

Con đường dừa ta đã nhiều đêm

Nghe gió kể chuyện đời- Thần thoại

Sông Mã chảy biết khi nào dừng lại

Cho cánh buồm ngược nước , trời trưa

 ...Thị xã của ta cổng thành rêu phủ

Căn nhà nhỏ và xóm nghèo hàng cá

Chợ Vườn Hoa ngày mấy lượt đi về

Mẹ một mình tần tảo sớm khuya

Thời gian chuốt mòn hai đầu đòn gánh

(Chiều sân ga, 1979)

Có một giáo sư văn học nổi tiếng Hà Minh Đức mấy năm nay lại hứng khởi viết mấy trăm bài thơ liền, tiếc rằng không có trong tay tôi tập thơ mới xuất bản của ông giáo người Vĩnh Lộc nên không thể trích giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhà thơ, đúng hơn là nhà văn Hoàng Tuấn, anh là người quê Nga Sơn, từng là Giáo sư giám đốc bệnh viện 19-8 Bộ Công an, anh có “phu nhân thi sỹ” Hoàng Thị Minh Khanh, nên anh cũng “lây nhiễm” chất thơ để viết về quê nhà Bến Sung của anh. Cái nhớ quê thì ai cũng có, mỗi người nhớ một cách khác nhau. Tôi cũng như nhiều văn nghệ sỹ khác Xứ Thanh đang sinh sống ở Hà Nội chỉ mong mình gìn giữ được nhân cách, giữ được tổ ấm gia đình và làm trọn nghĩa vụ công dân, còn “Từ thiện“ xin mời các đại gia, các doanh nhân người Xứ Thanh khắp mọi miền đất nước hay ở nước ngoài hãy góp trí và lực để quê ta mau chóng vượt qua ngưỡng “Kém phát triển” thành một tỉnh giàu có để dân giàu, nước mạnh.

Có một nhà thơ nhưng anh lại nói với tôi: “Mình làm thơ để giải tỏa tình cảm vì “Thơ là tình yêu, tình yêu là thơ”. Đó là Giáo sư, viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng. Anh không phải sinh ra ở xứ Thanh, nhưng bố mẹ anh đã từng sống và làm việc ở  Thanh Hóa trong những năm kháng chiến chống Pháp, nên anh có học ở trường cấp ba Lam Sơn (hồi đó còn có cả anh Đỗ Nguyên Phương, anh Phan Diễn và nhiều bạn cùng lớp đang ở Hà Nội hay gặp nhau). Anh Hoàng có bài thơ nhớ về trường Lam Sơn, cũng như lần anh về dự 70 năm thành lập trường, anh có tặng một giỏ quả chín như là nhắn nhủ mọi người “ ăn quả nhớ người trồng cây”.

Cho tôi trở về thời mực tím

Tìm đâu... Đã vắng mây trời xa

Lam Sơn ơi, nhớ ngày xưa ấy

Hôm nay rộn rã những lời ca...

Các nhà thơ Xứ Thanh ở Hà Nội còn nhiều lắm, tôi xin nợ lại với các anh Nguyễn Bảo, Phạm Hoa, Lê Bá Thự… Để một dịp khác tôi sẽ “trình làng” những cảm xúc của các anh với quê nhà.

(Báo Thanh Hoá điện tử, 2006)

NỔI BẬT TRANG CHỦ