(Tổ Quốc) - Ngày 23/8, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo về triển khai các chính sách thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
- 06.12.2023 Phát triển du lịch cộng đồng ở Xuân Sơn hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
- 05.12.2023 Đưa người lao động vùng đồng bào miền núi đi làm việc ở nước ngoài góp phần giảm nghèo bền vững
- 05.12.2023 Infographics: Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 của tỉnh Hòa Bình
Hội thảo được tổ chức với mong muốn nghe được nhiều ý kiến từ đại biểu đại diện các địa phương về thực tế tình hình triển khai cơ chế chính sách hiện nay tại các địa phương, chia sẻ kinh nghiệm tháo gỡ những khó khăn hiện nay. Trên cơ sở kết quả triển khai những năm qua, các địa phương đề xuất những giải pháp đến các Bộ, Ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm đưa chính sách vào cuộc sống.
Tại hội thảo, đại diện Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT đã báo cáo kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023 và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động trong giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, giai đoạn 2021-2023 đã thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển sản xuất cộng đồng; phát triển sản xuất theo nhiệm vụ; phát triển sản xuất đặc thù. Kế hoạch phân bổ vốn thực hiện hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (Tiểu dự án 1-Dự án 3) giai đoạn 2021-2025 là 5.500 tỷ đồng (ngân sách trung ương 3.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.000 tỷ đồng, nguồn vốn hợp pháp khác 1.500 tỷ đồng).
Kết quả, chương trình đã hỗ trợ trên 693 dự án phát triển sản xuất nông-lâm-ngư-diêm nghiệp cho khoảng 37.520 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo; tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản và thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả cho khoảng 3.587 người. Kết quả giải ngân thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt thấp, trong đó, năm 2021 được hơn 49,63 tỷ đồng (đạt 44,58% kế hoạch); năm 2022 được hơn 62,1 tỷ đồng (đạt 18,21% kế hoạch); năm 2023 được hơn 29,83 tỷ đồng (đạt 3,43% kế hoạch).
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chính sách liên quan đến Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Hệ thống văn bản hướng dẫn từ Trung ương chậm ban hành, trong khi các địa phương có quan điểm chờ hướng dẫn của Trung ương, dẫn đến công tác tham mưu, đề xuất ban hành văn bản của địa phương còn chậm. Hiện nay, cả nước mới có 43/56 tỉnh ban hành nghị quyết hướng dẫn, trong đó, đa số được ban hành vào đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, văn bản hướng dẫn còn thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất về nội dung, cơ chế và mức hỗ trợ giữa các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành với Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, việc huy động nguồn lực từ xã hội còn khó khăn. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nên sản phẩm nông nghiệp chưa tạo được sự kết nối giữa sản xuất và thị trường, chưa hình thành chuỗi liên kết, dẫn đến hiệu quả thoát nghèo gắn với hỗ trợ sinh kế phát triển sản xuất bền vững cho người nghèo còn thấp.
Công tác thông tin, tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục nên nhận thức của một bộ phận hộ nghèo còn hạn chế, chưa thực sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tái nghèo và phát sinh nghèo vẫn còn diễn ra; kết quả giảm nghèo chưa bền vững.
Chia sẻ về việc triển khai thực hiện các chính sách thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai Đoàn Ngọc Có cho biết vẫn còn một số khó khăn như: trình độ dân trí của một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; cơ sở hạ tầng ở một số khu vực còn hạn chế; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, giá cả nhiều mặt hàng nông sản thấp làm giảm thu nhập của người dân.
Đối với Tiểu dự án 1 (Dự án 3), việc thực hiện nội dung về tỷ lệ hỗ trợ và cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền để luân chuyển trong cộng đồng khi thực hiện dự án chưa hợp lý và chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Bởi lẽ, đối tượng triển khai là người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định), hộ nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo nhưng thực tế hiện nay, đa số hộ nghèo trên địa bàn các huyện thuộc diện khó khăn, bệnh tật, thiếu đất sản xuất, không có lao động ổn định… nên việc thực hiện thu hồi, quay vòng vốn theo quy định từ 5% đến 40% (theo địa bàn thực hiện dự án) là không khả thi, các hộ dân không đồng thuận, từ chối tham gia dự án.
Qua đó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai cho rằng, để triển khai thực hiện các chính sách thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong những năm tiếp theo cần khuyến khích, mở rộng hoạt động tạo việc làm công cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; áp dụng thống nhất các cơ chế, quy trình trong thực hiện chương trình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững.
Theo Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Quảng Ngãi Ngô Văn Hưng: Hàng năm cần có kế hoạch cụ thể việc tổ chức kiểm tra, giám sát Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại các địa phương. Xác định, phân loại hộ nghèo để đầu tư, hỗ trợ cho những hộ có tư liệu sản xuất, có lao động nhằm mang lại hiệu quả. Cần ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để các địa phương thực hiện.
Kết thúc hội thảo, Cục Trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT Lê Đức Thịnh đã ghi nhận, tiếp thu những ý kiến của các địa phương. Các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được tổng hợp để tham mưu các Bộ, Ngành, … lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025./.