• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cảnh báo nguy hiểm từ thói quen tự ý truyền dịch

Thời sự 20/10/2018 11:38

Tổ Quốc - Liên quan đến nhiều vụ việc trẻ sơ sinh tử vong sau khi đi truyền dịch, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Thị Ngọc Oanh đã cảnh báo về sự nguy hiểm của thói quen này.

Theo bs Oanh, truyền dịch thường được áp dụng trong những trường hợp mất nước cấp tính mà không thể bì lượng dịch đã mất bằng đường uống như: tiêu chảy cấp, nôn nhiều, sốt cao hoặc say nắng.

Cảnh báo nguy hiểm từ thói quen tự ý truyền dịch - Ảnh 1.

Trường hợp tử vong do truyền dịch mới đây nhất là bé N.G.B (22 tháng tuổi, Gia Lâm, Hà Nội)

Ngoài ra, những trường hợp cũng cần được truyền nước như sốc nhiễm khuẩn, sốc phản vệ. Tuy nhiên, bác sĩ này khẳng định: "Truyền dịch phải được sự chỉ định của bác sĩ chứ không được tự ý truyền như thói quen của nhiều người hiện nay."

"Chỉ có bác sĩ mới biết được nên truyền loại dịch gì, số lượng bao nhiêu và đối tượng, thời nào cần được truyền dịch. Bởi, nếu truyền không đúng định lượng sẽ gây quá tải dẫn đến suy tim cấp, thậm chí là nguy kịch cho người bệnh." - bác sĩ Oanh nhấn mạnh.

Trưởng khoa Hồi sức tích cực BVĐK Đức Giang chia sẻ, đối với trẻ nhỏ mắc các bệnh như viêm phổi, viêm não thì cần phải thận trọng hơn khi lựa chọn các loại dịch truyền.

"Nếu không tính theo cân nặng và đánh giá đầy đủ tình trạng mất nước hoặc truyền dịch không đúng cách sẽ dẫn đến nguy cơ quá tải dịch. Lúc đó, tính mạng của trẻ sẽ gặp nguy hiểm." - bác sĩ này cho biết.

Những dịch truyền không được kiểm tra một cách kỹ lưỡng, không lắc kỹ hoặc người thầy thuốc quên hỏi tiền sử dị ứng của bệnh nhân trước khi truyền có thể xảy ra những biến chứng khó lường cho người bệnh.

Vì vậy, bác sĩ này khuyến cáo: "Người dân không nên tự ý truyền dịch tại các phòng mạch và tuyệt đối không được coi truyền dịch là biện pháp tăng cường sức khỏe."

Đặc biệt, việc truyền dịch cho trẻ nhỏ lại càng phải cẩn thận hơn. "Phải những thầy thuốc của khoa Nhi mới đánh giá được tình trạng mất nước của trẻ nhỏ để có thể chỉ định theo đúng phác đồ. Khi truyền dịch, gia đình cần đưa trẻ đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ." - Vị bác sĩ này nói thêm.

Như tin Báo điện tử Tổ quốc đã đưa trước đó, ngày 16/10, bé N.G.B (22 tháng tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) đã tử vong sau khi được truyền dịch tại phòng khám số 392, Ngô Gia Tự, Q.Long Biên, Hà Nội. Được biết, gia đình đưa cháu đến phòng khám này vì có biểu hiện tiêu chảy. Chỉ ít phút sau khi được bác sĩ N.T.K.C truyền dịch, cháu có biểu hiện tím tái, cứng đơ người. Cháu được đưa đến BVĐK Đức Giang cấp cứu quá muộn nên đã tử vong.

Một trường hợp tương tự là cháu N.H.H (6 tuổi, Ngô Quyền, Hải Phòng) cũng tử vong sau khi truyền dịch mới đây. Cháu H nhận viện ĐK Quận Lê Chân trong tình trạng mệt mỏi, đi ngoài và nôn nhiều. Sau khi được truyền dịch, cháy có biểu hiện co giật nên các bác sĩ đã gọi xe cấp cứu chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, cháu bé này cũng đã tử vong trước khi được cấp cứu./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ