• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân

Văn hoá 07/01/2023 20:35

(Tổ Quốc) - "Các đơn vị nghệ thuật cần sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, phản ánh chân thực những vấn đề nóng của xã hội. Định hướng thẩm mỹ cho khán giả, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới"- đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Tạ Quang Đông tại Hội nghị Tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2022 và Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 diễn ra chiều ngày 7/1 tại Hà Nam.

Hội nghị Tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2022 và Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) tổ chức có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; lãnh đạo các Sở VHTTDL, Sở VHTT, các đơn vị nghệ thuật các tỉnh, TP.

Cần sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân - Ảnh 1.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly cho biết: Trong năm 2022, lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn đã chủ động triển khai, tổ chức thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ quản lý nhà nước cũng như công tác phát triển sự nghiệp do Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Uỷ Ban nhân dân các tỉnh/thành phố giao; phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; xây dựng các hoạt động văn hóa, hoàn thành các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị. Các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch dần sôi động trở lại, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được nhân rộng, phát huy.

Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong Kế hoạch và nhiệm vụ đột xuất do Bộ VHTTDL, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phân công. Theo đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và văn học tiếp tục được thực hiện có hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các Sở VHTTDL/VHTT/VHTTTTDL, các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương để tăng cường có hiệu quả công tác quản lý nhà nước; các đơn vị nghệ thuật từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật trên cả nước; thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ; công tác thẩm định, cấp phép, tiếp nhận biểu diễn nghệ thuật được thực hiện đúng quy trình, kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung, hình thức; công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các sở/ngành chức năng được thường xuyên thực hiện nhằm hạn chế, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nếu có sai phạm.

Cần sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân - Ảnh 2.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly và Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương chủ trì Hội nghị

Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tích cực xây dựng chương trình, tiết mục, vở diễn mới để tham gia các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Hội nghề nghiệp và Uỷ Ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức.

Ngoài việc tổ chức biểu diễn phục vụ chính trị, các đơn vị nghệ thuật trung ương còn tham gia tổ chức, biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật trong các sự kiện văn hóa, du lịch và biểu diễn có thu: tổ chức dàn dựng, sửa chữa, nâng cao 38 chương trình, 51 vở; 1676 buổi biểu diễn; số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt 65.451.195.000 đồng.

Công tác định hướng phát triển nghệ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc được coi trọng. Hầu hết các đơn vị nghệ thuật đều chuyển biến tích cực trong việc lựa chọn, dàn dựng tác phẩm. Hoạt động sáng tạo và quản lý tác phẩm văn học đã đi vào thực chất hơn, phản ánh những vấn đề mà xã hội đang cần, hướng cho khán giả các giá trị chân, thiện, mỹ, từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Công tác khen thưởng luôn đi đôi và gắn liền với các phong trào thi đua tạo cơ sở cho việc khen thưởng nhằm lựa chọn những cá nhân, tập thể tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất, đầy đủ và kịp thời nhất để khen thưởng (trong các cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp); khen thưởng chính xác, công khai và kịp thời để có tác dụng động viên, nêu gương và thúc đẩy phong trào phát triển.

Cần sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân - Ảnh 3.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly báo cáo tại Hội nghị

Tuy nhiên, ngành cũng còn gặp nhiều khó khăn như việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật truyền thống ở địa phương và hợp nhất các đơn vị nghệ thuật chuyển sang hình thức ngoài công lập vào Trung tâm văn hóa thành một đầu mối đã phát sinh những bất cập khiến nhiều địa phương lúng túng trong định hướng hoạt động. Chức năng nhiệm vụ của Trung tâm văn hóa và các đơn vị nghệ thuật có những điểm chung nhưng cũng có những điểm khác biệt nên sẽ có nhiều ảnh hưởng tới việc xây dựng các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao phục vụ nhân dân.

Về xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ diễn viên kế cận: Cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chưa được đầu tư đúng mức, các rạp hát, địa điểm biểu diễn có sẵn hiện xuống cấp không thể khai thác, sử dụng, gây khó khăn trong việc biểu diễn, luyện tập, làm việc; Các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn trong việc tuyển chọn, đào tạo diễn viên, nhạc công kế cận; Nguồn nhân lực còn hạn chế về số lượng, chất lượng chuyên môn, nguồn nhân sự chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội, chưa đủ sức thu hút đông đảo khán giả, các tác phẩm nghệ thuật mới chưa dược đầu tư lớn trong công tác dàn dựng trước khi biểu diễn trước công chúng; Quá trình thực hiện và đổi mới cơ chế chính sách đặc thù cho nghệ sỹ còn chậm, bất cập dẫn đến người lao động không thực sự toàn tâm toàn ý với nghề; Mức kinh phí đầu tư của địa phương cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật còn hạn hẹp khiến các đơn vị nghệ thuật gặp khó khăn trong hoạt động.

Những khó khăn này cũng được đại diện các Sở địa phương nêu tại Hội nghị. Theo NSƯT Lê Tuấn Cường- Phó GĐ phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam, ngành nghệ thuật truyền thống nói chung và chèo nói riêng hiện rất khó khăn, nghệ sĩ trẻ bỏ nghề vì thu nhập thấp; không thu hút được khán giả.

Cần sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân - Ảnh 4.

Hội nghị có sự tham gia của đông đảo lãnh đạo các Sở VHTT, VHTTDL, VHTTTTDL các địa phương

Bà Trần Thị Kiều Tôn- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bến Tre cho biết: "Công tác quản lý ở địa phương khi sáp nhập các đơn vị nghệ thuật còn nhiều khó khăn, dù được Lãnh đạo tỉnh quan tâm. Trong đó có khó khăn về nhân sự, kinh phí. Năm 2022, hoạt động của Trung tâm văn hóa của tỉnh gồm các đoàn nghệ thuật sáp nhập vào nhau nhưng chỉ có 1.7 tỉ ngân sách cho các hoạt động sự nghiệp. Để hoạt động, sáng kiến của Trung tâm văn hóa tỉnh Bến Tre kết hợp với các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp với các hoạt động quần chúng để lan tỏa đến các địa phương nhờ đó tạo sức mạnh tổng hợp, vừa hạn chế được kinh phí".

"Với những vở diễn dài đòi hỏi đầu tư cao 1 năm tập trung 1 vở. Ngoài ra dựng những vở ngắn, phục vụ du lịch. Vở ngắn được du khách yêu thích, vừa bảo tồn phát huy nghệ thuật truyền thống, vừa tạo nguồn thu cho nghệ sĩ"- bà Trần Thị Kiều Tôn chia sẻ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, sau gần 3 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2022 đánh dấu sự trở lại và thích ứng mạnh mẽ của ngành VHTTDL trong đó đặc biệt là lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Đánh giá cao những kết quả của các đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương đã đạt được trong năm qua, Thứ trưởng cũng ghi nhận và chia sẻ những khó khăn mà các đơn vị nghệ thuật biểu diễn phải đối mặt như thiếu kinh phí, thiếu cơ chế tăng thu nhập cho các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống.

Thứ trưởng cho biết, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển văn hóa trong đó có nghệ thuật biểu diễn. Thời gian qua, thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các ngành, các cấp và các địa phương càng quan tâm đến việc phát triển văn hóa.

Cần sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân - Ảnh 5.

Quang cảnh Hội nghị

Thứ trưởng cho rằng, trong thời gian tới, cơ quan quản lý trung ương và địa phương tiếp tục phối hợp tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để tiếp tục lặp lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên toàn quốc; ngăn chặn, hạn chế tối đa các sai phạm còn tồn tại trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Đồng thời, tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các đề án làm cơ sở triển khai thực hiện nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn tiếp tục phát triển.

"Cục Nghệ thuật biểu diễn và cơ quan quản lý địa phương cần phối hợp chặt chẽ, tiếp tục chỉ đạo và định hướng nghệ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật để sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, phản ánh chân thực những vấn đề nóng của xã hội. Định hướng thẩm mỹ cho khán giả, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới"- Thứ trưởng Tạ Quang Đông yêu cầu.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị, tăng cường hơn nữa việc giao lưu quan hệ quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn để quảng bá các giá trị độc đáo của nghệ thuật truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật của các nước trên thế giới để tiếp tục xây dựng và phát triển nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ưu tiên đặc biệt cho các đơn vị nghệ thuật địa phương trong giao lưu nghệ thuật biểu diễn với các nước trong khu vực và thế giới./.



Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ