• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần giải pháp đột phá để phát triển Giáo dục tương xứng với tiềm năng

Giáo dục 14/07/2023 15:02

(Tổ Quốc) - Ngày 14/7, tại Tp. Đông Hà (Quảng Trị), Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị này nhằm quán triệt sâu sắc hơn và tổ chức thực hiện tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển Vùng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững các vùng nói riêng và cả nước nói chung trong thời kỳ mới, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết mới về phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước.

Cần giải pháp đột phá để phát triển Giáo dục tương xứng với tiềm năng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội nghị

Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh hóa đến Bình Thuận. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Đây cũng là Vùng có nguồn lực to lớn về con người với dân số khoảng 20,34 triệu người, đứng thứ hai cả nước, chỉ sau vùng đồng bằng Sông Hồng. Trong đó có khoảng 50 dân tộc cùng sinh sống (chiếm 22,2% tổng số dân tộc thiểu số trong cả nước).

Những đặc thù về điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, con người… đã tạo nên bức tranh đa dạng, đa chiều của giáo dục vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Trong đó có những kết quả, thành tích nổi trội, phát huy truyền thống hiếu học, địa linh nhân kiệt của vùng. Tuy nhiên, nhiều chỉ số phát triển giáo dục vẫn đang thấp hơn mức trung bình của cả nước. Có những thách thức cần vượt qua, khó khăn cần tháo gỡ và tiềm năng cần được vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.

"Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đều đã có Kế hoạch hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168 của Chính phủ, với mục tiêu xác định: Nâng cao trình độ và thu nhập của người dân trong Vùng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của các địa phương trong vùng và cả nước..."

Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Mặc dù vậy, giáo dục và đào tạo của vùng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức như: nhiều chỉ số về phát triển còn thấp hơn mức trung bình của cả nước; chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đồng đều giữa các địa phương trong Vùng, … và vẫn còn đầy thách thức, nhiều khó khăn khác cần tiếp tục nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục và phát triển trong thời gian sắp tới.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mong muốn hội nghị này sẽ cùng với các địa phương thảo luận, nhận diện bức tranh giáo dục vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ hiện nay; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những việc đã làm được trong thời gian qua và trên cơ sở đó cùng nhau đề ra các giải pháp để phát triển giáo dục vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Các địa phương đã quan tâm thì tiếp tục quan tâm hơn. Các Bộ, ngành sẽ tăng cường sự thấu hiểu, đồng hành và hỗ trợ để các địa phương thực hiện thành công các mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo.

Cần giải pháp đột phá để phát triển Giáo dục tương xứng với tiềm năng - Ảnh 3.

Toàn cảnh hội nghị

Đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao;… Và tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao…

Có thể thấy rằng, Tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ GD&ĐT trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.

Một số địa phương đã có các chính sách đặc thù tạo chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng giáo dục; hiệu quả giáo dục chuyển biến mạnh mẽ, trở thành trung tâm giáo dục của cả nước và từng bước trở thành trung tâm giáo dục của khu vực. Quy mô và mạng lưới các cấp học được đầu tư phát triển đồng bộ, đa dạng phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho người dân, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trong vùng và cả nước.

Mặc dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ hiện vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Tiềm năng và lợi thế của vùng chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển. Phát triển văn hóa, xã hội vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu trong tình hình mới.

Cần giải pháp đột phá để phát triển Giáo dục tương xứng với tiềm năng - Ảnh 4.

Lãnh đạo các địa phương tham dự hội nghị

Đơn cử như việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp ở một số nơi còn chưa thực sự hiệu quả, chưa đảm bảo môi trường học tập cho trẻ em, học sinh. Mạng lưới cơ sở giáo dục chưa đồng đều giữa các khu vực, cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng chưa bảo đảm thực sự công bằng đối với các nhóm yếu thế. Các điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú, học sinh các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tối thiểu.

Chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng và giữa các cơ sở giáo dục khu vực thành thị với khu vực nông thôn và miền núi. Quy mô đào tạo của một số cơ sở giáo dục đại học chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương, lợi thế của Vùng. Còn thiếu tính liên thông giữa các trình độ và các phương thức đào tạo. Tiềm năng nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học chưa được phát huy triệt để.

Như vậy cần có những giải pháp đột phá để nâng cao chỉ số phát triển Giáo dục tương xứng với tiềm năng trong việc triển khai thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục; về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác, kết nối và liên kết vùng nhằm phát triển giáo dục và đào tạo; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển giáo dục và đào tạo.

Vĩnh Quý

NỔI BẬT TRANG CHỦ