• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khi “lãnh đạo” là “người nhà” của doanh nghiệp

Thời sự 28/03/2017 06:00

(Tổ Quốc) - Câu hỏi đặt ra là có hay không sự tiềm ẩn nhiều xung đột lợi ích khi lãnh đạo bộ, lãnh đạo tỉnh làm chủ doanh nghiệp, hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp?

Xung quanh câu chuyện về khối tài sản ‘khủng’ của bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, báo Dân trí dẫn lời ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên trường Đại học Fulbright cho rằng: "Có một điểm theo tôi cần làm rõ là sau khi doanh nghiệp này cổ phần hoá vào năm 2005, vị trí lãnh đạo của bà Thoa là của cá nhân bà này hay đại diện Nhà nước tại Điện Quang?”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa (Nguồn: Internet)

 

Theo ông Tuấn, chính sách của Nhà nước với tư tưởng rất nhân văn là bán cổ phần ưu đãi cho người lao động như phần thưởng mà người lao động đã đóng góp và để gắn quyền với người lao động vào doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, cách làm này thể hiện tư duy hợp tác xã và thực tế người lao động không nhất thiết phải có cổ phần ở một doanh nghiệp thì mới gắn bó với doanh nghiệp đó.

"Nếu quy hết về thời điểm doanh nghiệp cổ phần hoá, tôi có một giả thiết rằng có nhiều thứ không minh bạch và không chỉ nói riêng về trường hợp Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhưng tình huống này cho thấy lỗ hổng trong chủ trương, chính sách cổ phần hoá của Việt Nam", ông Tuấn bình luận.

Ông Tuấn cũng cho rằng, với một doanh nghiệp nếu làm ăn tốt, triển vọng tốt thì khi người lao động tích luỹ được tài sản, họ cũng sẽ mua cổ phần, còn không nếu anh có bán cổ phần ưu đãi cho họ thì họ cũng bán đi. Và với trường hợp người lao động bán lại cổ phần sẽ có nhiều người trên thị trường thu gom và có thể lãnh đạo hay người thân của lãnh đạo tại doanh  nghiệp đó "âm thầm, trực tiếp hoặc gián tiếp thâu gom lại".

"Vậy xem xét gia đình Thứ trưởng có trực tiếp thâu gom lại từ các giao dịch thoả thuận hoặc thậm chí đặt lệnh mua trên thị trường để thu gom lại hay không? Tuy nhiên tôi cho rằng, với quá trình công tác, với thâm niên, vị trí đó thì tỷ lệ sở hữu được mua không thể lớn đến mức như bây giờ. Chắc hẳn phải có cả quá trình thâu gom cổ phần thì mới tạo lên tỷ lệ sở hữu lớn như thế. Như vậy, một chính sách tốt đẹp là phúc lợi và gắn quyền lợi người lao động như thế lại có nguy cơ chuyển lợi ích sang nhóm khác", ông Tuấn nói.

Trước một số phân tích của giới chuyên gia rằng, việc Thứ trưởng và các thành viên trong gia đình sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp không vi phạm với các quy định pháp luật hiện hành, ông Tuấn cho rằng: "Không vi phạm luật không có nghĩa là đúng lý. Vấn đề là luật không bao quát được thì mới là lỗ hổng. Muốn xét người ta đúng luật hay không thì chỉ là soi trên góc độ pháp lý nhưng không chỉ nhìn ở góc độ đó, làm chính sách còn phải nhìn vào tương lai nữa để thấy bất cập, lỗ hổng".

Giảng viên trường Đại học Fullbright khẳng định, vấn đề ở đây tiềm ẩn nhiều xung đột lợi ích khi lãnh đạo một doanh nghiệp rồi lại làm lãnh đạo bộ, chịu trách nhiệm ngành mà mình và người thân tham gia quản lý doanh nghiệp.

“Đặc quyền đặc lợi gì thì doanh nghiệp đó được hưởng và những chính sách bất lợi thì với vị trí làm lãnh đạo anh sẽ tìm cách loại ra khỏi khuôn khổ. Nếu có doanh nghiệp cạnh tranh nào đó thì chắc chắn sẽ có luật lệ điều chỉnh, kể cả quy tắc bất thành văn khiến đối thủ kia không thể cạnh tranh được", ông nói.

Trước đó, bên lề buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính chiều 16/3 về một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định mới về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Tài chính Doanh nghiệp (Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính) cho biết, quy chế công khai tài sản minh bạch trong Luật phòng chống tham nhũng đã quy định rõ: “Nay “ông” có một cổ phần, hôm sau ông có thêm 1.000 cổ phần thì phải giải thích tại sao? Nếu lương tôi chuyển ngạch lên bậc cao thì tôi phải kê khai ngay, ngoài ra phải kê khai cả lương của vợ tôi – để xem số tiền mua cổ phiếu có nguồn gốc chính đáng không? Quan trọng nhất là những kê khai đó có được công bố không? Còn nếu trường hợp họ không mua trực tiếp mà con cháu họ mua thì chịu thôi, vì luật không cấm”.

Đại diện này cũng chia sẻ thêm: “Quan trọng nhất ở đây là người lãnh đạo thì phải công khai minh bạch. Đây là quyền, trách nhiệm của họ trước pháp luật”.

Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – cho rằng: “Khi bà Hồ Thị Kim Thoa lên làm Thứ trưởng Bộ Công Thương thì Công ty Bóng đèn Điện Quang vẫn thuộc khối của bà này quản lý. Rõ ràng, ở đây có sự lợi dụng chức vụ.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ  (Nguồn: Pháp luật VN)

 

Ở Mỹ, khi Donald Trump lên làm Tổng thống, ngay lập tức ông Trump tuyên bố không tham gia quản lý doanh nghiệp nào cả, bởi nếu “anh quản lý doanh nghiệp thì anh sẽ đặc quyền đặc lợi”. Ở đây là do quy định còn nhiều lỗ hổng, ngoài ra là do bản thân người ta thấy nếu làm như vậy “sẽ có lợi cho mình”.

Theo ông Vũ Mão, luật về cán bộ công chức cũng có quy định chung hạn chế đặc quyền đặc lợi nhưng không quy định cụ thể. Đây cũng là “khiếm khuyết” của luật pháp để từ đó thấy rằng, cần thiết phải bổ sung vào Luật Công chức hay Luật Cổ phần hoá sau này...

“Nếu pháp luật chặt chẽ thì cá nhân không bao giờ làm được như vậy!”, ông Vũ Mão nhấn mạnh.

Tương tự, về trường hợp của ông Huỳnh Đức Thơ – là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhưng lại mua cổ phần của 4-5 doanh nghiệp – ông Vũ Mão cho hay: “Về mặt đạo đức, phẩm chất đối với một lãnh đạo là phải biết kiềm chế. Người ta mời mọc thì phải biết giữ gìn. Ông Thơ có chức quyền thì ai chẳng muốn lợi dụng ông ấy. Ở đời chuyện đó là hoàn toàn có thể xảy ra.

Ngoài ra, về cơ chế chính sách pháp luật chúng ta đã có quy định nhưng không rõ ràng, đặc biệt là không có chế tài xử lý những trường hợp đó. Như vậy là người ta tự tung tự tác. Tôi không nói con số cụ thể nhưng nhìn chung, số lãnh đạo ở các địa phương tham nhũng là không ít. Đặc biệt khi nghỉ hưu mới bộc lộ ra nhiều: tài sản, nhà cửa, khu biệt thự nọ kia... khiến dư luận bức xúc.

Chúng ta đang ra sức chấn chỉnh để phê phán, sửa chữa lỗi lầm đó. Bây giờ chúng ta mới có Nghị quyết Trung ương 4. Cái mới của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII là kiểm soát quyền lực. Bởi những lãnh đạo như vậy có quyền lực nhưng ai kiểm soát?”.

Cũng theo nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kiểm soát quyền lực cần phải có sự tham gia của các cơ quan có trách nhiệm. Bộ Chính trị, cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ... phải ra những chủ trương, văn bản. “Hiện chúng ta đang sơ hở, chưa kiểm soát được quyền lực nên rất nguy hiểm”, ông Vũ Mão nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, qua Báo Điện tử Tổ Quốc, luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ quan điểm, “Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã mua cổ phiếu, sở hữu tương đối nhiều cổ phiếu nhưng lại quản lý, chủ quản doanh nghiệp đó thì đương nhiên bị ảnh hưởng.

“Về lý là không vấn đề gì. Tuy nhiên, ví như người lãnh đạo tham gia mua cổ phiếu của một  công ty nào đó có vốn 100-200 triệu thì không sao. Nhưng trường hợp công ty có vốn vài nghìn tỷ mà chỉ sở hữu 1% thôi thì mỗi năm lãnh đạo đó cũng được chia lãi hàng tỷ đồng. Khi đó lãnh đạo đó lại là người có “phần lớn” trong công ty. Việc này không vi phạm, tuy nhiên, quan trọng là bản thân người lãnh đạo đó ứng xử như thế nào trong mọi hoạt động của doanh nghiệp để làm sao vô tư, công bằng và khách quan. Nếu không sẽ bị dư luận đánh giá”, ông Trương Thanh Đức nhận   định./.

Hà Giang

 

 

 

 

 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ