(Tổ Quốc) - 'thông báo cấp cao hiếm hoi về vụ thử nghiệm' tên lửa của Trung Quốc gần đây là một phản ứng đối với động thái triển khai hệ thống tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc.
Các nhà phân tích nói rằng 'thông báo cấp cao hiếm hoi về vụ thử nghiệm' tên lửa của Trung Quốc gần đây là một phản ứng đối với động thái triển khai hệ thống tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc vào tháng trước.
Các lực lượng tên lửa của Trung Quốc (PLARF) đã thử nghiệm một loại tên lửa mới nhằm vào vùng biển phía tây nước này – nằm không xa bán đảo Triều Tiên.
Vụ phóng tên lửa được cho là một tín hiệu phản ứng về THAAD. (Nguồn: Reuters) |
Lực lượng tên lửa quân đội Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm một loại tên lửa mới tại một khu vực ở [Biển] Bột Hải trong những ngày gần đây và đạt được những kết quả như mong muốn ", Bộ quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố công khai hiếm hoi ngày 9/5.
Trong một tuyên bố ngắn, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ghi nhận rằng các vụ thử đã diễn ra trong "những ngày gần đây" và được thực hiện phù hợp với kế hoạch đào tạo hàng năm của PLARF. Các cuộc thử nghiệm hoạt động của tên lửa mới được cho là thành công và "đạt được kết quả như mong đợi."
Thông báo cũng cho biết vụ thử nghiệm nhằm tăng cường khả năng của quân đội để chống lại các mối đe dọa an ninh quốc gia. Tuyên bố trên không nói rõ về chủng loại tên lửa được thử nghiệm hay thời điểm diễn ra vụ thử - tuy nhiên, động thái này có thể nhằm vào Hàn Quốc và Mỹ, SCMP dẫn lời các nhà quan sát cho biết.
Đồn đoán về chủng loại tên lửa
Chuyên gia phân tích quân sự Hongkong Liang Guoliang cho biết tên lửa của Trung Quốc có thể đã được phóng lên từ khu vực tây bắc của Trung Quốc đại lục, có thể ở Tân Cương hoặc tỉnh Cam Túc, với đầu đạn rơi xuống biển Bột Hải.
"Tên lửa này có thể được lực lượng tên lửa Trung Quốc phóng từ hướng tây bắc về phía đông, với tầm bắn từ 2.000km trở lên. Dường như đây là loại tên lửa tầm trung được nâng cấp DF-26B, một biến thể cải tiến của DF-26, "Liang nói. "Căn cứ vào khu vực đầu đạn rơi xuống, vụ thử rõ ràng là nhằm vào THAAD ở Hàn Quốc."
Theo The Diplomat, giả thuyết về tên lửa DF-26 được suy luận chủ yếu từ một video được đăng lần đầu tiên trên Internet vào ngày 23/4 cho thấy hiện trường một vụ phóng tên lửa – được cho là biến thể mới của tên lửa đạn đạo DF-26 ở Nội Mông, một khu tự trị nằm ở phía bắc Trung Quốc. Trong đoạn video, dòng chữ E / ADF-26B có thể nhìn thấy rõ ràng trên các mảnh vỡ của tên lửa.
Zhou Chenming, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Knowfar cũng cho biết, "vụ thử nghiệm có thể liên quan đến biến thể của các loại tên lửa mới, bao gồm DF-21, DF-26 và các loại biến thể khác của Dongfeng."
"Tên lửa được thử nghiệm có thể là tên lửa chống tàu chiến DF-26A mới được phóng từ một bãi thử vũ khí hải chiến ở phía Nam Liêu Ninh", nhà quan sát quân đội từ Macao, Antony Wong Dong nói.
Tuy nhiên, theo The Diplomat, PLARF cũng có thể thử nghiệm loại tên lửa JL-3 (hay còn gọi là JL-2A), một tên lửa đạn đạo mới phóng từ tàu ngầm– được phát triển để thích nghi với tàu ngầm hạt nhân Type 094 lớp Jin mới nhất của Trung Quốc. JL-3 được cho là có tầm hoạt động lên đến 12.000 km và được đưa vào sử dụng từ năm 2016.
Giả thuyết thứ 3 là PLARF thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21D từ các bãi phóng tại Jingyu hoặc Tonghua ở tỉnh Cát Lâm, cách biên giới Triều Tiên khoảng 80 km về phía bắc, The Diplomat nhận định. DF-21D – còn được gọi là “sát thủ diệt hạm” có tầm bắn ước tính 1.500-1.700 km. DF-21D được cho là đã được thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 11/2015.
Phản ứng Mỹ và Hàn Quốc
Dù là loại tên lửa nào thì giới chuyên gia nhận định vụ phóng này cũng mang theo một thông điệp nhắm tới THAAD. Các nhà phân tích quân sự cho biết "thông báo hiếm hoi về vụ thử tên lửa trên" là động thái phản ứng đối với việc triển khai hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ (THAAD) ở Hàn Quốc. Thông báo này được đưa ra sau khi phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun hồi tháng trước cho biết Trung Quốc sẽ tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật và thử nghiệm các vũ khí mới để bảo vệ an ninh nhằm phản ứng trước việc triển khai của THAAD.
Quân đội Mỹ đã bắt đầu lắp đặt các bộ phận đầu tiên của hệ thống THAAD tại Hàn Quốc vào cuối tháng trước sau khi Triều Tiên phóng bốn tên lửa – động thái Bình Nhưỡng cho là một hoạt động của cuộc diễn tập huấn luyện nhằm vào các căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản.
Ông Zhou cũng cho biết Biển Bột Hải thường là khu vực rơi của tất cả các vụ thử tên lửa hướng ra biển trong nhiều năm qua, nhưng lần này "khá quan trọng" khi Bộ Quốc phòng ra thông báo. "Các cuộc thử nghiệm tên lửa ở gần Biển Đông có thể dấy lên sự phản đối từ một số nước", Zhou nói.
Theo nhà quan sát quân đội từ Macao, Antony Wong Dong, vụ thử nghiệm này cũng có thể nhằm vào Washington - khi đã gửi hai nhóm tấn công tàu sân bay tới vùng biển ngoài bán đảo Triều Tiên.
(Theo SCMP, The Diplomat)