(Tổ Quốc) - Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đang làm sâu sắc thêm rạn nứt giữa hệ thống tài chính của hai nước này - một xu hướng có thể đe doạ đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Theo tờ Nikkei Asia, ở Mỹ, đã có những động thái loại trừ cổ phiếu Trung Quốc khỏi các chương trình lương hưu công cộng lớn. Về phần mình, Trung Quốc cũng đã thắt chặt các quy định ngăn các công ty của họ niêm yết trên sàn chứng khoán ở Mỹ và các nơi khác. Những điều này đánh dấu sự đảo ngược mạnh mẽ quá trình quốc tế hóa tài chính đã kéo dài hàng thập kỷ.
Cứng rắn hơn với tài chính Trung Quốc
Ron DeSantis, thống đốc bang Florida, Mỹ, gần đây đã thông tin về "một cuộc khảo sát tất cả các khoản đầu tư của hệ thống hưu trí Florida (FRS) nhằm xác định chính phủ Mỹ có bao nhiêu tài sản liên quan đến các công ty Trung Quốc". Những chính trị gia theo phe cứng rắn tại Mỹ từ lâu đã tranh cãi về việc rút đầu tư vào các đơn vị Trung Quốc.
DeSantis là một chính trị gia hàng đầu của Đảng Cộng hòa. Từng phục vụ trong Hải quân và có bằng luật tại Đại học Harvard, ông thường được nhắc đến như một ứng cử viên tổng thống tiềm năng vào năm 2024. Do đó, động thái của ông có thể được coi là một lời kêu gọi có tính toán đối với lực lượng bảo thủ của đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ quan trọng trong năm 2022. Các quỹ hưu trí trên khắp các bang miền đông nước Mỹ cũng có thể sẵn sàng làm điều tương tự khi họ nhận được yêu cầu xem xét các khoản đầu tư liên quan đến Trung Quốc.
Ở nước Mỹ, nơi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chia rẽ mạnh mẽ về nhiều vấn đề, đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc ngày càng là một vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm. Ví dụ như trong hoạt động của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung (USCC), được Quốc hội thành lập dựa theo sự cân bằng lưỡng đảng. Các khuyến nghị của cơ quan này vừa qua đã là nền tảng cho hoạt động siết chặt quy định đối với các nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc. Báo cáo thường niên năm 2021 của USCC, được công bố vào tháng 11/2021, đã thảo luận về "kết nối tài chính Mỹ - Trung". Báo cáo này khuyến nghị Quốc hội Mỹ yêu cầu Bộ Tài chính cung cấp "bản cập nhật hàng năm về danh mục đầu tư của Mỹ ở Trung Quốc". Và động thái của bang Florida có thể được coi là một phản ứng đối với khuyến nghị của USCC.
Trước đó, dưới thời ông Donald Trump, Mỹ đã cấm đầu tư vào các công ty Trung Quốc có liên quan tới lực lượng quân sự. Lệnh cấm này được chính quyền Biden mở rộng. Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) cũng đã đưa ra các quy tắc khiến các công ty Trung Quốc khó niêm yết tại Mỹ. Trong báo cáo của mình, USCC cũng khuyến nghị rằng các nhà cung cấp chỉ số chứng khoán, bao gồm chứng khoán Trung Quốc, như MSCI, phải chịu sự điều chỉnh của SEC.
Cạnh tranh tiền tệ Trung – Mỹ
Trong khi đó, Trung Quốc cũng có hành động của riêng mình. Nước này đang hướng tới việc giúp các công ty nội địa có thể huy động vốn để tăng trưởng tại quê nhà, bao gồm thành lập một sàn giao dịch chứng khoán mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Bắc Kinh.
Cliff Kupchan, chủ tịch công ty phân tích rủi ro Eurasia Group có trụ sở tại New York, lưu ý rằng Trung Quốc đang cố gắng quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. Ông nói: "Trung Quốc hy vọng rằng nỗ lực tăng thêm vốn dưới các hình thức khác sẽ giúp nước này quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. "Động lực đó khó có thể đối chọi với sức ảnh hưởng của đồng đô la Mỹ ngay lúc này nhưng điều đó có thể thành hiện thực trong nhiều thập kỷ", theo ông Cliff Kupchan.
Mối quan hệ tài chính Trung-Mỹ đã có nhiều sự liên kết trong thập kỷ qua. Các nhà đầu tư Mỹ nắm giữ gần 1,2 nghìn tỷ USD chứng khoán và các khoản nợ của Trung Quốc, tính đến cuối năm 2020. Trong khi các nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ 2,1 nghìn tỷ USD giá trị chứng khoán và nợ của Mỹ, công ty nghiên cứu Rhodium Group của Mỹ ước tính.
Đối với Trung Quốc, Mỹ là một đối tác thương mại tài chính quan trọng và các công ty Trung Quốc cũng dựa vào giá trị hoạt động thương mại để chi vốn. Mặt khác, các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân ở Mỹ cũng dần chuyển sang Trung Quốc để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
Tài chính, liên quan đến việc trao đổi rủi ro và lợi nhuận, đã được toàn cầu hóa trong nhiều thập kỷ vì nó hiệu quả hơn khi có càng nhiều nhà đầu tư tham gia càng tốt. Nhưng nếu tình trạng chia rẽ trong hệ thống tài chính tiếp tục diễn ra do xung đột chính trị, nó sẽ tác động tới động cơ tăng trưởng toàn cầu khi số vốn cần để phát triển tăng lên.