(Tổ Quốc) - Ngày 21/11, tại Hà Nội, đã diễn ra tọa đàm quốc tế “Thành phố Sáng tạo Hà Nội - Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.
Con người quyết định sự phát triển
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: Trên chặng đường 4 năm phát triển thương hiệu "Thành phố sáng tạo" sau khi được UNESCO công nhận, Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm xung quanh chủ đề thiết kế sáng tạo. Hà Nội cũng là thành phố duy nhất của cả nước xây dựng một nghị quyết về phát triển Công nghiệp văn hóa, đó là Nghị quyết 09-NQ/TU Hà Nội Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có điều khoản riêng về lĩnh vực văn hóa sáng tạo, với việc thành phố sẽ có quy hoạch chung về thiết kế đô thị, phát triển nguồn lực cho xây dựng, phát triển Thành phố sáng tạo. Qua đó, đã cho thấy, việc phát triển thành phố sáng tạo nằm trong lộ trình, kế hoạch phát triển bài bản của thành phố Hà Nội.
"Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo ở Hà Nội cũng còn khó khăn, thách thức: Xây dựng thương hiệu ra sao, nguồn lực phát huy như thế nào, sự kết nối, tính ứng dụng và cách thể hiện bản sắc văn hóa... cũng cần phải tính đến vì hiện nay các hoạt động sáng tạo ở Hà Nội so với các thành phố sáng tạo phát triển khác còn khoảng cách khá xa. Hà Nội cũng chưa có trung tâm sáng tạo, megashow... để có thể phát huy được tiềm năng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, thưởng thức của người dân" - ông Đỗ Đình Hồng chia sẻ.
Vì vậy, theo Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, hội thảo lần này được tổ chức nhằm lắng nghe các ý kiến đóng góp của các đại biểu để Hà Nội đi tắt đón đầu trong xây dựng thành phố, khích lệ sự sáng tạo trong cộng đồng, tạo ra các sản phẩm văn hóa huy động nguồn lực sáng tạo, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân.
Tại hội thảo, đại diện các trung tâm văn hóa và sáng tạo lâu đời như Belfast, Dundee và Londonderry đã chia sẻ các bài học về thành công và thách thức trong quá trình phát huy hiệu quả giá trị của Thành phố sáng tạo, những hiểu biết và kinh nghiệm cũng như cung cấp kiến thức hữu ích của mình tới những người làm nghệ thuật sáng tạo tại Việt Nam.
Đại diện Thành phố Sáng tạo Âm nhạc Belfast Chris McCreery, năm 2021, Belfast đã trở thành Thành phố Âm nhạc UNESCO và đã tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo âm nhạc trên toàn thế giới (UCCN), đây là động lực để Belfast phát triển âm nhạc. Với Chiến lược Âm nhạc 2022-2025, Belfast đã tận dụng thương hiệu thành phố Sáng tạo UNESCO để phát triển và nuôi dưỡng âm nhạc địa phương và tôn vinh câu chuyện âm nhạc cũng như các tài năng âm nhạc của Belfast.
Để làm được điều đó, cần phải đã lấy con người, nghệ sĩ là trọng tâm để phát triển, ông Chris McCreery cho chia sẻ: "Nghệ sĩ chính là người quyết định sự phát triển của một thành phố âm nhạc. Vậy nên, chúng tôi tập trung đầu tư và tài trợ cho các nghệ sĩ, phát triển chuyên môn sáng tạo, mở rộng hợp tác, kết nối của nghệ sĩ trong nước với quốc tế và mở ra nhiều cơ hội cho tất cả mọi người trong cộng đồng. Đồng thời, chúng tôi thành lập Uỷ ban âm nhạc của thành phố, nuôi dưỡng phát triển ngành âm nhạc, đầu tư tài trợ cho lĩnh vực âm nhạc, thiết kế các cơ hội phát triển chuyên môn cho nghệ sĩ, người thực hành độc lập, doanh nghiệp, công việc tự do… một cách chuyên nghiệp; phát triển và xuất khẩu âm nhạc ra thế giới; tạo nguồn doanh nghiệp thế hệ mới cho ngành âm nhạc. Hơn nữa, chúng tôi cũng sẽ phát triển trải nghiệm sống về âm nhạc cho du khách nhằm mục đích biến Belfast trở thành điểm đến về đêm của âm nhạc".
Đại diện Thành phố Sáng tạo Thiết kế Dundee Poppy Jerratt chia sẻ: Từ trước khi được công nhận là Thành phố Sáng tạo Thiết kế UNESCO, Dundee vốn là một thành phố luôn hướng đến thiết kế và sáng tạo. Tuy nhiên, nhờ vào danh hiệu này, chúng tôi càng có thêm động lực sáng tạo, trưởng thành và cam kết bền vững.
"Để có thể phát triển Dundee trở thành một Thành phố Sáng tạo Thiết kế, chúng tôi đã mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế, tập trung vào phát triển "Con người – Thành phố - Trái đất". Chúng tôi đã tập trung tôn vinh và diễn giải tầm ảnh hưởng của thiết kế, kết nối cộng đồng với thiết kế, tác phẩm của các nhà thiết kế và cơ hội hợp tác thiết kế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đi đầu trong việc hỗ trợ các nhà thiết kế Dundee thông qua việc quảng bá tài năng của họ, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, thương mại và để họ tham gia quyết định. Đặc biệt, chúng tôi cam kết bảo vệ quyền lợi của họ. Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực tham gia Mạng lưới Thành phố Sáng tạo UNESCO, chia sẻ các dự án phát triển và kinh nghiệm với các Thành phố Sáng tạo Thiết kế UNESCO khác." – bà Poppy Jerratt nói.
Thiếu không gian để nghệ sĩ sáng tạo
Hà Nội là thành phố có sức thu hút, hội tụ rất lớn so với các thành phố khác ở Việt Nam, là thành phố với 10 triệu dân, cơ hội có rất nhiều. Nhưng đến bây giờ, so với cơ hội thì chúng ta chưa có được thứ xứng đáng với cơ hội đó.
Theo nhà sáng lập không gian sáng tạo Zone 9, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, Hà Nội có những không gian trống, bỏ hoang như các nhà máy công nghiệp, hoàn toàn có thể đưa vào khai thác nhờ ý tưởng sáng tạo của đội ngũ thiết kế. Và khi làm điều đó sẽ có rất nhiều ngành nghệ thuật như mỹ thuật, kiến trúc,.. cộng hưởng vào, từ đó sẽ giúp công việc sáng tạo thành công và thương mại hóa được sản phẩm.
Tuy nhiên, hiện nay, như chúng ta cũng thấy, những ngành công nghiệp sản xuất hay chế tạo khác đều được quy hoạch và dành cho một quỹ đất để phát triển. "Mặc dù đã nhận thức được vai trò của ngành công nghiệp sáng tạo có đóng góp vào sự phát triển đất nước nhưng trong quy hoạch, chính sách vẫn chưa có quỹ đất để cho ngành công nghiệp sáng tạo phát triển. Do vậy, khó khăn trong phát triển các không gian sáng tạo đến từ chính quỹ đất dành cho công việc này. Vì vậy, tôi mong rằng, trong thời gian tới, sẽ có những chính sách hỗ trợ, đầu tư, đặc biệt tạo không gian để cho ngành công nghiệp sáng tạo phát triển" – ông Đoàn Kỳ Thanh nói.
Đồng tình với những khó khăn mà kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh vừa nêu trong xây dựng thành phố sáng tạo, bà Poppy Jerratt cho biết: Dù Dundee đã thành công trong xây dựng thương hiệu "Thành phố sáng tạo" nhưng thành phố này cũng gặp phải những thách thức như Hà Nội đang đối mặt. Nhiều khi nghệ sĩ phải làm việc trong không gian như dưới tầng hầm.
Qua đó, bà Poppy Jerratt đề xuất: "Cần tận dụng không gian từ những cửa hàng hoạt động không hiệu quả để tổ chức, sắp đặt, thiết kế lại không gian sáng tạo mới. Qua đó, sẽ giúp mở ra nhiều không gian sáng tạo trong thành phố, thu hút đông đảo công chúng quan tâm, từ đó đem lại nhiều lợi ích cho các bên, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Ngoài ra, các thành phố nên có đội ngũ chuyên gia nòng cốt, chuyên nghiệp để hướng dẫn người dân cùng tham gia".
Cũng giống như Việt Nam và Dundee, Belfast cũng đang gặp khó khăn khi thiếu không gian để phát triển. "Chúng tôi cũng rất cần không gian để phát triển công nghiệp sáng tạo, hiện nay, Belfast có nhiều không gian bị bỏ không nhưng làm thế nào để tận dụng không gian đó, thì chúng ta phải có quy hoạch, sáng kiến và cần hợp tác với nhiều thành phố khác ở châu Âu để tận dụng thêm không gian của họ" - ông Chris McCreery nhấn mạnh.
Là người 3 lần tham gia Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội, nhà thiết kế Vũ Thảo cho rằng, việc đề cao yếu tố bản địa, bản sắc văn hóa trong các thiết kế sáng tạo cộng đồng là rất quan trọng. Bởi di sản văn hóa là nguồn lực to lớn để Hà Nội xây dựng, phát triển thành phố sáng tạo. Yếu tố thiết kế trong các lĩnh vực từ thời trang, kiến trúc, đô thị... đều chứa đựng câu chuyện văn hóa riêng.
"Vậy nên, chúng ta cần phải có không gian sáng tạo mới dựa trên nền tảng văn hóa đang có. Cần phải tôn trọng truyền thống nhưng cũng cần tiếp nhận cả những sáng tạo, thay đổi trên nền tảng truyền thống đó để tạo ra giá trị mới cho công chúng" - nhà thiết kế Vũ Thảo chia sẻ.
Tại tọa đàm, với vai trò là đơn vị phối hợp tổ chức, cũng như từng tham gia phối hợp tổ chức nhiều sự kiện sáng tạo tại Hà Nội, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam Donna McGowan khẳng định, thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, thành phố Hà Nội trong các chương trình phát triển văn hóa; đồng thời, sẽ kết nối thành phố Hà Nội với những đô thị trong mạng lưới "Thành phố sáng tạo" của UNESCO đểđẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo./.