• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Căng thẳng leo thang Mỹ - Iran: Đâu sẽ là chiến lược cân bằng cho hai nước?

Thế giới 31/08/2020 20:57

(Tổ Quốc) - Theo tờ National Review, căng thẳng liên tục gần đây với Iran đã khiến Mỹ muốn áp đặt các trừng phạt mạnh mẽ lên quốc gia này.

Để làm điều này, Tổng thống Trump đã tiến tới kích hoạt cơ chế "snapback" - khôi phục trừng phạt quốc tế lên Iran vốn dĩ phải tạm ngừng theo nội dung thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

Căng thẳng leo thang Mỹ - Iran: Đâu sẽ là chiến lược cân bằng cho hai nước? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ảnh: Reuters

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có Nga, Trung Quốc và các đồng minh châu Âu của Mỹ đã ngăn chặn nỗ lực trên của Washington bởi các quốc gia này muốn tiếp tục cùng Iran duy trì thỏa thuận hạt nhân mà không có Mỹ.

Vào ngày 25/8, Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã từ chối chấp thuận đề xuất rút lui của Mỹ. Làm như vậy đồng nghĩa với việc các thành viên Liên Hợp Quốc đang lựa chọn cách thức khác để đối phó với các hành động khiêu khích cũng như các vi phạm về Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) của Tehran.

Các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đưa ra lập luận rằng việc duy trì Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và cố gắng kiềm chế năng lực hạt nhân của Iran thông qua Liên Hợp Quốc không nằm trong lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Năm 2018, khi tình báo Israel tiết lộ hàng nghìn trang liên quan đến "Kho lưu trữ hạt nhân" của Iran, đây được coi là sự ngầm định cáo buộc rằng Iran đã vi phạm thỏa thuận JCPOA và có hoạt động bí mật về vũ khí hạt nhân vào thời điểm đó. Theo tình báo Israel, Iran đã không hề khai báo mà tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân. Israel cũng cho rằng, Iran đã san bằng một trong những cơ sở cũ và bỏ trống một cơ sở khác trước khi các thanh tra viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) được điều đến quốc gia này.

Theo National Review, việc Iran lờ đi các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân đã dẫn đến căng thẳng nghiêm trọng với IAEA. Ngoài việc từ chối hợp tác điều tra của IAEA, trong khoảng thời gian tháng 5/2019 và tháng 1/2020, Iran dường như được cho là đã ra khỏi các cam kết về JCPOA. Tehran hiện đang tiếp tục làm giàu uranium trên mức tối đa cho phép là 300kg theo thỏa thuận và nước này cũng sản xuất uranium làm giàu vượt quá giới hạn 3,67% uranium. Iran cũng được cho là đang tiếp tục kích hoạt các máy ly tâm làm giàu uranium tiên tiến.

Theo National Review, IAEA vào ngày 26/8 đã tuyên bố rằng Iran đã chấp thuận cho phép IAEA vào thanh tra tại hai địa điểm hạt nhân thuộc diện nghi ngờ của Cơ quan này. Trước phản ứng này, Iran dường như đang nhượng bộ để "lấy lòng" Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ngăn cản việc rút lại các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, quan trọng hơn, cả IAEA cũng đang thể hiện sự nhượng bộ của mình. Quy trình giám sát và thanh tra chỉ giới hạn trong hai địa điểm theo đề nghị mặc dù vẫn để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục các cuộc thanh tra tiếp theo trong thời gian tới. Theo tờ báo, IAEA có thể không hề muốn thực hiện điều tra hàng chục khu hạt nhân khác của Iran. Và như vậy, Iran đã chiến thắng đậm trong động thái này.

Cách cư xử được cho là ngày càng khiêu khích của Tehran đã dẫn đến một số xung đột quân sự trong năm ngoái và khiến Mỹ đã phải đưa ra lý do thêm để kích hoạt cơ chế 'snapback' - khôi phục trừng phạt quốc tế lên Iran.

Mối đe dọa từ kho vũ khí tên lửa của Iran tiếp tục gia tăng trong năm nay cùng với các vụ thử tên lửa và máy bay không người lái tien tiến với tầm bắn và độ chính xác cao hơn.Các tên lửa hành trình 358 được thiết kế để đối phó với các máy bay trực thăng quân sự của Mỹ. Vào tháng Hai năm ngoái, Hải quân Mỹ đã đánh chặn hai chuyến hàng tên lửa do Iran gửi đến phiến quân Houthi ở Yemen.

Danh sách liệt kê các hành động thách thức và đe dọa của Iran là bằng chứng cho rằng chính Tehran đã vi phạm quy tắc trong thỏa thuận hạt nhân 2015. Chính điều này khiến Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, và như đã định, Washington lại tiếp tục chiến lược gây áp lực tối đa lên Tehran. Hành động của Mỹ sẽ khiến quốc gia Hồi giáo hạn chế khả năng tiếp cận cộng nghệ sản xuất vũ khí hạt nhân tiên tiến. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bác bỏ đề xuất của Mỹ nhằm gây sức ép tăng cường với Iran. Ngày 14/8, Hội đồng Bảo an đã bác bỏ đề xuất của Mỹ để mở rộng lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc lên Iran. Hội đồng Bảo an cũng từ chối việc kích hoạt lại cơ chế tăng cường trừng phạt đối với Iran bởi vì phần lớn các thành viên của Hội đồng đều muốn bảo vệ thỏa thuận hạt nhân nhằm kiềm chế năng lực hạt nhân của Tehran.

Phản ứng trước động thái của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nói rằng: "Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ vai trò nào của Hội đồng Bảo an và Mỹ sẽ tự dẫn đầu hành động".

Việc không chấp thuận của Hội đồng Bảo an đối với Mỹ liên quan đến gia tăng áp lực vào Iran phần nào phản ánh các nỗ lực dường như chậm lại của Liên Hợp Quốc. Giới chuyên gia gợi ý rằng, có lẽ cần phải có sự lãnh đạo toàn cầu quyết đoán của Mỹ chăng?

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ