(Tổ Quốc) - Đức không chấp nhận loại bỏ Huawei trong kế hoạch xây dựng mạng lưới di động 5G của mình.
Với tuyên bố của Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng, Berlin có thể tự định nghĩa và theo dõi các tiêu chuẩn an ninh quốc gia của mình, có vẻ như Đức không "để tâm" đến những quan ngại an ninh mà Mỹ đưa ra liên quan tới thiết bị điện tử do "gã khổng lồ" công nghệ Huawei sản xuất. Hôm thứ Tư (13/3), Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cũng cho biết, chính phủ nước này không có kế hoạch cấm Huawei tham dự đấu thầu các dự án thuộc mạng lưới di động 5G sắp tới.
Washington đã nhiều lần cáo buộc tập đoàn viễn thông Trung Quốc đánh cắp thông tin thương mại, đồng thời là gián điệp cho chính quyền Bắc Kinh. Mỹ cũng phát động một chiến dịch gây sức ép lên các đồng minh và đối tác châu Âu, trong đó có cả Berlin, để không cho phép Huawei dính dáng tới các hạ tầng cơ sở internet châu Âu. Tuy nhiên, Huawei kiên quyết phủ nhận những tuyên bố bất lợi về mình. Tuần trước, họ thậm chí còn kiện Mỹ với lý do, lệnh cấm của Washington, không cho các cơ quan chính phủ Mỹ được sử dụng các sản phẩm của Huawei – là không phù hợp với hiến pháp.
Theo nhà sử học kinh tế người Đức Alexander von Witzleben, hạ tầng cơ sở internet chỉ là vấn đề mới nhất trong một loạt căng thẳng đang ngày càng gia tăng giữa Berlin và Washington.
Nếu Đức quyết định không cấm triển khai các thiết bị 5G của Huawei, đó không phải là xung đột đầu tiên trong quan hệ song phương Đức – Mỹ, vốn đã phải đối mặt với nhiều vấn đề như đường ống Nord Stream, mức thuế của Mỹ áp dụng lên thép và dự kiến là lên xe ô tô.
Alexander von Witzleben
"Nếu Đức quyết định không cấm triển khai các thiết bị 5G của Huawei, đó không phải là xung đột đầu tiên trong quan hệ song phương Đức – Mỹ, vốn đã phải đối mặt với nhiều vấn đề như đường ống Nord Stream, mức thuế của Mỹ áp dụng lên thép và dự kiến là lên xe ô tô", chuyên gia này giải thích với hãng tin Nga Sputnik.
Ông Witzleben nhận định, Huawei chỉ là một phần trong cuộc xung đột thương mại rộng lớn hơn giữa Mỹ và Uỷ ban châu Âu; và ở một mặt khác, là cả cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Điều quan trọng hơn ở đây là trong cuộc chạy đua toàn cầu về phát minh tốc độ cao, Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu trong các lĩnh vực công nghệ chủ chốt, như ô tô điện, tàu tốc độ cao, viễn thông, quang điện và tái tạo… Nó có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc không còn dựa vào các công nghệ nhập khẩu từ phương Tây như những gì từng xảy ra từ 20 năm trước. Quyết định không mua thiết bị 5G từ Huawei sẽ khiến việc đưa 5G vào hoạt động tại các nước thành viên EU bị trì hoãn thêm vài năm, từ đó làm chậm lại quá trình biến đổi số hóa ngành công nghiệp và dịch vụ vốn đang rất cấp thiết", nhà sử học kinh tế cảnh báo.
Chuyên gia người Đức đánh giá, cả châu Âu và Đức thực tế có lợi nếu mua thiết bị từ tập đoàn Trung Quốc, thay vì các nhà cung cấp hạ tầng cơ sở internet truyền thống như Nokia, Cisco Systems và Ericsson. Theo ông, những tập đoàn này "đưa ra mức giá cao hơn cho những công nghệ kém phát triển và thiếu tin cậy hơn" so với Huawei.
Huawei mới đây đã khởi kiện Mỹ về lệnh cấm các cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng thiết bị do hãng này cung cấp (ảnh: getty)
Đáng lưu ý, ông Witzleben tin tưởng, Berlin sẽ không thay đổi chính sách của mình liên quan tới Huawei, ít nhất là trong thời gian ngắn, nhất là khi các cáo buộc của Washington rằng thiết bị Trung Quốc đi kèm với các nguy cơ gián điệp là "không dựa trên thực tế". Thay vào đó, ông miêu tả đó là một "cách tiếp cận theo phong cách thế kỷ 19" của Tổng thống Mỹ Donadl Trump, nhằm tìm cách giảm thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc.
Tuần trước, tờ Wall Street Journal đưa tin, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã gửi cho chính phủ Đức một lá thư, trong đó cảnh báo họ không nên mua thiết bị 5G do Huawei sản xuất. Bức thư được cho là đã đe dọa sẽ hạn chế hợp tác chia sẻ thông tin tình báo giữa Mỹ và Đức, nếu Berlin quyết định làm ăn với Huawei.
Thủ tướng Angela Merkel từng hứa sẽ thảo luận với EU và Mỹ về sự tham gia của tập đoàn Trung Quốc vào lĩnh vực viễn thông thông tin tại Đức. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh, Berlin sẽ tự định nghĩ "các tiêu chuẩn của mình". Lập trường của bà Merke nhận được sự đồng tình của Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer. Theo ông Seehofer, việc không cho phép Huawei tham gia vào quá trình xây dựng mạng lưới di động 5G "sẽ để lại một dấu vết" cho tiến trình phát triển kinh tế.
Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schoroeder cũng chỉ trích chính sách đối ngoại của chính phủ Merkel vì đã không đủ cứng rắn với Mỹ giữa những đe dọa về hợp tác tình báo. Ông khẳng định, nếu là Thủ tướng hiện tại, ông sẽ đấu tranh hết sức để châu Âu có thể đạt được "sự độc lập đáng kể với chính sách đối ngoại và kinh tế của Mỹ".