(Tổ Quốc) - Tờ The Diplomat phân tích những thách thức kinh tế lớn nhất đối với Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ trong năm 2022.
Trung Quốc: Không dựa được vào Thế vận hội
Hy vọng của Trung Quốc về việc tăng cường "sức mạnh mềm" toàn cầu từ việc đăng cai Thế vận hội Mùa đông đã bị giáng một đòn mạnh bởi Covid-19 và căng thẳng địa chính trị. Mỹ và các đồng minh đang tiến hành một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội tháng hai tới tại Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, chính sách "Zero Covid" của Bắc Kinh đã không ngăn chặn được đợt bùng phát virus corona mới ở Tây An, khi thành phố 13 triệu dân bị đóng cửa trong gần hai tuần và con số ca bệnh vẫn đang tiếp tục tăng lên. Nhóm tham vấn Eurasia Group cảnh báo nếu virus corona tiếp tục lây lan, nước này có thể tăng cường phong toả, kéo theo nguy cơ gián đoạn kinh tế lớn hơn, gây sức ép lên chuỗi cung ứng và lạm phát cao hơn.
Sự can thiệp của chính phủ nước này vào nhiều ngành, từ giáo dục đến công nghệ, cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại. Gần 1,5 nghìn tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi giá trị cổ phiếu công nghệ và Internet Trung Quốc vào năm 2021, khi các nhà đầu tư nhìn lại tác động từ các chính sách "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến các doanh nhân công nghệ như Jack Ma.
Chịu ảnh hưởng của đại dịch và mức nợ gia tăng, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sụt giảm, chỉ chiếm 1/4 tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2021, giảm so với mức 1/3 trước đại dịch. Trong khi lĩnh vực bất động sản chiếm tới 30% nền kinh tế Trung Quốc, sự suy thoái bất động sản có thể tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2022, do khó khăn về nợ mà gã khổng lồ bất động sản China Evergrande phải đối mặt.
Các nhà phân tích vẫn kỳ vọng tăng trưởng GDP tích cực của Trung Quốc vào năm 2022 khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mức tăng GDP nước này sẽ ở mức 5,6%. Tuy nhiên, hai năm kể từ khi Covid-19 bùng phát, triển vọng kinh tế hiện "đáng lo ngại hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Trung Quốc dừng được đợt phong tỏa ban đầu", tổ chức tham vấn Capital Economics cảnh báo.
Nhật Bản: "Chủ nghĩa tư bản mới" đối mặt với các phép thử cũ
"Chủ nghĩa tư bản mới" của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phải đối mặt với một số phép thử truyền thống trong năm 2022, bao gồm việc hồi sinh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và ngăn chặn nguy cơ giảm phát.
Ông Kishida cũng cần giữ chân cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và các nhà đầu tư nước ngoài sau khi nhấn mạnh nhu cầu tăng lương và việc phân bổ lại của cải trong xã hội. Việc phân phối lại của cải này đến từ túi của các nhà đầu tư bao nhiêu phần trăm sẽ là một trọng tâm của thị trường tài chính. Những thách thức chiến lược kinh tế "Kishidanomics" phải đối mặt đã được tờ Nikkei của Nhật Bản nhấn mạnh khi họ xếp Nhật Bản thấp hơn so với các nền kinh tế lớn khác về tăng trưởng GDP và tiền lương thực tế.
Với việc chi tiêu của người tiêu dùng giảm và số ca Covid-19 mỗi ngày gần đây đạt mức cao nhất trong ba tháng, ông Kishida đang hy vọng sẽ thực hiện một gói kích thích tài khóa kỷ lục và lãi suất cực thấp cùng với mức tiêm phòng COVID-19 cao để giữ cho nền kinh tế phát triển.
Vào tháng 9, Nhật Bản sẽ kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh với Trung Quốc, một mối quan hệ cần được cân bằng chặt chẽ với mối quan hệ của người bảo lãnh an ninh của Nhật Bản là Mỹ. Ông Kishida đã ghi dấu ấn của mình về chính sách an ninh bằng cách tăng cường sự tham gia của Nhật Bản với các đối tác trong nhóm "Quad" (gồm 4 nước Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ), bao gồm việc ký một thỏa thuận quốc phòng mới với Australia.
Nền kinh tế nước này được dự báo sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay - mức tăng trưởng mạnh nhất trong một thập kỷ, tuy nhiên, chưa tính tới bất kỳ rủi ro bất ngờ nào từ đại dịch.
Ấn Độ: Bất bình đẳng trầm trọng
Ấn Độ sẽ kỷ niệm 75 năm độc lập trong bối cảnh áp lực kinh tế và chính trị đang gia tăng đối với Thủ tướng Narendra Modi và Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền của ông.
Về mặt kinh tế, dữ liệu GDP dường như cho thấy một bức tranh đầy màu sắc. Ấn Độ đang được coi là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới trong năm 2021, với mức tăng trưởng GDP ước tính là 9,5%.
Tuy nhiên, hoạt động của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á có phần không đồng đều. Trung tâm Nghiên cứu Pew ước tính hơn 30 triệu người Ấn Độ thuộc tầng lớp trung lưu đã bị đẩy vào cảnh nghèo đói do tác động của đại dịch virus corona và số lượng người nghèo tăng khoảng 75 triệu người.
Khi tài chính hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề, bất bình đẳng gia tăng và chi tiêu công có khả năng gặp khó khăn về tài khóa, đà phục hồi có thể bị đình trệ. Lạm phát cũng có thể tăng nhanh, đặc biệt nếu xảy ra những làn sóng lây nhiễm virus corona mới trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp.
Về mặt chính trị, đảng BJP phải đối mặt với một loạt các cuộc bầu cử cấp bang và kết quả sẽ tạo nền tảng cho cuộc bầu cử quốc gia tiếp theo vào năm 2024. Cuộc bỏ phiếu quan trọng nhất là ở Uttar Pradesh, bang đông dân nhất của Ấn Độ, chiếm khoảng 1/5 số ghế trong Quốc hội Ấn Độ.
Việc bảo đảm sự ủng hộ từ người dân sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông Modi khi ông cố gắng kéo dài nhiệm kỳ của mình hơn một thập kỷ tại vị vừa qua. Hiện tại, ông đã thể hiện ý định tiếp tục tranh cử và thu hút sự ủng hộ với việc bãi bỏ luật cải cách nông nghiệp sau khi đối mặt với các cuộc biểu tình lớn nhất đất nước kể từ khi độc lập.
Về chính sách đối ngoại, Ấn Độ phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố tiềm tàng từ Afghanistan khi Taliban lên nắm quyền lãnh đạo cùng với căng thẳng tiếp tục ở Kashmir. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất sẽ vẫn là từ đối thủ láng giềng Trung Quốc, cùng với khả năng xảy ra các cuộc đụng độ biên giới tiếp theo và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Á.
Như vậy, khi đại dịch Covid-19 ước tính xóa sổ khoảng 1,7 nghìn tỷ USD khỏi các nền kinh tế lớn nhất châu Á, khu vực này có rất nhiều việc phải làm vào năm 2022 và phần lớn đang dựa vào các "ông lớn" khu vực để dẫn dắt đà phục hồi.