• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cái giá phải trả sau “sóng gió” dữ dội Thổ, Hà Lan

Thế giới 13/03/2017 08:07

(Tổ Quốc) - Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi lời tới Hà Lan trong ngày 12/3 rằng sẽ trả đũa bằng những cách "mạnh mẽ nhất" sau khi các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ bị cấm không được tới và phát biểu tại Rotterdam.

Động thái này diễn ra khi một cuộc tranh luận đang leo thang về chiến dịch chính trị của Ankara đối với các cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Âu.

Chính phủ Hà Lan ngày 11/3 đã ngăn Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bay tới Rotterdam. Nước này sau đó cũng không cho Bộ trưởng Bộ các chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betul Sayan Kaya vào lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Rotterdam cũng như đã hộ tống bà tới biên giới Đức sau khi đoàn xe của vị quan chức này cố tìm cách đến Rotterdam bằng đường bộ khi chưa có sự đồng ý của phía Hà Lan.

Lực lượng cảnh sát Hà Lan bên ngoài lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Rotterdam. (Nguồn: Reuter)

Chính phủ Hà Lan đã cho biết chuyến thăm của các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ là không được mong muốn và sẽ không hỗ trợ các chuyến thăm cấp bộ trưởng vì các chiến dịch chính trị tới Hà Lan.

Tổng thống Tayyip Erdogan nói rằng "chủ nghĩa phát xít vẫn còn phổ biến ở phương Tây" sau khi Hà Lan cùng một số các nước châu Âu khác lo ngại về sự căng thẳng chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ tràn qua biên giới và đã ngăn cản các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc mít tinh tại châu Âu.

"Nếu các ngài hy sinh mối quan hệ Thổ-Hà Lan vì cuộc bầu cử hôm thứ Tư (15/3) tới, các ngài sẽ phải trả giá", ông Erdogan phát biểu tại một sự kiện tại Istanbul.

"Tôi nghĩ chủ nghĩa phát xít đã chết, nhưng tôi đã sai, chủ nghĩa phát xít vẫn còn phổ biến ở phương Tây", ông nói. "Phương Tây đã thể hiện khuôn mặt thật của mình."

Phát biểu với các phóng viên trước khi có mặt tại thành phố Metz, đông nam nước Pháp, ông Cavusoglu nói rằng sẽ tiếp tục các hành động chống lại Hà Lan cho đến khi nước này xin lỗi.

Nhiều người biểu tình đã tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Hà Lan ở Ankara và lãnh sự quán ở Istanbul và ném trứng và đá vào các tòa nhà.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết ông sẽ làm mọi thứ để "giảm leo thang" cuộc đối đầu, điều ông cho rằng là nghiêm trọng nhất đối với Hà Lan trong nhiều năm qua. Tuy nhiên,  ông Mark Rutte cũng từ chối thực hiện lời xin lỗi.

Bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của ông Rutte, chính phủ Hà Lan nói rằng họ đặt ra nguy cơ về sự chia rẽ chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lan tới cộng đồng thiểu số người Thổ tại nước này, nơi đang tồn tại cả hai lập trường ủng hộ và phản đối ông Erdogan. Điều này đã dẫn đến những lo ngại về trật tự và an ninh công cộng trong việc ngăn hạ cánh đối với chuyến bay của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã nói bà sẽ làm mọi điều có thể để ngăn chặn căng thẳng trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ lan rộng tới lãnh thổ Đức. Áo và Thuỵ Sĩ cũng đã hủy bỏ các cuộc mít tinh của người Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này do căng thẳng leo thang.

Hiện ông Erdogan đang tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng người Thổ ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức và Hà Lan, để giúp giành chiến thắng an toàn trong tháng tới trong một cuộc trưng cầu dân ý nhằm tăng thêm quyền lực cho Tổng thống.

(Theo Reuters) 

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ