(Tổ Quốc) - Vụ phóng tên lửa ngày 4/7 của Triều Tiên gây phức tạp tình hình quốc tế .
Tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên đạt độ cao 2.802km và bay xa 933km, bắn trúng mục tiêu trên biển phía Đông sau khi bay 39 phút. Giới quan sát thừa nhận đây là vụ thử thành công nhất của Triều Tiên.
Tên lửa được phóng ở góc lớn hơn 45 độ, cho phép nó bay cao hơn nhưng lại di chuyển với cự ly ngắn hơn trên mặt đất. Từ độ cao này, người ta tính lại khoảng cách xa nhất mà nó sẽ bắn tới khi được phóng với góc độ lý tưởng là 45 độ: Hiện tại, các ước tính cho thấy quả tên lửa này có thể bay xa tới 4.800-6.500 km. Điều này có nghĩa là phần lớn khu vực Alaska (Mỹ) nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Đây là tầm bắn xa nhất mà Triều Tiên đạt được.
Thời khắc nhạy cảm
Vụ bắn tên lửa diễn ra ngày 4/7 Quốc khánh Mỹ là hành động khiêu khích. Triều Tiên cố tình làm tình hình thêm phức tạp với tuyên bố tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân. Tổng thống Hàn Quốc đánh giá vụ thử cho thấy công nghệ tên lửa Triều Tiên đạt tiến bộ sớm hơn dự kiến.
Vụ thử tên lửa ngày 4/7 làm cho tình hình quốc tế thêm phức tạp. |
Triều tiên gửi đến nước Mỹ bức thông điệp kép: Bắn tới lãnh thổ Mỹ là động cơ của chương trình tên lửa Triều Tiên; Bình Nhưỡng hướng tới Mỹ tìm sự công nhận, vừa là đối thủ vừa là bên đối thoại.
Bình Nhưỡng phớt lờ áp lực của cộng quốc tế, cũng như cấm vận của Liên hợp quốc. Triều tiên là nguyên nhân gây căng thẳng mới quan hệ Mỹ-Trung. Mỹ thất vọng việc Trung Quốc chưa gây áp lực đủ mạnh để ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí chiến lược.
Bước ngoặt nguy hiểm?
Tên lửa Hwasong-14 có thực sự là một bước tiến lớn trong chương trình tên lửa của Triều Tiên?
Tầm bắn vẫn chưa đủ uy hiếp nước Mỹ. Một tên lửa phải có khả năng mang đầu đạn hạt nhân 450-680 kg bắn trúng mục tiêu. Dù Triều Tiên nói họ có thể tấn công các thành phố của Mỹ bằng vũ khí hạt nhân không có nghĩa là họ có thể làm được điều đó.
Nga và và Mỹ đều cho rằng đây là tên lửa đạn đạo tầm trung chứ không phải liên lục địa, không gây nguy cơ đối với khu vực Bắc Mỹ. Nga và Trung Quốc muốn hạ thấp ý nghĩa của vụ thử tên lửa 4/7. Nhưng, nếu các hành động của Triều Tiên có thể gây rối loạn bàn cờ chiến lược của Mỹ ở châu Á thì cũng phù hợp lợi ích địa chính trị của Moscow và Bắc Kinh. Mỹ không thể đơn phương giải quyết vấn đề Triều Tiên mà không có hợp tác của hai nước này. Hai nước đang phối hợp để gây sức ép trở lại Mỹ và dùng lá phiếu veto để che chở Bình Nhưỡng.
Máy bay ném bom chiến lược B-1B bay qua Biển Đông đến tham gia tập trận ở khu vực bán đảo Triều Tiên |
Chưa có bằng chứng rõ ràng tên lửa Triều Tiên được trang bị đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, phía Mỹ đánh giá vụ thử 4/7 là bước phát triển nguy hiểm. Mỹ dùng vấn đề này để tập hợp lực lượng, tiến hành “hành động toàn cầu” chống Triều Tiên và gây áp lực lên Trung Quốc và Nga.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cho biết trong những ngày tới bà sẽ đệ trình một nghị quyết bao gồm một loạt biện pháp trừng phạt mới, tác động đến cả lĩnh vực hàng không và biển, những giao dịch tiền tệ và xuất khẩu dầu lửa sang Triều Tiên.
Bà Haley còn phát đi tối hậu thư: “Có những quốc gia đang cho phép, thậm chí khuyến khích, giao thương với Triều Tiên mặc dù vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các quốc gia này cũng muốn tiếp tục có quan hệ thương mại với Mỹ. Điều này sẽ không xảy ra. Thái độ của chúng tôi trong lĩnh vực thương mại sẽ thay đổi khi các quốc gia không thật sự coi trọng những mối đe dọa an ninh quốc tế”.
Có thể có biện pháp cấm vận tổng lực như bà Haley nói không? Mỹ không thể phong tỏa đất liền nơi Triều Tiên tiếp giáp Trung Quốc và Nga.
Sáng kiến hòa bình
Tổng thống Moon Jae-in ngày 6/7 tuyên bố ông ủng hộ đối thoại với Triều Tiên bất chấp “hành động khiêu khích hạt nhân” trong vụ phóng tên lửa đầu tuần (!). Ông đưa ra sáng kiến hòa bình liên Triều với 4 hành động. Nhưng Bình Nhưỡng chưa đáp ứng.
Đàm phán chính trị-ngoại giao dẫn tới đóng băng chương trình hạt nhân và tên lửa; bình thường hóa quan hệ giữa các nước thù địch hiện nay; Mỹ công nhận chế độ Bình Nhưỡng và cam kết không can thiệp lật đổ - đó là giải pháp hợp lý có thể mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Chính quyền Trump không có phương sách nào hơn ngoài gây áp lực quân sự, tăng cường cấm vận, mở khả năng thương lượng. Có thể, chính quyền hiện nay phải quay lại áp dụng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của chính quyền Obama: Cô lập Triều Tiên với thế giới thông qua các lệnh trừng phạt để trì hoãn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, thúc đẩy Trung Quốc giúp cắt nguồn hàng tới Triều Tiên, và duy trì các biện pháp răn đe trên bán đảo Triều Tiên như nhiều thập kỷ qua. Vòng luẩn quẩn sắp bắt đầu./.