(Tổ Quốc) - Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đã trở lại làm việc vào thứ Ba sau khi trải qua một kỳ nghỉ dễ chịu. Tuy nhiên, ngay bên kia biên giới, tương lai của EU đang được tranh cãi trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.
Câu hỏi về 'Frexit'
Các cử tri Pháp vào ngày Chủ nhật này (24/4) sẽ lựa chọn vào giữa bà Le Pen và Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron, người lãnh đạo đảng trung hữu La République En Marche (Cộng hòa tiến bước).
Bà Le Pen, người đứng đầu đảng cực hữu Rassemblement National (Tập hợp quốc gia), đã giảm đáng kể cách tiếp cận cứng rắn của bà với EU tại cuộc bầu cử năm nay.
Tại chiến dịch tranh cử năm 2017, tuyên ngôn tranh cử của bà Le Pen là cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU, sau khi sẽ tiến hành sáu tháng đàm phán để cố gắng cải tổ triệt để khối này.
Nhưng đọc qua tài liệu tranh cử năm nay của bà Le Pen, có tên "22 biện pháp cho Pháp", EU thậm chí không được đề cập trực tiếp. Việc kéo Pháp ra khỏi khối đồng tiền chung euro cũng không còn được chú ý nữa.
Bộ trưởng chính phủ Pháp kiêm thành viên của đảng Cộng hòa tiến bước Jean-Baptiste Lemoyne tin rằng lập trường mềm mỏng hơn của bà Le Pen là vì mong muốn "chinh phục chức tổng thống".
"Nhưng bà ấy vẫn đang đặt ra câu hỏi về một số nguyên tắc cơ bản của EU," ông nói.
Ứng cử viên Marine Le Pen khẳng định bà không có chương trình nghị sự bí mật nào về "Frexit" (Pháp rời khỏi EU-pv). Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng các chính sách của bà sẽ khiến vị thế của Pháp trong EU gặp rủi ro. Còn những người ủng hộ thì cho rằng Brussels đã không rút ra được bài học từ Brexit và Pháp có thể xem xét tình thế đó.
Điều không thể bàn cãi là một chiến thắng của bà Le Pen sẽ gửi một làn sóng chấn động đến Brussels.
Không giống như Vương quốc Anh, Pháp là thành viên sáng lập của tổ chức tiền thân cho Liên minh châu Âu (EU) và hiện là nước ủng hộ tài chính lớn thứ hai cho khối này.
Bà Marine Le Pen muốn cắt giảm những đóng góp của Pháp cho EU, thắt chặt kiểm soát biên giới và tổ chức trưng cầu dân ý về việc ngăn chặn nhập cư "không kiểm soát". Cam kết tranh cử của bà cũng bao gồm ưu tiên quyền tiếp cận phúc lợi, nhà ở xã hội và việc làm của người Pháp. Những chính sách như vậy có vẻ mâu thuẫn trực tiếp với tự do đi lại và tính phổ quát của luật pháp EU.
Jonathan Eyal, một chuyên gia hàng đầu tại Viện nghiên cứu hoàng gia Anh (Rusi) cho biết những chính sách này giống như việc trở thành một thành viên vẫn giữ quyền lực riêng. Và kế hoạch của bà Le Pen có thể dẫn đến sự "tê liệt" của EU nếu các nước thành viên khác, như Ba Lan và Hungary, hợp lực với Pháp trong việc cố gắng kiềm chế quyền lực của Ủy ban châu Âu.
Sinh khí mới cho EU hay đảo chiều thực tại?
Patricia Chagnon, một người ủng hộ bà Le Pen cho biết chiến thắng của bà Le Pen và đảng cực hữu sẽ thổi "luồng sinh khí mới" vào EU và bà Le Pen muốn "tháo gỡ" các quốc gia thành viên khỏi một "bộ máy quan liêu lớn".
Và những người "không đồng ý với việc cải cách EU" mới là những người cho rằng chính sách của Le Pen là một con đường Frexit, người ủng hộ này lập luận.
Bà Patricia Chagnon nói thêm: "Marine Le Pen ủng hộ việc tôn trọng chủ quyền và độc lập của mỗi quốc gia thành viên", đồng thời nhận ra tầm quan trọng của "hợp tác chặt chẽ".
Trong khi đó, ông Emmanuel Macron đã mô tả cuộc bỏ phiếu hôm Chủ nhật này là một "cuộc trưng cầu dân ý về châu Âu".
Sylvie Kauffmann, biên tập viên của nhật báo Le Monde, Pháp, cho biết chiến thắng của Marine Le Pen thực sự sẽ là một "cơn địa chấn" đối với EU.
Tuy nhiên, bà Sylvie Kauffmann cũng chỉ ra rằng ông Macron luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò và thực tế rằng, việc Marine Le Pen cho tới nay không nhận được sự ủng hộ của đa số cử tri cũng cho thấy rằng dù bà Le Pen thắng cử thì đảng của bà vẫn sẽ gặp thách thức để giành được thế đa số trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng Sáu tới.
Mặc dù vậy, chuyên gia Jonathan Eyal cũng nói rằng việc bà Le Pen trở thành tổng thống có thể là một sự bất ổn lớn đối với phương Tây.
Ông Jonathan Eyal nói, bà Le Pen sẽ "luôn ở trong vị thế muốn làm nên một cuộc cách mạng" với cả EU và liên minh quân sự phương Tây, NATO.
Từng là thành viên của Nghị viện châu Âu, bà Marine Le Pen không lạ gì những cuộc đụng độ với các cơ quan của EU.
Hôm thứ Hai, bà Le Pen phản pháo lại các thông tin rằng cơ quan chống tham nhũng của EU Olaf đã cáo buộc bà và các đồng nghiệp cấp cao biển thủ hơn 600.000 euro (500.000 bảng Anh) trong thời gian làm làm việc cho các cơ quan châu Âu.
Bà Le Pen cho rằng đây là "những cú đánh hiệu quả thấp của Liên minh châu Âu khi chỉ vài ngày nữa là diễn ra vòng bầu cử thứ hai ... Tôi hoàn toàn phủ nhận những cáo buộc này, mà tôi thậm chí còn không biết gì về chúng".
Mọi con mắt ở Brussels giờ đây đều hướng về cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp quan trọng vào thứ Tư giữa hai đối thủ Macron và Le Pen, ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu vào Chủ nhật này.