(Tổ Quốc) - Hội thảo tham vấn Đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả, các đơn vị khác thực hiện với mục đích nhằm tạo dựng được một diễn đàn trao đổi chuyên sâu và cởi mở của các chuyên gia, những nhà quản lý, cũng như những đơn vị, cá nhân có liên quan về thực trạng, xu hướng và đề xuất các giải pháp, định hướng cho phát triển các ngành CNVH ở Việt Nam từ nay tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.
- 09.07.2024 Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam: Động lực để công nghiệp văn hóa phát triển bền vững
- 05.07.2024 Đến năm 2030 xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á
- 02.07.2024 Hà Nội: Thu hút, trọng dụng nhân tài trong nước và quốc tế tham gia các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa
Chính sách công bằng cho công nghiệp văn hóa
Nhiều chuyên gia bày tỏ mong mỏi rằng Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách làm "bệ đỡ" cho công nghiệp văn hóa, cụ thể là tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, có chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp liên quan đến công nghiệp sáng tạo.
Theo nhạc sỹ Quốc Trung, hiện nay Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển CNVH, trong khi đây là lĩnh vực đòi hỏi quá trình đầu tư lâu dài và đầy mạo hiểm.
Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết, đội ngũ sáng tạo mạnh hiện nay nằm ở trong các đơn vị công lập không nhiều và quan niệm xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa có vẻ như đang nghiêng nhiều về đội ngũ ngoài nhà nước được phép làm công việc sáng tạo về văn hóa chứ chưa có chính sách phù hợp về phối hợp giữa đội ngũ sáng tạo bên ngoài và nhà nước.
Từ kinh nghiệm tổ chức Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa, nhạc sĩ Quốc Trung cho biết, ông nhận thấy việc doanh nghiệp tư nhân muốn sử dụng các thiết chế văn hóa Nhà nước còn nhiều rào cản về kinh phí, giấy tờ, thủ tục. Do đó, nhiều thiết chế văn hóa do Nhà nước đầu tư bị lãng phí, chưa được vận hành hiệu quả. Còn các đơn vị nghệ thuật nhà nước đương nhiên được sử dụng các thiết chế này và được ưu đãi nhiều điều kiện khác, trong khi họ đã được trả lương cho các nhiệm vụ chính trị.
Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, để phát triển CNVH Việt Nam, chúng ta cần xóa đi ranh giới giữa đội ngũ này.
"Sự hỗ trợ từ phía Nhà nước nên được chia đều cho các đơn vị trong và ngoài Nhà nước để thúc đẩy sự công bằng và khích lệ các doanh nghiệp tư nhân có đóng góp vào CNVH vì họ cũng có đóng thuế, có trách nhiệm xã hội đầy đủ," nhạc sỹ Quốc Trung bày tỏ.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Quốc Vinh- Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Lê (LeBros) cho rằng, ngành CNVH ở Việt Nam muốn phát triển phải tiếp nhận đầy đủ cơ chế thị trường, phải coi 12 ngành công nghiệp văn hóa thực chất là 12 ngành kinh tế. Ngành kinh tế có 6 thành phần gồm: (1)nhà đầu tư, (2)nhà phát hành, (3)lực lượng sáng tạo, (4)khâu trung gian, (5)người tiêu thụ và (6)nhà quản lý.
Hiện nay, các chính sách đều hướng tới nhóm 3, 5, 6: là người sáng tạo, khách hàng (người tiêu thụ) và nhà quản lý. Một phần nhỏ quan tâm đến số 4 nhưng chưa quan tâm đến số 1 và 2. Ông Vinh cho rằng doanh nghiệp, nhà đầu tư giữ vai trò rất quan trọng trong mối quan hệ 6 bên này, do đó Nhà nước cần quan tâm, khích lệ, hỗ trợ để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho văn hóa.
Đồng quan điểm, bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine cho rằng Nhà nước cần có chính sách giảm thuế, miễn thuế thu nhập trong vài năm đầu cho doanh nghiệp. Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chính phủ phê duyệt năm 2016) đã nêu lên việc hỗ trợ doanh nghiệp thì Chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần cụ thể hóa sự hỗ trợ đó bằng các con số, cụ thể là giảm bao nhiêu % thuế cho doanh nghiệp, trong thời gian bao nhiêu năm…
"Khu vực tư nhân tạo ra một lực đẩy làm cho CNVH phát triển nhanh, nên cần một cơ chế cho khối tư nhân như giảm thuế cho doanh nghiệp, hoặc trong hoạt động thường ngày nên có mức thuế phù hợp. Chúng ta đã có những bước tiến trong quan hệ công-tư nhưng cần phải hiện thực hóa những vấn đề thuế, hạn mức, định mức thanh toán, thời hạn thanh toán… Những vấn đề đó có tác động rất lớn đến doanh nghiệp," - bà Trương Uyên Ly chia sẻ.
Bà Trương Uyên Ly cũng kiến nghị Chính phủ thành lập Ban hành động về CNVH liên bộ ngành để đẩy mạnh sự kết nối trong thực hiện CNVH.
Tăng cường sự gắn kết
Đóng góp giải pháp, bà Nguyễn Thị Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, (Bộ VHTTDL) cũng cho rằng Nhà nước cần tăng đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút các nguồn lực, xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa, thông qua việc học tập kinh nghiệm của các nước, xem xét xây dựng những công cụ tài chính riêng cho phát triển văn hóa thông qua hệ thống các quỹ hỗ trợ trên các lĩnh vực văn hóa như: Quỹ phát triển điện ảnh, Quỹ hỗ trợ văn hóa số, Quỹ hỗ trợ nghệ thuật…; áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa và cho phép tính các khoản tài trợ cho văn hóa nghệ thuật vào chi phí của doanh nghiệp; sớm có hướng dẫn cách thức "gọi vốn đám đông."
Ngoài ra, Nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi, hệ sinh thái để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; gắn kết giữa chiến lược phát triển các ngành CNVH sáng tạo với các chiến lược khác có liên quan, trở thành một bộ phận trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, gắn kết và có sự tương hỗ với các chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiến lược đào tạo nghề...
Đồng quan điểm cần tăng cường sự gắn kết giữa các ngành CNVH, giữa ngành CNVH với các ngành khác, TS Trịnh Lê Anh, Giảng viên Khoa Du lịch, Đại học KHXHNV Hà Nội cho biết, đầu ra của công nghiệp văn hóa là du lịch, quan điểm này đã được thế giới công nhận. "Tiêu thụ sản phẩm văn hóa là đầu ra của CNVH và du lịch là phương pháp để tiêu thụ sản phẩm CNVH- TS Trịnh Lê Anh khẳng định.
Cũng theo TS Trịnh Lê Anh, du lịch văn hóa là ngành chủ lực của du lịch. Du lịch văn hóa được coi là du lịch phát triển bền vững, vượt xa du lịch thiên nhiên. Sự thiếu và yếu của du lịch Việt Nam thể hiện ở việc thiếu sản phẩm du lịch. Chúng ta nói đến du lịch làng nghề nhưng không định hình được du lịch làng nghề, hay ngành phần mềm và các trò chơi giải trí đang được công chúng trẻ quan tâm. Nhưng ở các địa phương, thậm chí là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đều thiếu sân chơi này cho giới trẻ khi họ đi du lịch.
Theo TS Trịnh Lê Anh, để phát triển du lịch văn hóa, cần khai thác sâu thời trang và ẩm thực bởi đây là 2 lĩnh vực gắn với yếu tố bản địa nên du lịch gắn với thời trang, ẩm thực sẽ không bao giờ bị so sánh.
Để thực hiện hiệu quả CNVH, theo TS Trịnh Lê Anh, cần có sự gắn kết hiệu quả giữa các lĩnh vực, các ngành CNVH, đồng thời là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với những cam kết ràng buộc rõ ràng, nếu không sẽ không có sản phẩm văn hóa./.