• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các ứng cử viên Tổng thống Mỹ với vấn đề Biển Đông

Thế giới 15/06/2016 06:25

(Tổ Quốc)- Hé lộ quan điểm về vấn đề Biển Đông và triển vọng quan hệ Việt – Mỹ của ông Trump và bà Clinton.

(Tổ Quốc)- Hé lộ quan điểm về vấn đề Biển Đông và triển vọng quan hệ Việt – Mỹ của ông Trump và bà Clinton.



>>Clinton giành đủ số phiếu đại biểu tranh cử tổng thống Mỹ

>>Trump đủ số phiếu trở thành ứng viên tổng thống Mỹ



Trong bối cảnh Tổng thống Barack Obama vừa kết thúc chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam và xác định được cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay sẽ diễn ra giữa bà Hillary Clinton và tỷ phú Donald Trump thì hiện tại là lúc dư luận đánh giá quan điểm của hai ứng viên này với vấn đề Biển Đông và tương lai quan hệ Việt-Mỹ.

Theo The Diplomat, việc dự báo quan hệ Mỹ-Việt Nam dưới chính quyền Hillary Clinton hoặc Donald Trump có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Hà Nội và Washington, mà còn đối với cộng đồng quốc tế, nhất là khi Việt Nam đang có một vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu như an ninh hàng hải và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Clinton cương quyết về Biển Đông

The Diplomat nhận định, nếu trở thành Tổng thống, bà Clinton nhiều khả năng sẽ tiếp tục cách tiếp cận của Tổng thống Barack Obama đối với Việt Nam, và thậm chí sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Washington và Hà Nội.

Về kinh tế, bà Clinton sẽ tìm cách mở rộng các thỏa thuận thương mại của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, điển hình như việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian là Ngoại trưởng. Trong quá trình tranh cử, bà Clinton từng bày tỏ phản đối đối với một số chi tiết trong TPP, tuy nhiên nhiều khả năng đây chỉ là một hành động có tính chiến thuật.

Theo Forbes, bà Hillary Clinton giữ chức Ngoại trưởng Mỹ vào thời điểm Tổng thống Obama công bố chiến lược “xoay trục” sang khu vực châu Á–Thái Bình Dương, trong đó bao hàm cả sự tăng cường hiện diện quân sự. Cũng trong giai đoạn này, bà Clinton được biết đến như một thành viên nội ủng hộ can thiệp của Mỹ vào Libya, tăng cường can thiệp vào Syria. Do đó, bà Clinton có thể sẽ cứng rắn hơn ông Obama trong các chính sách đối với châu Á-Thái Bình Dương.



Chính quyền Obama thời gian qua đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác quân sự với đồng minh Philippines tại khu vực Biển Đông. (Nguồn: AFP)

Forbes đã trích dẫn nhận định của ông Sean King, Phó Chủ tịch Công ty Tư vấn Chiến lược Park tại New York cho biết: “Một vị tổng thống như bà Hillary Clinton sẽ mở rộng các chính sách của Chính quyền Obama tại Biển Đông, thậm chí cứng rắn hơn. Bắc Kinh đang lo ngại khi nghĩ tới việc bà Hillary trở thành chủ nhân Nhà Trắng”.

Tại hội nghị có sự tham dự của các ngoại trưởng ở Hà Nội năm 2010, bà Hillary nhấn mạnh rằng luật pháp quốc tế là cơ sở cho các tuyên bố chủ quyền trên biển. Hiểu rõ tranh chấp tại Biển Đông, bà Clinton  từng “phản đối sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào ở khu vực Biển Đông”, chỉ trích yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc, yêu cầu các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế.

Theo The Diplomat, nước Mỹ do bà Hillary lãnh đạo sẽ tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu của chính quyền Obama như đảm bảo quyền tự do hàng hải tại Biển Đông cho các tàu Mỹ, đồng thời duy trì hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á đang quan ngại hành động bành trướng của Trung Quốc.

Ben Reilly, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Các vấn đề Quốc tế thuộc Đại học Murdoch tại Australia, nhận định: “Hồ sơ về Hillary cho thấy Mỹ sẽ có cách phản ứng cương quyết hơn. Sẽ không có chuyện Mỹ gây chiến vì các bãi đá hay đảo san hô, song Washington sẽ khiến Trung Quốc phải trả những cái giá đắt hơn tại các thể chế quốc tế mà nước này tham gia, cũng như trong các vấn đề toàn cầu nói chung”. 

Donald Trump: Điều chỉnh và khó lường

The Diplomat cho rằng, ông Donald Trump đang tranh cử với tư cách là một "người ngoài cuộc" đang tìm cách phá vỡ tiến trình chính trị của Hoa Kỳ.

Về chính sách đối ngoại, ông Trump sẽ theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết” – điều mà ông luôn nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử và xa rời các quy chuẩn thông thường của chính sách đối ngoại Mỹ.

Theo The Diplomat, với Việt Nam nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung, có ít nhất 4 điểm mà chính quyền Trump sẽ điều chỉnh và gây ra bất ổn.

Thứ nhất, về thương mại, ông Trump phản đối các hiệp định thương mại song phương (FTA), miêu tả TPP là một thỏa thuận kinh khủng, chủ yếu mang lại lợi ích cho Trung Quốc và trái ngược với lợi ích của Mỹ (dù Trung Quốc không tham gia TPP). Ông Trump cũng nghi ngờ cả Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cam kết sẽ tiến hành các biện pháp trả đũa đối với Trung Quốc để hỗ trợ các công ty Hoa Kỳ và người lao động để chống cạnh tranh "không công bằng". Cách tiếp cận trên có thể sẽ được mở rộng ra đối với các đối tác khác mà Mỹ đang gặp thâm hụt thương mại, bao gồm cả Việt Nam. 

Thứ hai, ông Trump chỉ trích vai trò của hệ thống đồng minh toàn cầu của Mỹ, từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới các đồng minh ở Thái Bình Dương. Ông Trump tin rằng, hệ thống liên minh này đang mất cân đối và các đồng minh của Mỹ cần gánh vác nhiều hơn, thậm chí có thể hủy bỏ mối quan hệ đồng minh nếu quá tốn kém. Ví dụ, Donald Trump đã đề xuất rằng các đồng minh hiện đang được bảo vệ bởi chiếc ô hạt nhân của Hoa Kỳ, như Saudi Arabia, Nhật Bản và Hàn Quốc nên tìm kiếm việc phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Thứ ba, ông Trump đã khẳng định sẽ không can thiệp vào các xung đột không trực tiếp đe dọa an ninh của Mỹ. Nhà tỷ phú này đã chỉ trích nặng nề sự can thiệp của Mỹ tại Iraq và Libya như một sai lầm và không mang lại lợi ích cho Mỹ. Cho đến nay, ông Trump chưa đưa ra lập trường rõ ràng về Biển Đông, nhưng với việc Mỹ không có tuyên bố chủ quyền tại đây, rất có thể lập trường của ông Trump sẽ là để Việt Nam và Philippines tự bảo vệ lợi ích của mình. 

Thứ tư, ông Trump đã bày tỏ sự nghi ngờ vai trò của Mỹ trong việc bảo vệ trật tự quốc tế, bao gồm cả các định chế quốc tế, duy trì tự do hàng hải, thúc đẩy các giá trị dân chủ, đóng vai trò trung gian trong các xung đột quốc tế. Hiện chưa rõ chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump có tiếp tục vai trò này hay không, nhưng riêng “Nước Mỹ trên hết” cũng đã tạo ra những bất ổn cho các quan hệ quốc tế trong tương lai.

Trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng đang rất quyết liệt như hiện nay thì rất khó để dự đoán ông Trump hay bà Clinton sẽ lên nắm quyền sau cuộc bầu cử ngày 8/11 tới. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là chiến lược đối ngoại của vị Tổng thống mới của nước Mỹ sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

An Bình (Theo Forbes/ The Diplomat)

NỔI BẬT TRANG CHỦ