(Tổ Quốc) - Các quốc gia đưa ra phản ứng khác nhau về tình huống "gay cấn" trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.
Tờ Newsweek đăng tải, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đã bước sang ngày ngày thứ hai khi quá trình kiểm phiếu vẫn chưa kết thúc và cả hai ứng viên đều cho rằng mình là người chiến thắng.
Đêm ngày 3/11 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump bất ngờ có bài phát biểu ngắn từ Nhà Trắng, trong đó tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc đua. Ông cũng đe dọa sẽ đệ đơn lên Tòa án Tối cao nhằm dừng việc kiểm phiếu tại các bang ông đang dẫn trước.
Trong khi đó, ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden cũng bày tỏ niềm tin mình là người chiến thắng. Tuy nhiên, cựu phó tổng thống muốn đợi cho tới khi tất cả phiếu được kiểm mới đưa ra tuyên bố thắng cuộc.
Những diễn biến gay cấn xung quanh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đã thu hút sự chú ý từ cả đồng minh và đối thủ của Washington.
Trung Quốc
Trong một cuộc họp báo ngày 4/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho hay, Bắc Kinh "hiểu rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn tiếp diễn và chưa có kết quả". Ông Wang cũng nhấn mạnh về lập trường trung lập của Trung Quốc bất chấp mối quan hệ Trung-Mỹ dưới thời chính quyền Trump không ngừng xói mòn.
"Bầu cử Mỹ là vấn đề nội bộ của nước Mỹ. Trung Quốc không có lập trường về vấn đề này", ông Wang nói.
Pháp
Bộ Ngoại giao Pháp cũng tổ chức họp báo hôm thứ Tư. Mặc dù không trực tiếp đề cập tới cuộc bầu cử Mỹ nhưng khi được hỏi về tương lai của quan hệ Mỹ-châu Âu sau khi Nhà Trắng có chủ mới, người phát ngôn nhấn mạnh rằng, Pháp và châu Âu sẽ không thay đổi những nỗ lực để phát triển quan hệ với Washington.
"Chúng tôi không bình luận về kết quả bầu cử Mỹ. Các cơ quan Mỹ sẽ công bố kết quả. Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Mỹ đang và sẽ vẫn là một ưu tiên cho Pháp và châu Âu", người phát ngôn khẳng định.
Đức
Trong một loạt cập nhật trên Twitter ngày 4/11, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã đề cập tới một số thách thức cho cuộc bầu cử Mỹ.
"Từ những gì đang chứng kiến, đó là một cuộc đua sát nút giữa Tổng thống Trump và Joe Biden. Ở nhiều nơi, phiếu vẫn đang được kiểm và các phiếu qua thư vẫn đang được gửi đi. Sẽ quá sớm để bình luận về cuộc bầu cử vào ngày hôm nay", ông Maas viết.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Đức cũng kêu gọi tái thiết niềm tin trong một nước Mỹ đang bị chia rẽ. "Trong cuộc bầu cử này, lệ đi bỏ phiếu tại Mỹ đạt mức cao kỷ lục – tuy nhiên, đáng tiếc đó cũng là sự phân cực", ông Mass nhận định. "Đây là lý do tại sao tất cả các chính trị gia tiếp cận với người dân một cách trực tiếp để thiết lập niềm tin vào quá trình bầu cử và kết quả - là một việc rất quan trọng".
Người đứng đầu cơ quan đối ngoại Đức tin tưởng, nền dân chủ sẽ chiến thắng. "Mỹ là một nền dân chủ hùng mạnh với quy tắc 'kiểm soát và cân bằng' đã được sử dụng và minh chứng tính hiệu quả nhiều lần, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, và nó có thể trả lời cho các câu hỏi phù hợp với loạt nguyên tắc dân chủ", ông viết trên Twitter.
Nga
Cũng như các nước khác, giới chức Nga từng nhiều lần nhấn mạnh lập trường trung lập trong cuộc bầu cử Mỹ, đặc biệt sau khi bị Đảng Dân chủ cáo buộc là can thiệp giúp Trump chiến thắng năm 2016.
"Show diễn mang tên 'Bầu cử Tổng thống Mỹ' vẫn chưa kết thúc, nó vẫn tiếp tục mặc dù Donald Trump đã tuyên bố thắng lợi và kêu gọi dừng kiểm phiếu", Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Leonid Slutsky viết trên Facebook. "Tuy nhiên, đối thủ của ông ấy, Joe Biden cũng tự tin rằng mình sẽ trở thành ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng".
Ông Slutsky cũng đề cập tới những thách thức mà Moscow sẽ phải đối mặt cho dù người thắng cuộc là ai. "Con bài chống Nga đã được sử dụng rộng rãi trong chính sách đối nội của Mỹ và cho dù ai ngồi trong Nhà Trắng trong 4 năm tới, chắc chắn nó sẽ lại được sử dụng nữa", ông Slutsky cảnh báo. "Mặc dù vậy, chúng ta vẫn hy vọng vào lương tri và chủ nghĩa thực dụng lành mạnh".
Iran
Trong cuộc họp nội các ngày 4/11, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng nhắc tới bầu cử Mỹ. Không nói về chính sách của Tehran sau khi kết quả bầu cử được công bố nhưng ông Rouhani cho rằng, sẽ có những vấn đề quan trọng cho Cộng hòa Hồi giáo.
"Các quyết định của chính phủ dựa vào sản xuất nội địa và phần lớn xuất khẩu không phải dầu mỏ và cách các bộ ngành tương tác với nhau. Vì vậy, chúng tôi không quan tâm ai trúng cử tại Mỹ", Tổng thống Rouhani nói.
"Điều quan trọng cho chúng tôi là Mỹ quay trở lại luật pháp và tất cả những hiệp ước quốc tế/ đa phương, đồng thời tôn trọng Iran", nhà lãnh đạo Iran nhấn mạnh. "Chúng tôi muốn được tôn trọng thay vì trừng phạt và mọi thứ sẽ trở nên khác biệt; nếu danh dự và tôn trọng thay thế cho đe dọa cũng như áp dụng luật pháp thay cho phá vỡ lời hứa, mọi thứ sẽ thay đổi".