• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cách Australia thực hiện chiến dịch thiết lập trạng thái bình thường mới sau khi nới lỏng hạn chế

Thế giới 11/10/2021 21:20

(Tổ Quốc) - Trong hơn 18 tháng qua, Australia đã đóng cửa biên giới vì Covid-19, tôn chỉ chiến dịch 0-Covid, hướng đến mục tiêu "nhổ tận gốc virus".

Theo hãng CNN, nỗ lực dập dịch của Australia được thế giới đánh giá cao trong giai đoạn đầu chống dịch bệnh Covid-19, hạn chế số ca mắc mới và ngăn chặn bùng phát mạnh.

Cách Australia thực hiện chiến dịch thiết lập trạng thái bình thường mới sau khi nới lỏng hạn chế - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Delta đã khiến Australia nói riêng và thế giới nói chung phải thay đổi tư duy chống dịch. Giờ đây, Australia ra khỏi "vùng an toàn" và tập thói quen sống chung với Covid-19. Bắt đầu từ ngày 11/10, bất kỳ người dân Sydney nào đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (ước tính hơn 70% người trưởng thành của thành phố) đã có thể ăn uống tại nhà hàng, tụ tập ở quán bar và tập gym. Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại về chiến dịch mới của chính phủ: Liệu hệ thống bệnh viện có thể đối phó với số ca mắc mới tăng trong thời gian tới và bằng cách nào Sydney thích nghi với chiến dịch sống chung với Covid?

Chấm dứt chiến dịch 0-Covid

Trong năm đầu tiên của dịch bệnh, Australia là một trong số ít quốc gia kiểm soát thành công Covid-19. Tuy nhiên, biến thể Delta đã gây hoang mang cho toàn thế giới. Chính sự trì hoãn tiêm chủng của Australia (một phần bởi vì nguồn cung vaccine thấp) đã khiến cho nhiều người dân từng rơi vào tình trạng rủi ro cao.

Cách Australia thực hiện chiến dịch thiết lập trạng thái bình thường mới sau khi nới lỏng hạn chế - Ảnh 2.

Chương trình tiêm chủng cho người dân vẫn tiếp tục. Hình ảnh người dân Sydney tiêm vaccine vào ngày 3/10. Ảnh: CNN

"Tôi từng tin tưởng rằng chúng tôi có thể loại bỏ dịch bệnh… nhưng sự xuất hiện của biến thể Delta đã khiến điều này trở nên khó khăn hơn", bà Mary-Louise McLaws – Giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học New South Wales (NSW) nói.

Hiện chính phủ Australia đã quyết định tăng cường kế hoạch tiêm chủng vaccine cho người dân. Chỉ riêng tuần trước, bang NSW đã trở thành bang đầu tiên đạt mục tiêu tiêm chủng kép 70%. Các bang khác của Australia đang đặt kỳ vọng sẽ tăng cường tiêm chủng cho người dân trong các tuần tiếp theo.

Kế hoạch mở cửa trở lại

Kế hoạch mở cửa trở lại của Australia phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm chủng dành cho người trưởng thành ở mỗi bang. Các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ tiêm chủng ở các bang không đồng đều. Tại một số khu vực ở ngoại ô Sydney, tỷ lệ tiêm chủng chỉ đạt mức thấp (30%).

Cách Australia thực hiện chiến dịch thiết lập trạng thái bình thường mới sau khi nới lỏng hạn chế - Ảnh 3.

Người dân Australia có thể cắt tóc ở tiệm từ ngày 11/10. Ảnh: CNN

Và chương trình tiêm chủng dành cho giới trẻ cũng là điều đáng quan tâm. Ở bang NSW, chỉ 58% người dân ở độ tuổi từ 16 đến 29 đã tiêm vaccine đầy đủ.

Bà McLaws cho rằng những người đã tiêm chủng vaccine đầy đủ ở thời điểm đầu tiên của chiến dịch có thể sẽ được phép tham gia các hoạt động xã hội sau khi trở lại trạng thái bình thường mới. Vì vậy, chiến dịch mở cửa phải đảm bảo tiêu chí đầu tiên là tiêm chủng đầy đủ. Theo bà McLaws, đối tượng rủi ro cao hiện là nhóm thanh niên và người dân sống ở ngoại ô.

Các biện pháp kiểm soát biên giới và cách ly đã giúp Australia vượt qua giai đoạn bùng phát dịch bệnh trong năm 2020. Tuy nhiên, bất chấp 18 tháng chuẩn bị, nhóm y tế vẫn cảnh báo hệ thống bệnh viện của NSW không thể đảm bảo hỗ trợ nếu các ca mắc tăng đột biến trong thời gian mở cửa trở lại. Trong tuần trước, sau khi tân Thủ hiến của NSW - Omar Khorshid thông báo kế hoạch mở cửa trở lại, một số ý kiến đã lo ngại về điều này và cho rằng không nên "quá liều lĩnh" với chiến lược mới.

"Nếu phải mở cửa quá nhanh sẽ không thể tránh khỏi nguy cơ đối mặt với khủng hoảng Covid-19. Sau đó, chính phủ phải áp dụng lại các biện pháp phong tỏa và các hạn chế khác", một số quan chức cho biết.

"Sydney phải tận dụng cơ hội này để chứng minh vừa có thể chống dịch, vừa có thể bảo vệ sức khỏe cho người dân", Thủ tướng Australia Scott Morrison nói đồng thời khẳng định quốc gia này đã có 18 tháng chuẩn bị để bước sang giai đoạn chống dịch mới và kế hoạch mở cửa trở lại nên thực hiện vào thời điểm hiện tại. Ông Morrison cũng khuyến khích người dân Australia thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ công dân để giảm áp lực lên hệ thống y tế.

"Điều tốt nhất bạn có thể làm lúc này là tiêm chủng đầy đủ", ông nói thêm.

Theo CNN, Australia đang bắt đầu quá trình chuyển đổi từ 0-Covid sang sống chung với virus bằng cách triển khai tiêm chủng đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, Australia không phải là quốc gia đầu tiên làm như vậy. Vào tháng 6, chính phủ Singapore tuyên bố sẽ tập trung vào việc hạn chế các trường hợp mắc Covid nặng và giảm tỷ lệ nhập viện, thay vì chỉ tập trung vào số ca mắc mới. Sinagpore là một trong số các quốc gia áp dụng chương trình tiêm chủng tốt nhất trên thế giới, ước tính 83% dân số đã tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, sau khi bắt đầu nới lỏng hạn chế, Singapore đã chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng cao kỷ lục so với thời điểm bắt đầu dịch bệnh. Vào đầu tháng 10, quốc gia này đã áp dụng một số hạn chế để giảm tình trạng nhiễm trùng gia tăng và giảm đi áp lực lên hệ thống y tế. Tuần trước, quy định tụ tập đã phải điều chỉnh, giảm từ 5 người xuống còn 2 người...

Vì vậy, Australia cũng đặt ra một số nghi ngại về số ca mắc có thể sẽ tăng lên sau khi nới lỏng hạn chế, ngay cả khi đã tuân thủ lời khuyên của y tế công cộng bằng việc đeo khẩu trang.

Thủ tướng Australia Morrison hiện đang xúc tiến nhanh chóng kế hoạch mở cửa trở lại trên cả nước.

Ông Paul Griffin – Giám đốc Bệnh viện truyền nhiễm tại Mater Health Services lưu ý đến quá trình triển khai hệ thống y tế của Australia sau khi mở cửa trở lại.

"Đến hiện tại, cần tính đến số ca bệnh nặng và tình trạng nhập viện thay vì chỉ tập trung vào số ca mắc mới. Đó là cách để chúng ta tiếp cận chiến dịch sống chung với Covid", ông Paul Griffin nhận định./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ