(Tổ Quốc) -Ông Vũ Mão chia sẻ: “Chúng ta buông lỏng về mặt quản lý từ ngay trong Đảng và trong hệ thống chính quyền. Nghị Quyết Trung ương 4 chỉ rõ, chúng ta rất yếu kém về kiểm soát quyền lực, các cán bộ được phân công nhiệm vụ, họ dùng quyền lực để làm theo cái họ muốn”.
- 26.05.2013 "Đảng lãnh đạo thì nhân dân phải biết Đảng như thế nào"
- 12.06.2013 Ông Vũ Mão: "Quốc hội và Chính phủ sẽ làm gì sau lấy phiếu tín nhiệm?"
- 18.09.2016 Vụ Trịnh Xuân Thanh từ góc nhìn dư luận
- 04.11.2016 Ông Vũ Mão: “Nền hành chính trì trệ, sửa đổi sẽ rất vất vả“
- 22.03.2017 Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão: “Sự việc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tôi cho là không bình thường”
- 28.03.2017 Khi “lãnh đạo” là “người nhà” của doanh nghiệp
Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XII họp từ ngày 9 đến ngày 14/10/2016 đã ban hành 3 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Đây là Nghị quyết quan trọng, cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra và được quan tâm, đón nhận, hưởng ứng...
Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, Báo Điện tử Tổ Quốc đã có buổi trao đổi với ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội.
Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội. (Ảnh: Hà Giang) |
+ Thưa ông, xây dựng và chỉnh đốn Đảng đóng vai trò như thế nào trong việc củng cố, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng?
Ông Vũ Mão: Đảng ta từ khi ra đời đã có lịch sử vinh quang. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã giành được những thắng lợi quan trọng như: Cách mạng Tháng Tám, Kháng chiến chống Pháp, kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam vào ngày 30/4/1975 và non sông thống nhất trọn vẹn về một mối…
Nhân dân ta rất ca ngợi Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng nước ta giành được những thắng lợi to lớn. Điều đó nói lên rằng, Đảng ta có vai trò quyết định trong thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Rõ ràng rằng, thành công của Cách mạng là do sự lãnh đạo của Đảng ta, và có những khiếm khuyết, những sai lầm… thì Đảng ta cũng phải chịu trách nhiệm.
Trong tình hình hiện nay, Đảng ta coi trọng việc chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng là điều hết sức đúng đắn và cần thiết. Chúng ta đã có nhiều Nghị quyết về công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 4 của nhiệm kỳ 11, Nghị quyết 4 của nhiệm kỳ 12 đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Đảng và đặc biệt là công tác cán bộ.
Và đặc biệt Nghị quyết Trung ương 4 của nhiệm kỳ 12 đã nhấn rất mạnh những điểm dù không phải là mới nhưng rất quan trọng trong thời điểm này, đó là: Phải kiểm soát quyền lực của những người có chức, có quyền.
Có thể nói, từ thực tiễn cuộc sống và từ yêu cầu của đổi mới, cách đặt vấn đề của Đảng ta là rất sáng suốt, đúng đắn.
+Ông có thể cho biết đánh giá của Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12 của Đảng về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” hiện nay của cán bộ, đảng viên?
Ông Vũ Mão: Như trên tôi đã nói, Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12 đã đi sâu phân tích những mặt yếu kém, tồn tại của cán bộ đảng viên hiện nay, nhất là những cán bộ có chức quyền.
Trước đây họ là những người tốt, chịu rèn luyện và được tín nhiệm giao trọng trách. Nhưng nay họ không chịu rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực của mình nên đã phạm sai lầm về phẩm chất đạo đức. Chúng ta thấy hiện tượng phổ biến mà Đảng ta chỉ ra và nhân dân phê phán, không hài lòng, đó là tham nhũng. Tham nhũng bây giờ có nhiều biến hoá, họ có nhiều thủ đoạn nhằm đạt được nhu cầu và lợi ích cá nhân.
Vấn đề thứ hai là cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật của chúng ta chưa đầy đủ và còn nhiều lỗ hổng. Những sơ hở ấy khiến họ khai thác, luồn lách để thực hiện những ý đồ xấu của họ.
Ở đây, chúng ta phải phân tích sâu về nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là tình hình cách mạng đã chuyển giai đoạn nhưng công tác chính trị, tư tưởng của Đảng lại chậm đổi mới.
Cụ thể là, chúng ta chấp nhận cơ chế thị trường mà bản chất của cơ chế thị trường là của chủ nghĩa tư bản. Nó là sản phẩm của nhân loại nhưng bản chất của nó là theo quy luật cạnh tranh, chạy theo lợi nhuận. Chúng ta chấp nhận cơ chế thị trường nhưng chúng ta lại không kịp thời có những chủ trương, biện pháp cụ thể để giáo dục cán bộ, đảng viên...
Nguyên nhân thứ hai là từ Đại hội 6 chúng ta đã đề ra chủ chương là đổi mới một cách toàn diện và trước hết phải đổi mới tư duy, lý luận phải đi trước.
Chúng ta đã cố gắng đổi mới về kinh tế và đã đạt được những thành quả nhất định, nhưng đổi mới về chính trị còn dè dặt, chậm trễ.
Phân tích để tìm ra những nguyên nhân để từ đó chúng ta có những giải pháp cho phù hợp.
+ Nội dung Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ sự suy thoái diễn ra ở một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ có chức vụ trong Nhà nước và có cả cán bộ cấp cao. Thực tế, qua các vụ việc, đại án tham nhũng thời gian vừa qua cho thấy tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”, vụ sau lớn hơn vụ trước mà nguyên nhân chính là sự buông lỏng của tổ chức và chính là do con người. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Ông Vũ Mão: Chúng ta có phần buông lỏng về mặt quản lý từ ngay trong Đảng, trong hệ thống chính quyền.
Nghị Quyết Trung ương 4 chỉ rõ, chúng ta rất yếu kém về kiểm soát quyền lực, các cán bộ có chức quyền, kể cả các cán bộ cấp cao khi được phân công nhiệm vụ, họ có quyền lực và họ đã làm theo cái họ muốn.
Trên thực tế, không ít cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp đã luồn lách, chạy chức, chạy quyền. Họ đã bị tha hoá nghiêm trọng.
Đây là tình hình rất đáng báo động và hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Nó làm thất thoát một số lượng rất lớn tiền của của nhà nước, của nhân dân.
Nếu nói đến tác hại của tham nhũng thì chúng ta phải nói đến tác hại của lãng phí. Hai vấn đề có mối quan hệ với nhau. Cán bộ kém phẩm chất, tham nhũng cộng với kém năng lực, kém trách nhiệm sẽ gây ra lãng phí ghê gớm. Rất nhiều những quy hoạch ẩu, những dự án kém, không mang lại hiệu quả mà gây ra lãng phí hàng ngàn tỷ, hàng chục ngàn tỷ đồng. Hậu quả là làm cho tốc dộ phát triển của đất nước chậm lại, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
+ Nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo, tư duy nhiệm kỳ là một trong những biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị. Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12 cũng đã “bắt mạch” được những biểu hiện cụ thể về sự suy thoái trong công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ. Theo ông, tình trạng này đang ở mức độ nào và cần phải khắc phục ra sao?
Ông Vũ Mão: Tình trạng này đang ở mức độ nghiêm trọng, rất đáng báo động.
Chính vì vậy, từ sau Đại hội 12 cho đến nay, chỉ đạo của Trung ương Đảng, điều hành của Chính phủ đang có những chuyển biến bước đầu.
Về Đảng, những hiện tượng xấu về phẩm chất đạo đức của cán bộ đã có từ khá lâu rồi nhưng sự kiên quyết chỉ đạo để xử lý những vấn đề đó của Đảng trong những năm vừa qua là quá yếu.
Tuy nhiên, từ giữa 2016 đến nay, Đảng ta, trước hết là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chỉ đạo sát sao hơn. Tôi cho rằng, kiên quyết đưa ra một số vụ việc là rất tốt và nhân dân vẫn đang chờ đợi, mong muốn sự việc được đi đến cùng.
Rõ ràng là nếu không có sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, của Bộ Chính trị thì những sự việc đang xử lý cũng sẽ chỉ là lướt qua. Nhưng hiện nay các sự việc đang được xử lý kiên quyết, kịp thời và như vậy là rất tốt.
Ngoài ra, nền quản trị công vụ của đất nước ta quá yếu kém, trì trệ đã nhiều năm. Nhưng trong nửa năm 2016 và đầu 2017 đã có chuyển biến bước đầu tích cực. Vấn đề Chính phủ kiến tạo, liêm khiết, phục vụ nhân dân không phải là mới nhưng nhiều năm vừa qua chúng ta làm chưa tốt. Nay chúng ta kiên quyết làm tốt hơn.
Lâu nay chúng ta vẫn nói nhiều nhưng làm ít quá. Nói thì dễ nhưng làm thì phải qua nhiều những công đoạn cần thiết. Muốn làm cho tốt thì phải có cơ chế tốt, pháp luật tốt, trong khi cơ chế chính sách, pháp luật của chúng ta còn nhiều khiếm khuyết.
Vừa qua, quá bức xúc nên nhân dân và doanh nghiệp đã phản ánh rất nhiều. Thủ tướng đã nghe và đã thể hiện quyết tâm. Một việc làm cụ thể là, tình trạng nhiều thông tư của các Bộ mang tính cục bộ, chỉ vun vén cho Bộ mình mà không quan tâm đến lợi ích của đất nước, gây khốn khó cho doanh nghiệp, cho nhân dân đã được chỉ rõ. Thủ tướng đã có ngay chủ trương phải sửa những thông tư đó. Thủ tướng còn nêu rõ, phải giảm bớt các Thông tư của Bộ và tập trung vào xây dựng các Nghị định của Chính phủ. Đây là sự tiếp thu nghiêm chỉnh và chân thành.
Cũng cần nói rằng, ở tầm chỉ đạo vĩ mô thì có rất nhiều việc phải làm. Vấn đề tổ chức bộ máy và vận hành từ Trung ương xuống đến địa phương còn nhiều bất cập. Bộ máy cồng kềnh, phân công phân nhiệm và mối quan hệ phối hợp cũng chưa tốt, có sự chồng chéo và có khoảng trống…
Đơn cử về vấn đề thuỷ lợi và tài nguyên nước có sự chồng chéo, có đến 4-5 Bộ cùng quản lý như: Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương. Hậu quả thì rất nghiêm trọng như ta đã biết.
+ Theo ông, chúng ta cần làm gì để siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và đề cao pháp luật của Nhà nước để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh?
Ông Vũ Mão: Quay trở lại ban đầu, ta cần đề cập sâu hơn nữa đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều 4 của Hiến pháp quy định: Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. Đảng chịu sự giám sát của nhân dân.
Cho nên có thể nói vai trò lãnh đạo của Đảng là quyết định. Vì thế, cùng với rất nhiều công việc phải làm thì đổi mới và chỉnh đốn Đảng là vô cùng quan trọng. Đảng ta cần làm rõ hơn nữa chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan của Đảng, của từng vị trí lãnh đạo. Chúng ta cần nghiên cứu để sửa đổi bổ sung Điều lệ Đảng, trong đó làm rõ hơn nữa vai trò, vị trí, chức năng nhiệm vụ và đặc biệt là trách nhiệm của Tổng Bí thư, của Bộ Chính trị và các uỷ viên Bộ Chính trị, của Ban chấp hành Trung ương…
Rõ ràng, Điều 4 của Hiến pháp nói Đảng lãnh đạo và chịu trách nhiệm trước nhân dân thì phải bằng cơ chế nào? Đó chính là phải bằng một văn bản pháp luật. Đó là Luật về sự lãnh đạo của Đảng. Cần nhận thức tính cấp thiết xây dựng văn bản đó để tạo điều kiện cho nhân dân giám sát các hoạt động của Đảng, đồng thời tạo được mối liên hệ gần gũi giữa Đảng và nhân dân – đó là dân chủ. Dân chủ với dân thì chúng ta sẽ thắng lợi. Muốn đoàn kết thì phải dân chủ.
Cho nên, với vai trò quyết định của mình, Đảng phải quyết liệt, đổi mới hơn nữa, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, phải kiên quyết xây dựng Nhà nước pháp quyền mang bản sắc của Việt Nam.
+ Xin cảm ơn ông!
Hà Giang (Thực hiện)