• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cảnh báo khẩn về tình hình dịch Covid-19 nguy ngập tại Đức

Thế giới 26/11/2021 15:13

(Tổ Quốc) - Ngày 25/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp cho chính phủ mới kế nhiệm bà về cách phản ứng đại dịch Covid-19.

Một ngày sau khi ông Olaf Scholz, được đề xuất đảm nhiệm vị trí Thủ tướng mới của Đức, thông báo rằng liên minh cầm quyền trung tả mới của ông sẽ nhậm chức vào tháng tới, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel thông tin với các phóng viên rằng, khi nước Đức liên tục gia tăng số ca nhiễm Covid-19, "từng ngày trôi qua đều quan trọng" để ngăn chặn tình hình dịch bệnh.

"Chúng ta cần hạn chế tiếp xúc nhiều hơn", bà Merkel cho biết và nói thêm rằng bà đã nói rõ với ông Scholz về việc "chúng tôi có thể cùng nhau quản lý giai đoạn chuyển tiếp này và xem xét tất cả các biện pháp cần thiết".

Gọi ngày 25/11 là một "ngày buồn" vì số người chết ở mức rất cao, bà Merkel cho biết đã tìm cách đối thoại với ông Scholz, một đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội, cùng lãnh đạo các đảng khác trong liên minh cầm quyền là đảng Xanh và FDP vì tình hình hiện tại rất nghiêm trọng.

Cảnh báo khẩn về tình hình dịch Covid-19 nguy ngập tại Đức - Ảnh 1.

Bà Merkel kêu gọi chính quyền mới nhanh chóng có hành động ngăn chặn dịch Covid-19 tiếp tục lây lan ở Đức. Ảnh: EPA-EFE.

Đức đã vượt qua các đợt đại dịch trước tốt hơn nhiều nước châu Âu khác, nhưng tình hình đã đảo lộn trong thời gian gần đây, khi các giường chăm sóc đặc biệt được lấp đầy nhanh chóng.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu ghi nhận 351 trường hợp tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng số người chết chính thức kể từ khi bắt đầu đại dịch lên 100.119 người.

Cơ quan y tế Viện Robert Koch cho biết, tỷ lệ mắc bệnh hàng tuần cũng đạt mức cao nhất mọi thời điểm là 419,7 ca nhiễm mới trên 100.000 người. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn trong tuần này kêu gọi người dân đi tiêm chủng và đưa cảnh báo dân số Đức phần lớn rơi vào 3 trường hợp "được tiêm chủng, vượt qua dịch Covid-19 hoặc tử vong" vì loại virus này vào cuối mùa đông tới.

Cuộc khủng hoảng y tế leo thang này đặt ra một tình huống khó khăn cho chính phủ mới. Nước Đức thời gian vừa qua đã mắc kẹt trong tình trạng khó đoán về chính trị kể từ cuộc bầu cử ngày 26/9 khi bà Merkel tuyên bố sẽ không tái lãnh đạo đất nước.

'Hàng nghìn người tử vong mỗi ngày'

Sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 ở Đức diễn ra khi châu Âu một lần nữa trở thành tâm điểm của đại dịch. Châu lục già đang phải đối mặt với tỷ lệ tiêm chủng vaccine chậm chạp ở một số quốc gia, biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh, thời tiết lạnh hơn khiến người dân phải ở trong nhà và việc nhiều nước vẫn tiếp tục nới lỏng các hạn chế đi lại.

Một thống kê số liệu chính thức của AFP ngày 25/11 cho thấy hơn 1,5 triệu người đã chết vì Covid-19 ở châu Âu.

Ngày 24/11, ông Scholz đã thông tin về lộ trình chính sách của chính phủ mới, trong đó có nêu ra các biện pháp mới để chế ngự làn sóng Covid-19 thứ tư. Các hoạt động này bao gồm việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm phản ứng nhanh có trụ sở tại văn phòng của ông và dành một tỷ euro (1,12 tỷ USD) tiền thưởng cho các nhân viên y tế phải làm việc tăng ca ở tuyến đầu.

Đồng lãnh đạo đảng Xanh Annalena Baerbock phát biểu với đài truyền hình công cộng ARD rằng liên minh sắp tới sẽ mất 10 ngày, cho đến đầu tháng 12, để quyết định liệu "các biện pháp phòng vệ trước Covid-19 có đủ hiệu quả hay không".

Tuy nhiên, lịch trình này bị chỉ trích là quá muộn và chưa đủ cố gắng.

"Các quyết định mới nhất giống như một dạng thông báo trong thảm họa lũ lụt về một kế hoạch thuê thêm giáo viên dạy bơi và phân phát một vài cánh quạt nước và vịt cao su", tờ báo Sueddeutsche cho hay.

"Liên minh này có những kế hoạch lớn, nhưng chúng có ích gì nếu tất cả chúng ta đều bị phong tỏa trong Giáng sinh với hàng nghìn người chết mỗi ngày?".

Thống đốc bang Bavaria, Markus Soder, kêu gọi cuộc họp tiếp về khủng hoảng dịch Covid-19 giữa các bang và các khu vực, đã được ấn định vào ngày 9 tháng 12, nên được tổ chức sớm hơn nữa.

Tỷ lệ tiêm chủng thấp

Khi làn sóng Covid-19 thứ tư đang lây lan rộng khắp, ngành y tế Đức đã phải kêu gọi bệnh viện ở nhiều quốc gia khác trong Liên minh châu Âu giúp đỡ.

Tuần trước, Đức bắt đầu yêu cầu mọi người chứng minh họ đã được tiêm vaccine, đã hồi phục sau Covid-19 hoặc gần đây đã có kết quả xét nghiệm âm tính để có thể đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc đến nơi làm việc.

Một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất thậm chí thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn hơn, hủy bỏ các sự kiện lớn như chợ Giáng sinh và cấm những người chưa được tiêm phòng đến các quán bar, phòng tập thể dục và các cơ sở giải trí.

Sự gia tăng số ca bệnh gần đây cũng kéo theo một cuộc tranh luận gay gắt về việc có nên noi gương Áo và bắt buộc mọi công dân phải tiêm vaccine hay không. Ông Scholz cũng lên tiếng ủng hộ việc tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên y tế.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 diễn ra tại Đức hiện nay một phần được cho là do tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp, khoảng 69%, so với các nước Tây Âu khác, như ở Pháp tỷ lệ này là 75%.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ