• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cách mạng khoa học: Công nghệ mRNA trong vaccine ngừa Covid mang đến cơ hội điều trị ung thư

Thế giới 02/06/2021 13:28

(Tổ Quốc) - Dữ liệu giai đoạn cuối đưa ra vào tháng 11 năm ngoái đã cho thấy vaccine mRNA do Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất đạt hiệu quả hơn 90% trong phòng ngừa Covid-19.

Theo CNN, hiệu quả đáng kinh ngạc này đã được chứng minh trong nghiên cứu thực tế tại Mỹ, Israel và các nơi khác. Công nghệ mRNA cho thấy, tốc độ và tính linh hoạt trong phòng ngừa virus gây bệnh truyền nhiễm đã làm hài lòng giới khoa học sau công trình nghiên cứu lâu dài.

Cách mạng khoa học: Công nghệ mRNA trong vaccine ngừa Covid mang đến cơ hội điều trị ung thư - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Nền tảng mRNA có thể mới đối với công chúng toàn cầu nhưng đã được các nhà nghiên cứu đặt cược trong nhiều thập kỷ. Giờ đây, công trình nghiên cứu công phu đã được đền đáp bởi tính hiệu quả của loại vaccine này trong phòng ngừa dịch bệnh.

Cách tiếp cận này đã cho ra đời loại vaccine an toàn và hiệu quả, đồng thời mang đến hy vọng cho cuộc cách mạng chống lại các căn bệnh nan y như HIV và các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm khác ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như virus RSV và siêu vi trùng. Loại nền tảng này cũng được thử nghiệm như một phương pháp điều trị ung thư, bao gồm cả khối u ác tính và khối u não.

Vaccine

Câu chuyện về vaccine mRNA bắt nguồn từ những năm 1990 khi nhà nghiên cứu Hungary thuộc Đại học Pennsylvania - Katalin Kariko bắt đầu thử nghiệm công nghệ mRNA để hình thành liệu pháp gen. Ý tưởng này đặt mục tiêu khả năng sử dụng phân tử mRNA để chữa bệnh hoặc ngăn chặn mức độ lây nhiễm của bệnh. Việc sử dụng công nghệ mRNA giống như gửi "hướng dẫn" đến các tế bào của cơ thể để tạo ra khả năng thích ứng và sinh ra kháng thể chống chọi với nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, vaccine mRNA được sử dụng để ra lệnh cho các tế bào trong cơ thể tạo ra virus, sau đó cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể miễn dịch với loại virus này.

Nhà nghiên cứu Katalin Kariko đã hợp tác với Tiến sĩ Drew Weissman, một chuyên gia nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm ở Penn Medicine nhằm áp dụng công nghệ mRNA vào vaccine. Kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu tập trung vào nghiên cứu loại virus gây ra dịch bệnh cúm hay Covid-19 thì công nghệ mRNA đã nhanh chóng được đưa vào để điều chế vaccine phòng ngừa bệnh.

"Khi Trung Quốc công bố trình tự của virus SARS-CoV-2 thì chúng tôi đã bắt đầu quá trình tạo mRNA vào ngày hôm sau. Vài tuần sau đó, chúng tôi tiêm vaccine cho động vật", ông Drew Weissman nói.

Trình tự này nghe như mang tính cách mạng nhưng ý tưởng không hề xa lạ đối với các nhà nghiên cứu như Weissman, Kariko.

"Trong phòng thí nghiệm, chúng tôi đã nghiên cứu vaccine trong nhiều năm và có tới 5 cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trước khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19", nhà nghiên cứu Weissman nói thêm.

Hai trong số những vaccine thử nghiệm đều để phòng ngừa bệnh cúm mùa, trong đó một loại kỳ vọng sẽ là loại vaccine cúm phổ thông có khả năng chống lại các chủng cúm đột biến nhanh và bảo vệ mọi người trong nhiều năm cho dù chỉ tiêm một mũi.

Điều đặc biệt, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu công nghệ mRNA có khả năng phòng ngừa các virus gây ra các bệnh nan y như HIV và ngăn ngừa bệnh mụn rộp sinh dục. Giới nghiên cứu cũng đang nghiên cứu khả năng vaccine mRNA phòng ngừa lại các bệnh dịch như: Ebola, Zika, bệnh dại và cytomegalovirus.

Theo CNN, mục tiêu tiếp theo là sử dụng nền tảng công nghệ mRNA để điều chế vaccine phòng ngừa virus hợp bào hô hấp (RSV) ở trẻ nhỏ. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính có đến 100-500 trẻ chết vì loại virus này mỗi năm.

Điều trị ung thư và một số bệnh khác

Theo CNN, lợi thế khác của công nghệ mRNA là khả năng điều trị bệnh ung thư. Cơ thể con người có khả năng miễn dịch tốt phòng ngừa bệnh và việc sử dụng mRNA có thể giúp cơ thể phát huy tốt hơn. Hãng Moderna hiện cũng đang nghiên cứu vaccine ung thư để phát huy tác dụng của loại nền tảng nghiên cứu này.

"Chúng tôi xác định các đột biến tìm thấy trên tế bào ung thư của bệnh nhân. Các thuật toán máy tính dự đoán khoảng 20 đột biến phổ biến nhất. Sau đó, chúng tôi tạo ra một loại vaccine mã hóa cho từng đột biến này và sử dụng công nghệ mRNA để làm điều này", hãng Moderna cho biết đồng thời khẳng định công nghệ mRNA cũng sẽ được sử dụng để tiêm cho bệnh nhân mắc ung thư nhằm điều chỉnh phản ứng miễn dịch tốt hơn chống lại các khối u ác tính.

Nghiên cứu lâm sàng đang ở giai đoạn 1. Thêm vào đó, hãng BioNtech cũng đã làm việc với các nhà nghiên cứu hàn lâm để sử dụng công nghệ mRNA điều trị chuột biến đổi gen – được xem là tương tự với bệnh đa xơ cứng. Thử nghiệm cho thấy công nghệ mRNA đã làm cho chuột khỏi bệnh và sinh ra hệ miễn dịch bảo vệ.

Các bệnh do bọ ve gây ra cũng đang được nghiên cứu để đưa công nghệ mRNA vào tiếp cập. Theo nhà nghiên cứu Weissman, phương pháp sử dụng mRNA có khả năng chữa một số bệnh do bọ ve gây ra.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ