(Tổ Quốc) - Internet phát triển mạnh mẽ, mở ra cơ hội để các nhà sáng tạo tham gia vào hoạt động âm nhạc trên không gian mạng: từ việc sáng tạo, trình diễn đến công bố tác phẩm, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, góp phần vào phát triển công nghiệp văn hoá của Việt Nam. Tuy nhiên, việc ngăn chặn hành vi xâm phạm bản quyền âm nhạc trên không gian mạng đang ngày càng trở nên phức tạp.
- 14.11.2024 Bảo vệ bản quyền tác giả tốt tạo điều kiện để phát triển công nghiệp văn hóa
- 13.11.2024 Vấn đề bản quyền đối với tác phẩm được tạo ra bởi AI tại Mỹ
- 25.10.2024 Việt Nam đang từng bước hoàn thiện các quy định pháp luật để bảo vệ bản quyền và tri thức
- 24.10.2024 Bản quyền tác giả trong phát triển điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh
Tác giả bị mất quyền với chính "con đẻ" của mình
Thời gian vừa qua, nhiều nhạc sĩ đã có kiến nghị gửi về Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để được hỗ trợ về pháp lý khi không may có những ký kết thiếu khách quan, minh bạch với một đơn vị khác làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả khi đã ký ủy thác cho Trung tâm bảo vệ và khai thác quyền tác giả đối với các tác phẩm của mình. Và hầu hết các công ty đều biết các tác giả là thành viên của VCPMC, nhưng khi mời ký hợp đồng, họ đều khẳng định việc ký kết với công ty họ không ảnh hưởng và không xung đột quyền lợi giữa tác giả với VCPMC và với công ty của họ.
Mới đây, nhạc sĩ Đài Phương Trang cũng đưa ra cảnh báo và cho biết bản thân nhạc sĩ cũng có vài lần bị mấy công ty săn đón, nhắn tin mời bán tác phẩm, nhạc sĩ cũng lưu ý các tác giả cần lưu ý tránh trường hợp ký hợp đồng rồi nhưng cứ nghĩ là chỉ để cho sử dụng thôi chứ không lường hết được hậu quả của việc mất hết quyền do những điều khoản cài cắm trong hợp đồng.
Trên thực tế, nhiều nhạc sỹ bị “vướng” phải tình trạng không thể thu được tiền bản quyền từ các nền tảng trực tuyến, khi đã “lỡ” ký hợp đồng miễn phí toàn bộ tiền tác quyền. Bởi có tình trạng, nhiều nền tảng trực tuyến đang có những điều khoản chỉ có lợi cho họ, mà không chi trả bất cứ số tiền bản quyền nào cho nhạc sỹ, nhưng tất cả đều được soạn thảo bằng tiếng Anh nên nhiều nhạc sỹ “lơ mơ” đã ký đại, khi nghe nói tác phẩm được đưa lên nền tảng trực tuyến để công chúng nghe... dẫn đến tình trạng bị mất trắng tiền bản quyền, lợi nhuận chảy vào túi người kinh doanh trực tuyến.
Bộ phận pháp lý của VCPMC cho biết, trong nhiều trường hợp thường thấy, việc cài cắm điều khoản, nội dung gây bất lợi trong một bản hợp đồng để đưa các nhạc sĩ ký diễn ra khá phổ biến, bởi họ lợi dụng chính tính cách nghệ sĩ cởi mở, phóng khoáng và trọng tình, tin vào lời nói trao đổi rồi dễ dàng ký, rồi khi ký xong cũng đưa hết cho người ta không giữ lại bản nào cả… Rất nhiều tình huống mà các nhạc sĩ, đặc biệt là các nhạc sĩ lớn tuổi, bị lợi dụng, thậm chí một số nhạc sĩ cho biết là họ đã bị lừa dối như trong trường hợp của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương với tác phẩm "Tình ta biển bạc đồng xanh". Vụ việc này diễn ra từ năm 2021, nhưng kéo dài tới tận bây giờ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Hay như trong trường hợp của nhạc sĩ Trần Thanh Tùng, tác giả của những ca khúc nổi tiếng như “Đừng ví em là biển”, “Tình khúc Nguyệt hồ”, “Biển hát lời anh ca”, cũng đã rất bức xúc khi phải đăng đàn vì một bản hợp đồng bị đánh tráo khái niệm. Ông cũng thừa nhận bản thân còn non nớt về mặt pháp lý nên đã bị lừa gạt. Bởi sau khi ký một tuần, không nhận được bản chính hợp đồng như thỏa thuận, rồi 2 tháng vẫn không thấy đâu. Liên hệ điện thoại không được nên ông đã lần theo địa chỉ tới công ty. Tuy nhiên, họ tiếp nhạc sĩ ở quán nước với một bản hợp đồng đưa trả lại không có dấu công ty, không có dấu giáp lai giữa các trang...
Sau khi mang thắc mắc hỏi một người bạn, nhạc sĩ Thanh Tùng đã biết hợp đồng bị đánh tráo, sửa chữa, có dấu hiệu lừa dối nên ông đã gửi kiến nghị lên Cục Bản quyền tác giả đề nghị không cấp giấy ủy quyền cho công ty tư nhân vì hợp đồng không ghi rõ họ tên tác giả nhạc và tác giả lời. Đồng thời cũng gửi đơn đề nghị VCPMC thay mặt nhạc sĩ tiến hành các bước chấm dứt hợp đồng và xử lý các vấn đề liên quan”. Đây cũng là một kinh nghiệm lớn cho các tác giả, nhạc sĩ cần lưu ý, và phải cẩn trọng kỹ càng hơn trước bất cứ lời đề nghị hay bản hợp đồng nào.
Cùng với các nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, Trần Thanh Tùng, Giáng Son, Ngọc Thịnh, thì nhạc sĩ Bảo Chấn cũng rơi vào tình huống rắc rối khi tác phẩm - đứa con tinh thần của mình bị xâm phạm quyền lợi và không được tôn trọng, thậm chí là bất chấp thủ đoạn để ép buộc, “bắt nạt” tác giả nhằm vô hiệu hóa quyền của chính người sáng tạo ra tác phẩm.
Theo bộ phận pháp lý của VCPMC cho biết, bản thân nhạc sĩ Bảo Chấn khi nhận thấy việc ký một bản hợp đồng ủy quyền cho đơn vị tư nhân là vội vàng, không phù hợp, thậm chí không đúng với những gì đã trao đổi miệng trước đó, nên Nhạc sĩ đã nhanh chóng đề nghị công ty tư nhân chấm dứt việc ủy quyền này từ tháng 6/2021. Tuy nhiên, mong muốn này của nhạc sĩ đã không được đơn vị này tôn trọng, khiến nhạc sĩ phải ủy quyền cho luật sư làm việc nhiều lần và chính thức khởi kiện ra Tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình từ năm 2022.
Mặc dù Bản án sơ thẩm vào năm 2023 của Tòa án đã tuyên chấp nhận yêu cầu của nhạc sĩ Bảo Chấn. Tuy nhiên đơn vị này vẫn cố tình tiếp tục gây khó khăn cho Nhạc sĩ, kháng cáo bản án sơ thẩm, khiến cho vụ án tiếp tục kéo dài. Điều này khiến một người nhạc sĩ lớn tuổi như nhạc sĩ Bảo Chấn cảm thấy vô cùng mệt mỏi, thất vọng.
Thêm 01 năm nữa vất vả đi đòi lại tác phẩm của chính mình thì cuối cùng Bản án phúc thẩm đã được tuyên “y án sơ thẩm”, một lần nữa công lý vẫn luôn đứng về phía Nhạc sĩ, sự thật được sáng tỏ, tác phẩm và quyền định đoạt tác phẩm đã được trở về với Tác giả. Song, toàn bộ vụ việc và cả sự dai dẳng đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sức khỏe và tinh thần của Nhạc sĩ.
Chưa tính đến chi phí tốn kém về luật sư, lập vi bằng, thu thập chứng cứ, rồi đi lại không biết bao nhiêu lần từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội… để khiếu nại giải quyết tranh chấp và theo đuổi vụ kiện trong suốt hơn 03 năm ròng rã đó ở cả hai giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm (từ 2021 đến 2024), thì bên cạnh đó, khoản thu nhập bản quyền của nhạc sĩ Bảo Chấn cũng gặp phải tình trạng xung đột, tạm dừng chưa thể nhận trong một khoảng thời gian dài, do phải chờ bản án, quyết định Phúc thẩm của Tòa để thi hành. Hệ lụy này là điều mà tác giả không thể ngờ tới. Đây cũng là bài học kinh nghiệm để giúp các nhạc sĩ, tác giả cần ý thức rõ hơn về việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, thận trọng trước bất cứ giao dịch nào nhằm tránh những rắc rối, vất vả và thiệt hại không đáng có.
Cẩn trọng lựa chọn những đơn vị đủ năng lực
Nói về những hợp đồng bị đánh tráo khái niệm, dẫn đến tình trạng xung đột bản quyền, nhạc sĩ Giáng Son cho biết: “Một trong những chiêu trò vi phạm đó là gài trong hợp đồng những điều khoản bất lợi cho tác giả, nếu tác giả không đọc kỹ sẽ thiệt hại rất lớn về bản quyền lâu dài. Nên trước khi đặt bút ký bất kỳ một hợp đồng nào, mong các tác giả hãy đọc kỹ hoặc nhờ luật sư tư vấn xem xét”.
Quan điểm của nhạc sĩ Giáng Son là quyền tác giả luôn phải được tôn trọng. "Các bên sử dụng, khai thác cần phải có trách nhiệm rõ ràng, không thể cứ lạm dụng cơ chế của các nền tảng hay đơn vị trung gian mà đổ vấy cho nhau, thoái thác và vô trách nhiệm… để rồi cuối cùng, người nhạc sĩ, người sáng tác phải chịu không ít những tổn hại, bức xúc, ảnh hưởng đến tác phẩm cũng như ảnh hưởng đến tinh thần, động lực sáng tạo của người nghệ sĩ - Nhạc sĩ Giáng Son nhấn mạnh.
Là một trong những nhạc sĩ ký ủy thác với VCPMC từ những ngày đầu, nhạc sĩ Hoài An giải thích thêm: “Sau khi tác giả qua đời, quyền tác giả vẫn được bảo đảm đến 50 năm cho người thừa kế. Do đó, ủy quyền cho ai, lĩnh vực nào, thời gian bao lâu... đều tác động trực tiếp đến quyền lợi của tác giả. Rà soát các tác phẩm đã ủy quyền, đọc kỹ và hiểu đúng các điều khoản... cũng không phải là chuyện đơn giản. Thực tế đã có hợp đồng “cài cắm” câu từ, định nghĩa... gây ra nhiều bất lợi cho tác giả”.
Pháp luật Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam, đáp ứng đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền tác giả trong môi trường số đang ở mức báo động. Các hành vi xâm phạm từ quyền tài sản (như các quyền sao chép, quyền phái sinh, quyền biểu diễn, quyền phát sóng, truyền đạt, tác phẩm…) cho đến quyền nhân thân (quyền công bố tác phẩm, quyền đặt tên, đứng tên tác phẩm, bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm…) vẫn đang diễn ra khá phức tạp với nhiều chiêu thức khác nhau. Bên cạnh việc vi phạm trên nền tảng công nghệ số, có xảy ra nhiều trường hợp xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực biểu diễn, tổ chức biểu diễn…
Nhiều đơn vị tìm cách né tránh, không thực hiện quy định xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả, dẫn đến việc quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả bị xâm phạm, thiệt hại và không được tôn trọng, gây nên nhiều bức xúc cho người sáng tạo và cả trong dư luận. Một hiện tượng phức tạp, khó lường và gây nhiều tổn hại, nhiều bức xúc hơn nữa đó chính là xuất hiện ngày càng nhiều các dạng giao dịch chuyển giao hay ủy quyền thiếu minh bạch, thiếu trung thực, lợi dụng cài cắm câu chữ trong hợp đồng gây nhầm lẫn để chiếm đoạt quyền sở hữu tác phẩm hoặc quyền sử dụng toàn bộ kho tác phẩm với hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng nghìn bài chỉ bằng một cái giá vô cùng rẻ mạt và lừa gạt. Sự xuống cấp về đạo đức kinh doanh của một số tổ chức, cá nhân này thật sự đang ở mức báo động, đáng lên án và rất cần chung tay ngăn chặn.
Vấn đề khai thác âm nhạc trên môi trường số đang là chủ đề nóng và rất được quan tâm hiện nay. Nhiều hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế được tổ chức, Theo đó, các chuyên gia về bản quyền khuyến nghị, để bảo đảm thực thi bảo hộ quyền tác giả, ngoài hệ thống pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia, thì chính những người sáng tạo - chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan cũng cần hiểu rõ quyền lợi hợp pháp của mình, cẩn trọng lựa chọn những đơn vị đủ năng lực để bảo vệ tài sản của chính mình./.