• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cảnh báo nguy cơ nắng nóng khắc nghiệt tại Đông Á, giới chuyên gia thúc giục hành động khẩn

Thế giới 15/08/2022 14:14

(Tổ Quốc) - Các đợt nắng nóng được dự đoán sẽ trở nên thường xuyên và dữ dội hơn ở Đông Á. Trong khi đó, mức nhiệt từ 35 độ C trở lên, khi kết hợp với độ ẩm cao, đã đặc biệt nguy hiểm cho con người, theo tờ Straits Times.

Cùng với biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ gia tăng rủi ro đối với sức khỏe con người và nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy chính phủ và người dân cần phát triển các chiến lược để thích ứng một cách phù hợp.

Cụ thể, theo một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế - do Giáo sư Kyung-Ja Ha từ Đại học Quốc gia Pusan ở Hàn Quốc dẫn đầu, các đợt nắng nóng đang gia tăng với cường độ ngày càng lớn, thường xuyên và gây hệ lụy nghiêm trọng trên toàn thế giới. Và tại khu vực Đông Á, họ đã tiến hành phân tích sự phổ biến của hai kiểu nắng nóng: Nắng nóng, khô và nắng oi bức, độ ẩm cao.

Mục tiêu của các nhà khoa học là xác định được những khu vực dễ bị tổn thương nhất đối với cả hai loại nắng nóng này và phân tích tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu trong những thập kỷ tới.

"Các hiện tượng nắng nóng sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn khi nhiệt độ toàn cầu tăng và khí hậu toàn cầu nóng lên. Và nắng nóng có tác động tàn phá đáng kể đến đời sống con người, nông nghiệp và tài nguyên nước", Giáo sư Ha bày tỏ với tờ The Straits Times.

"Việc xác định các khu vực dễ bị tổn thương có thể hỗ trợ các cơ quan quản lý phát triển các chiến lược giúp giảm thiểu tác động của các đợt nắng nóng nghiêm trọng", ông Ha cho biết.

Nguy cơ cao tới sức khỏe con người và tài nguyên

Sử dụng dữ liệu lịch sử về khí hậu, lần đầu tiên nhóm nghiên cứu đã xác định được hai loại nắng nóng khô và ẩm này hình thành như thế nào và ở đâu, đồng thời dự đoán sự xuất hiện của chúng trong tương lai theo các kịch bản phát thải khí nhà kính khác nhau.

Nắng nóng khô có đặc điểm là ổn định, thời tiết nóng với độ ẩm thấp. Còn các đợt nắng ẩm thường đi kèm với các điều kiện rất ngột ngạt, ẩm ướt vào ban ngày và ban đêm khi nhiệt lượng không thể thoát ra ngoài khí quyển vì bị giữ lại trong các đám mây.

Cảnh báo nguy cơ nắng nóng khắc nghiệt tại Đông Á, giới chuyên gia thúc giục hành động khẩn - Ảnh 1.

Nhiệt độ từ 35 độ C trở lên, khi kết hợp với độ ẩm cao, đặc biệt nguy hiểm cho con người. Ảnh: Reuters.

Giáo sư Ha thông tin với tờ The Straits Times rằng "Chúng tôi thấy các hiện tượng nóng ẩm có thể nguy hiểm hơn các hiện tượng khô nóng". Mức nhiệt độ từ 35 độ C trở lên, khi kết hợp với độ ẩm cao, đặc biệt nguy hiểm cho con người vì cơ thể không thể thoát nhiệt dễ dàng, làm tăng nguy cơ bị stress hoặc say nắng.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng nhận định hiện tượng nóng và khô lại có ảnh hưởng đáng kể đến tài nguyên nước và nông nghiệp. Theo kết quả nghiên cứu, các đợt nắng nóng khô xảy ra chủ yếu ở phía tây bắc khu vực Đông Á, chủ yếu tiếp giáp với các vùng sa mạc ở phía bắc Trung Quốc và Mông Cổ, trong khi các đợt nắng nóng ẩm phổ biến ở phía nam Đông Á, chủ yếu là nam Trung Quốc và khu vực Đông Dương.

Dựa trên dữ liệu lịch sử từ năm 1958 đến năm 2019, các đợt nắng nóng ở cả hai hình thái trên đã tăng cường về cả thời lượng và tần suất trong 60 năm qua.

Trong nghiên cứu lần này, được công bố trên tạp chí Climate and Atmospheric Science, nhóm nghiên cứu đã định nghĩa nắng nóng khô và ẩm là những đợt nắng nóng có độ ẩm tương đối lần lượt là dưới 33% và trên 66%.

Tần suất nắng nóng tiếp tục tăng

Sử dụng máy tính để dự báo mô hình nắng nóng, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng các đợt nắng nóng sẽ trở nên thường xuyên hơn và kéo dài hơn trên khắp Đông Á trong tương lai, ngay cả khi lượng phát thải khí nhà kính được giữ ở mức tối thiểu.

Còn nếu lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng, các đợt nắng nóng sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Kết quả này cũng là một tiếng chuông báo động về thời tiết cực đoan trong bối cảnh những đợt nắng nóng kỷ lục đã khiến hàng nghìn người trên khắp Bắc bán cầu thiệt mạng trong năm nay, bao gồm Nam Á, Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ, gây ra cháy rừng và làm trầm trọng thêm hạn hán.

Các nhà khoa học nói rằng các thảm họa này đã nhấn mạnh mối liên hệ rõ ràng giữa thời tiết cực đoan với biến đổi khí hậu, cũng như rủi ro ngày càng tăng khi Trái Đất nóng lên và nhu cầu cấp thiết phải có các chiến lược thích ứng, chẳng hạn như xây dựng nhiều trung tâm làm mát hơn cho những người dễ bị tổn thương.

"Nghiên cứu này nhằm cung cấp thông tin chính xác về nắng nóng để lập kế hoạch tăng cường sử dụng điện ở những nơi có nguy cơ cao với nắng nóng ẩm, đồng thời quản lý nguồn cung cấp nước ở những vùng dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng khô. Vì vậy, các chính sách thích ứng cho nông nghiệp, tài nguyên nước và sức khỏe con người sẽ được áp dụng hiệu quả hơn", Giáo sư Ha đánh giá.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ