(Tổ Quốc) - Theo trang CNBC, các tác động của thiên tai, khan hiếm điện và nhiều yếu tố khác đã tác động nghiêm trọng đến kinh tế Nam Phi.
Kinh tế của Nam Phi có thể đã lấy lại đà trong quý đầu tiên của năm 2022 nhưng lũ lụt lịch sử và tình trạng mất điện dai dẳng đã ngăn cản đà hồi phục kinh tế của đất nước.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Ukraine và Nga, lạm phát tăng vọt và khan hiếm nguồn cung, Nam Phi cũng đang đối mặt với cú sốc lớn trong nước vì lũ lụt và khan hiếm điện. Trong tháng Tư, thành phố cảng Durban và tỉnh KwaZulu-Natal ở phía đông Nam Phi đã "bị bao vây" bởi trận lũ quét tồi tệ nhất của đất nước trong nhiều thập kỷ". Trận lũ lụt lịch sử khiến hàng trăm người dân thiệt mạng, làm gián đoạn hoạt động tại Durban, một trong những cảng bận rộn nhất của châu Phi. Lũ lụt ập đến tỉnh KwaZulu-Natal, bao gồm cả thị trấn ven biển Durban, phá hủy các con đường và tạo thành những vết nứt sâu, làm đổ sập hàng loạt các container vận chuyển khổng lồ. Chính quyền khu vực cho biết thảm họa này đã đánh dấu "một trong những khoảnh khắc đen tối nhất trong lịch sử" của tỉnh KwaZulu-Natal.
KwaZulu-Natal, một tỉnh đông dân thứ hai của Nam Phi và cũng là điểm nóng của các cuộc bạo loạn tồi tệ nhất của đất nước kể từ khi kết thúc chế độ phân biệt chủng tộc đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, các tác động của trận lũ lụt lịch sử cũng gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế Nam Phi đến hiện tại.
Theo trang CNBC, chỉ số sản xuất PMI (Quản Lý Sức Mua) đã tăng cao kỷ lục lên 60,0 vào tháng 3 nhưng giảm xuống 50,7 trong tháng 4.Theo Cục Thống kê Nam Phi, tổng số người thất nghiệp là 7.921 triệu người trong giai đoạn từ tháng 10-12/2021. Đây được xem là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất kể từ khi Chính phủ tiến hành các cuộc khảo sát điều tra lực lượng lao động hàng quý, bắt đầu từ năm 2008. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm tình hình thị trường lao động của Nam Phi trong năm ngoái trở nên trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, tình trạng bạo loạn bùng phát trên cả nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Các chuyên gia dự báo, tác động của các cuộc bạo loạn đối với nền kinh tế sẽ còn rất nghiêm trọng trong những năm tới khi chỉ số tăng trưởng GDP của Nam Phi trong tương lai sẽ thấp hơn từ một nửa đến toàn phần so với trước đây.
Chỉ số PMI toàn phần của S&P Global đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng. Tuần trước, tổ chức nghiên cứu kinh tế Capital Economics cho rằng các đánh giá cho thấy mức độ hồi phục đang bị đình trệ.
Hầu hết sự sụt giảm trong PMI sản xuất là do giảm hoạt động sản xuất và gián đoạn hoạt động ở cảng Durban trong tháng Ba do lũ lụt. Ước tính hoạt động sản xuất đã giảm từ 60,5 trong tháng Ba xuống còn 39,6 trong tháng Tư.
Khan hiếm điện
Tình trạng giảm tải hoặc cố ý ngắt điện ở Nam Phi để ngăn chặn tình trạng quá tải gia tăng đáng kể trong tháng Tư. Lượng điện cắt giảm trong năm nay dự kiến sẽ vượt quá số lượng trong năm 2021. Bắt đầu từ nguyên nhân chính của việc cắt điện là do lũ lụt, đến hiện tại vẫn đề cắt giảm điện đang tác động nghiêm trọng đối với kinh tế Nam Phi.
Ông Jason Tuvey, nhà kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi của Capital Economics cho rằng tình trạng cung cấp điện của công ty điện nhà nước Eskom giữ mức thấp kỷ lục trong những tuần gần đây.
Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp Công Nam Phi Pravin Gordhan nhấn mạnh Eskom đã phải tạm ngưng phát điện 12 tiếng/ngày nhằm ngăn chặn các sự cố phát điện diễn ra trong toàn bộ lưới điện của đất nước.
"Một số cú sốc như lũ lụt rõ ràng nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Tuy nhiên, ngay cả khi không có những điều này, quá trình phục hồi mạng lưới điện cũng chưa thể giải quyết", ông Tuvey nói.
Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF dự kiến tăng trưởng GDP thực tế sẽ điều chỉnh theo lạm phát là 1,9% ở Nam Phi vào năm 2022.
Công ty điện nhà nước Eskom đã kêu gọi người dân sử dụng điện tiết kiệm, đặc biệt vào buổi sáng sớm và buổi tối.
"Mùa đông sẽ là thời điểm nhu cầu sử dụng điện gia tăng dẫn đến hạn chế về công suất, đặc biệt là buổi tối và buổi sáng. Vì vậy cầu phải phân phối đều trong các giờ cao điểm", tuyên bố của Eskom nêu rõ.
Tình trạng khan hiếm năng lượng đã khiến Nam Phi đối mặt với thời gian cắt điện kéo dài. Trong khi đó, các vấn đề như gián đoạn chuỗi cung ứng, tăng trưởng chậm do ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài cũng được xem là rủi ro lớn khiến tăng trưởng GDP chậm lại, thậm chí là giảm đi 1/4. Các chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất, Nam Phi cần đảm bảo nguồn cung điện năng mới có thể giải quyết vấn đề khủng hoảng kinh tế trong bối cảnh hiện tại./.