• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các thành phố du lịch nổi tiếng ở châu Âu tiếp cận giải pháp ứng phó nắng nóng khắc nghiệt

Thế giới 19/07/2024 20:55

(Tổ Quốc) - Bộ Văn hóa Hy Lạp mới đây đã yêu cầu đóng cửa thành cổ Acropolis - điểm thu hút văn hóa lớn nhất đất nước - trong 5 giờ từ 12h -17h (giờ địa phương) nhằm giúp khách du lịch tránh nóng.

Theo hãng CNN, thành cổ Acropolis ở Hy Lạp tạm đóng cửa trong nhiều giờ, nhiệt độ đại dương ngoài khơi Croatia phá kỷ lục và kế hoạch cho động vật trong một vườn thú ăn kem ở Italy là những giải pháp tạm thời để ứng phó đợt nắng nóng khủng khiếp vào những ngày gần đây ở châu Âu.

Các thành phố du lịch nổi tiếng ở châu Âu tiếp cận giải pháp ứng phó nắng nóng khắc nghiệt - Ảnh 1.

Khách du lịch rời đồi Acropolis ở Athens, vào ngày 17/7/2024. Địa điểm này đóng cửa lúc 12 giờ trưa đến 17 giờ để du khách tránh nóng. Ảnh: Aris Oikonomou/AFP/Getty Images

Mới đây, Bộ Văn hóa Hy Lạp đã yêu cầu đóng cửa thành cổ Acropolis - điểm thu hút văn hóa lớn nhất đất nước - trong 5 giờ từ 12h -17h (giờ địa phương) trước tình trạng nắng nóng khắc nghiệt bao trùm nhiều khu vực của Hy Lạp, với mức nhiệt được dự báo trên 43 độ C.

Du khách sẽ không thể thăm đền Parthenon và các kiệt tác cổ tại di tích khảo cổ nằm trong danh sách của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trong khung giờ này nhằm tránh gây ra hiện tượng sốc nhiệt vì nắng nóng.

Vì vậy, khách du lịch muốn đến thăm ngôi đền Parthenon tại thành cổ Acropolis sẽ phải xếp hàng từ sáng sớm. Hội Chữ Thập Đỏ nước này cung cấp nước đóng chai ướp lạnh và tờ rơi thông tin cho những người xếp hàng chờ đợi.

"Chúng tôi đã đến tham quan thành cổ Acropolis và nhanh chóng rời đi. Hiện tại, chúng tôi sẽ đi đến một nơi có điều hòa không khí, thưởng thức một chút rượu nhẹ và tận hưởng không khí mát mẻ", ông Toby Dunlap, khách du lịch đến từ Pennsylvania vừa đi tham quan thành cổ Acropolis cho biết.

Đây là lần thứ hai chỉ trong chưa đầy 1 tháng, Hy Lạp phải hạn chế thời gian tham quan do thời tiết nắng nóng. Trong lần hạn chế đầu tiên vào tháng 6, Hy Lạp đã phải đóng cửa thành cổ Acropolis vào thời điểm nóng nhất trong 2 ngày liên tiếp.

Nắng nóng châu Âu bị ảnh hưởng bởi không khí nóng thổi từ châu Phi. Các nhà khí tượng học dự báo hiện tượng khí hậu này sẽ tiếp tục kéo dài đến hết ngày 21/7, dự kiến sẽ đạt đỉnh ở mức 43 độ C (109 độ F).

Tại Italy, giới chức trách vừa thông tin hai lính cứu hỏa đã thiệt mạng khi đang dập tắt đám cháy vùng Basilicata ở phía nam đất nước.

Nắng nóng bao trùm khắp châu Âu

Giới chức trách mới đây cũng bổ sung thành phố Palermo ở Sicily vào danh sách 13 thành phố của Italy có cảnh báo nắng nóng nghiêm trọng. Người cao tuổi ở thành phố Verona được khuyến khích nên ở trong nhà, trong khi các vòi phun nước công cộng được phát huy để làm mát cho người dân qua đường.

Tại Rome, du khách Carmen Díaz đến từ Madrid đang cố gắng giữ bình tĩnh với một chiếc quạt vào giờ ăn trưa.

"Trời nóng khủng khiếp. Những chiếc quạt này cũng giúp được một chút, nhưng thực sự rất nóng", Carmen Díaz nói.

Để giảm đi nắng nóng, một vườn thú ở Rome đã lên kế hoạch cung cấp kem cho các loài động vật vào cuối tuần này khi nhiệt độ dự kiến lên tới 38 độ (100 F).

"Thực sự có cảm giác như chúng tôi đang ở trong lò nướng với một chiếc máy sấy tóc chĩa vào mình", Patrizia Valerio, du khách từ Varese đến Rome để xem buổi hòa nhạc Coldplay vào đầu tuần này mô tả nắng nóng hiện tại ở Rome.

Mattia Rossi, một người đi xem hòa nhạc khác, cho rằng những cơn bão bất thường tấn công Ý vào đầu mùa hè này là bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến hệ thống thời tiết phía nam Địa Trung Hải.

"Theo quan điểm của tôi, đây là tất cả các triệu chứng của một hành tinh đang gặp khó khăn", bà Rossi nói.

Các nhà khoa học nhấn mạnh cuộc khủng hoảng khí hậu, chủ yếu do con người đốt nhiên liệu hóa thạch, hiện đang đóng vai trò quan trọng gây ra những đợt nắng nóng trên hành tinh, khiến chúng kéo dài hơn, thường xuyên hơn và dữ dội hơn.

Bên cạnh đó, cảnh báo nhiệt độ cao cũng xảy ra ở các thành phố trong khu vực bán đảo Balkan.

Tại Croatia, các nhà chức trách ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay ở Biển Adriatic, nằm giữa nước này và Italy, với mức nhiệt lên tới gần 30 độ C (86 độ F) ở thành phố Dubrovnik, điểm du lịch nổi tiếng nhất đất nước.

Tại Serbia, công ty điện lực hôm 16/7 cũng ghi nhận mức tiêu thụ điện kỷ lục do nhiều người dân sử dụng điều hòa không khí.

Trong khi đó, ở Albania, nắng nóng khiến các công ty phải điều chỉnh giờ làm việc cho nhân viên hoặc hỗ trợ làm việc tại nhà.

Nước láng giềng Bắc Macedonia liên tục phải đối mặt với hàng chục vụ cháy rừng. Ngọn lửa cháy lớn kéo dài tới 30 km. Máy bay cứu hỏa từ Serbia, Montenegro, Croatia, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ đã được huy động hỗ trợ của nước này ứng phó với các vụ cháy lan rộng nguy hiểm./.


Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ