• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cảnh giác trước Trung Quốc, Nhật Bản nhắm đến liên minh tình báo 5 bên

Thế giới 12/05/2022 14:01

(Tổ Quốc) - Theo nhận định của tờ Nikkei Asia, bất chấp mong muốn của Nhật Bản, việc Tokyo thiếu vắng cơ quan tình báo dường như sẽ khiến họ chỉ có thể đứng ngoài liên minh này.

Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục gia tăng sức ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine làm lung lay nền tảng an ninh toàn cầu, Nhật Bản đang tìm cách tăng cường hợp tác với liên minh chia sẻ thông tin tình báo Ngũ nhãn, gồm 5 nước Mỹ, Vương quốc Anh, Canada, Australia và New Zealand.

Theo tờ Nikkei Asia, đang có nhiều bên muốn liên minh Ngũ nhãn này được mở rộng ra nhiều quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản. Tuy nhiên, thực tế là Nhật Bản thiếu một cơ quan tình báo chuyên trách có thể cản trở quá trình gia nhập của nước này cũng như sự hợp tác toàn diện hơn của Tokyo và liên minh này.

Tiếp cận các thành viên của Ngũ nhãn: Phục vụ mục tiêu cuối

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Anh, Boris Johnson, ngày 5 tháng 5 đã nhất trí về nguyên tắc đối với Thỏa thuận tiếp cận qua lại (RAA), tạo điều kiện thuận lợi cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Anh tập trận, hoạt động cùng nhau. Nhật Bản từng có một thỏa thuận tương tự với Australia và một thỏa thuận về Tình trạng Lực lượng với Mỹ.

Cảnh giác trước Trung Quốc, Nhật Bản nhắm đến liên minh tình báo 5 bên - Ảnh 1.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới Anh là để tìm kiếm sự hợp tác nhiều mặt. Ảnh: Kyodo.

Vương quốc Anh cũng đang tăng cường can dự ở châu Á. Nước này đã triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay thăm cảng của căn cứ Mỹ đóng ở Yokosuka, Nhật Bản, vào tháng 9 năm ngoái. Và hiện tại Nhật Bản và Vương quốc Anh mong muốn mở rộng hơn nữa hợp tác về an ninh quốc gia dựa trên một thỏa thuận năm 2013 cho phép họ chia sẻ thông tin tình báo mật.

Nhật Bản tháng trước cũng đồng ý bắt đầu đàm phán một thỏa thuận về an ninh thông tin với New Zealand.

Nhật Bản hiện đã có các thỏa thuận về an ninh thông tin với Mỹ, Anh và Australia, và đang hướng đến đạt được thỏa thuận với New Zealand để mở rộng khả năng kết nối, chia sẻ thông tin tình báo với nhóm Ngũ Nhãn. Nhật Bản cũng đang tìm cách tăng cường năng lực giám sát trên không gian thông qua vệ tinh.

Trong khuôn khổ liên minh tình báo Ngũ nhãn, Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand sẽ chia sẻ thông tin họ thu thập được từ việc giám sát các cuộc gọi điện thoại, email và các thư từ khác. Các cơ quan tình báo cũng chia sẻ tin tức mà hệ thống thông tin của họ đánh chặn được.

Ở Mỹ, đã có nhiều cuộc tranh luận về việc mở rộng khuôn khổ liên minh tình báo này ngay cả trước khi nổ ra căng thẳng tại Ukraine. Dự thảo luật quốc phòng của Hạ viện Mỹ năm ngoái đã kêu gọi mở ra "các cơ hội chia sẻ thông tin tình báo với Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Đức."

'Sóng gió' tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Động thái này được đưa ra ra trong bối cảnh tình hình an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng khó khăn. Trung Quốc gần đây đã ký một hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon, được cho là sẽ mở đường cho Trung Quốc cử binh lính và tàu hải quân tới quốc gia Nam Thái Bình Dương này.

Mỹ và Anh đã đồng ý cung cấp công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Australia theo liên minh AUKUS được thành lập vào tháng 9 năm ngoái. Tháng trước, bộ ba này cũng đã nhất trí mở rộng hợp tác trong tám lĩnh vực mới, bao gồm phát triển vũ khí siêu thanh.

Mối lo ngại về bất ổn an ninh cũng gia tăng sau loạt căng thẳng về Ukraine, do vậy, hợp tác giữa các quốc gia đồng minh truyền thống và mới nổi đã được nhiều quốc gia thúc đẩy.

Đối với Nhật Bản, để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, nước này đã hướng tới cơ chế Đối thoại An ninh Bốn bên, gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ. Tuy nhiên, trong bối cảnh Ấn Độ có quan hệ quân sự chặt chẽ với Nga và với lịch sử trung lập trong Chiến tranh Lạnh, có nhiều câu hỏi về việc Ấn Độ sẽ liên kết chặt chẽ như thế nào với Mỹ và Nhật Bản.

Hiện tại, đối với Nhật Bản, việc mở rộng và tăng cường các khuôn khổ an ninh có Mỹ sẽ là chìa khóa cho an ninh của khu vực. Ngày càng có nhiều hy vọng về sự hợp tác ba bên chặt chẽ hơn giữa Washington, Tokyo và Seoul dưới thời tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những lo ngại về khả năng thu thập thông tin của Nhật Bản. Nước này hạn chế việc giám sát trong nước và không có cơ quan tình báo nào hoạt động ở nước ngoài.

Mặc dù đã ban hành luật vào năm 2014 để trừng phạt những người làm rò rỉ thông tin mật, Nhật Bản chưa có một khuôn khổ an ninh tối tân nào giúp bảo vệ thông tin và công nghệ nhạy cảm. Sự thiếu hụt này có thể là một trở ngại lớn trong quá trình họ theo đuổi liên minh Ngũ nhãn.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ