• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cách các quốc gia trên thế giới lựa chọn đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới

Thế giới 03/02/2022 12:50

(Tổ Quốc) - Theo hãng AP, ở châu Âu và Bắc Mỹ, nhiều quốc gia đã bắt đầu nới lỏng hạn chế với hy vọng biến chủng Omicron sẽ biến mất sau khi số ca tăng mạnh.

Các buổi tiệc muộn ở hộp đêm vẫn diễn ra. Nhiều người tập trung ở rạp chiếu phim. Nhiều người dân ra ngoài nhưng không phải đeo khẩu trang.Những động thái này được xem như bước ngoặt sau gần hai năm dịch bệnh.

Cách các quốc gia trên thế giới lựa chọn đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: AP

Biến thể Omicron vẫn tiếp tục lây lan mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới trong nhiều tuần qua. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng một số quốc gia đã nghĩ tới việc nới lỏng các biện pháp hạn chế nếu tỷ lệ người dân đạt miễn dịch cao trong cộng đồng và hệ thống chăm sóc sức khỏe đảm bảo.

Số ca mắc mới trên toàn cầu từ ngày 24-30/1 giữ tỷ lệ tương tự với tuần trước mắc dù số ca tử vong có tăng 9%, lên tới hơn 59.000 ca.

Các hạn chế áp dụng rõ rệt nhất do dịch bệnh có lẽ là ở châu Âu. Trong nhiều tháng qua, đại dịch trên thế giới cũng như Nam Phi – nơi xuất hiện biến thể Omicron đã khiến cho nhiều quốc gia đối mặt với khó khăn về kinh tế. Các nước như Anh và Mỹ, ban đầu số ca mắc tăng vọt nhưng hiện đã giảm nhanh chóng.

Tại Mỹ, chính quyền các địa phương đã đưa ra một loạt các phản ứng đối phó. Thành phố Denver, Mỹ không còn đưa ra các yêu cầu tiêm chủng hay quy định đeo khẩu trang tại các doanh nghiệp hay khu vực công cộng. Tuy nhiên, phạm vi trường học hay nơi công cộng vẫn áp dụng.

Trong khi đó, chính quyền thành phố New York đang cân nhắc xem liệu quy định đeo khẩu trang có nên tiếp tục bắt buộc vào thời điểm các ca mắc và nhập viện tăng mạnh do biến thể Omicron.

Trong khi đó Anh, Pháp, Ireland, Hà Lan và một số quốc gia Bắc Âu đang bắt đầu từng bước nới lỏng hạn chế hoặc kết thúc đại dịch. Hai nước là Na Uy và Đan Mạch, việc nới lỏng hạn chế diễn ra ngay cả khi số ca mắc vẫn tăng cao.

Tuần trước, Anh đã gỡ bỏ hạn chế trong nước. Người dân không cần phải đeo khẩu trang nơi công cộng, không cần phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine ở nơi công cộng đồng thời các yêu cầu làm việc tại nhà cũng đã nới lỏng. Tuy nhiên, điều kiện người có kết quả xét nghiệm dương tính vẫn yêu cầu phải cách ly.

Vào ngày 2/2, Na Uy đã gỡ bỏ lệnh cấm phục vụ rượu sau 11 giờ đêm đồng thời yêu cầu tập trung không quá 10 người trong các cuộc họp cũng đã kết thúc. Người dân có thể ngồi sát nhau xem bóng đá hay các sự kiện thể thao giống như trước đại dịch.

"Hiện tại là thời điểm để chúng ta trở lại cuộc sống hàng ngày", Bộ trưởng Y tế Na Uy Ingvild Kjerkol cho biết. "Ngày hôm nay chúng ta phải nới lỏng tất cả các biện pháp hạn chế để có thể trở lại trạng thái bình thường mới".

Người dân tự ý thức bảo vệ sức khoẻ

"Tôi vẫn phải đeo khẩu trang bởi vì muốn bảo vệ bản thân và những người có sức khỏe không tốt hoặc bị bệnh lý nền", bà Kjeld Rasmussen, 86 tuổi ở Copenhagen nói.

Theo thống kê, hơn 370 triệu ca mắc và trên 5,6 triệu ca tử vong vì Covid-19 trên khắp thế giới.

Việc nới lỏng các hạn chế ở nhiều quốc gia đã dấy lên hy vọng biến thể Omicron có thể sắp biến mất, trong đó Covid-19 có thể sẽ trở thành bệnh cúm nhưng vẫn có thể kiểm soát được.

Thuỵ Sĩ ngày 2/2 đã chấm dứt làm việc tại nhà và thực hiện cách ly cũng như thông báo kế hoạch nới lỏng các hạn chế trong những tuần tới.

"Mặc dù số ca mắc tăng kỷ lục nhưng các bệnh viện vẫn không quá tải và công suất làm việc ở các khu chăm sóc sức khỏe đặc biệt đã giảm thêm", thống kê của nước này cho biết.

"Bởi vaccine và các nguy cơ bệnh nặng giảm, chúng tôi thực sự lo ngại một số quốc gia sẽ không chú ý đến việc ngăn chặn mức độ lây lan nữa và xem đây là việc không cần thiết', ông Tedros Adhanom Gheybreysus – Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết.

Người đứng đầu các trường hợp khẩn cấp của WHO – Tiến sĩ Michael Ryan cảnh báo áp lực chính trị có thể khiến một số nước trở lại trạng thái bình thường mới sớm hơn. Tuy nhiên, điều đó sẽ dẫn đến tình trạng lây nhiễm cao, bệnh nặng hơn và tử vong tăng lên.

Trong khi đó, nhiều quốc gia lại chọn cách đi riêng. Italy vẫn duy trì thắt chặt các yêu cầu y tế khi biến thể Omicron tăng mạnh. Kể từ đầu tuần này, Italy đã yêu người dân phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ trước khi vào ngân hàng hay bưu điện. Bên cạnh đó, những người trên 50 tuổi nhưng chưa tiêm vaccine có nguy cơ nộp phạt 113 đô la.

Áo, quốc gia đầu tiên áp dụng quy định bắt buộc với vaccine đang có kế hoạch nới lỏng hạn chế Covid-19 trong tháng này và từng bước mở cửa nhà hàng.

Tiến sĩ Atiya Mosam, Hiệp hội Y tế Công cộng Nam Phi nhận định đây là động thái thiết thực để thừa nhận rằng Covid-19 vẫn tồn tại nhưng các áp lực có thể giảm hơn so với trước đây.

"Chúng tôi thừa nhận rằng đến hiện tại, tình trạng lây nhiễm vẫn tiếp tục diễn ra nhưng nên giữ cân bằng cuộc sống của người dân trong trạng thái bình thường mới", ông Mosam nói./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ