(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Ngoại giao Maldives Abdulla Shahid nói với tờ SCMP về việc đảo quốc này quay trở lại chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Washington và chia sẻ "những quan ngại an ninh" của Ấn Độ.
Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị trên Ấn Độ Dương đang nóng lên, Maldives sẽ gắn kết vận mình của mình với Ấn Độ thậm chí phải đứng nguy cơ làm mất lòng Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Ủng hộ chiến lược Mỹ, sát cánh với Ấn Độ
Đó là thông điệp từ Bộ trưởng Ngoại giao Maldives, Abdulla Shahid, người đã nói với tờ South China Morning Post trong một cuộc phỏng vấn độc quyền hôm thứ Năm rằng chuỗi đảo này sẽ ủng hộ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Washington - được các nhà phê bình nhìn nhận rộng rãi là nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc.
Ông Shahid mô tả Ấn Độ là một người bạn đặc biệt và cho biết hai nước có "nhu cầu giống nhau, giống cả về các mối quan ngại an ninh" trước các nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương.
Lời nói của ông có thể dấy lên sự lo ngại ở Bắc Kinh khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện đang thăm Myanmar để hoàn tất thỏa thuận trị giá 1,3 tỷ USD nhằm phát triển một hải cảng giúp Trung Quốc có chỗ đứng trên vùng biển này.
Cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Ngoại giao Shahid diễn ra ngay sau khi Đô đốc hải quân Ấn Độ Karambir Singh phát biểu tại Đối thoại Raisina, một hội nghị toàn cầu về quan hệ quốc tế được tổ chức tại New Delhi, rằng sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương đang gia tăng nhanh chóng, chạm đến chủ quyền Ấn Độ. Singh đã cảnh báo mối quan ngại như vậy sẽ đi lên trong tương lai.
Phát biểu với SCMP bên lề diễn đàn, Bộ trưởng Maldives cho biết Trung Quốc sẽ phải hài lòng với mối quan hệ chặt chẽ giữa đất nước của ông với Ấn Độ. Trong khi Maldives không muốn có mối quan hệ xấu với Trung Quốc, cộng đồng quốc tế phải nhớ rằng mối quan hệ của chúng tôi với Ấn Độ là đặc biệt, theo ông Shahid.
Bộ trưởng cũng ủng hộ những nỗ lực của Washington, trong việc xây dựng một liên minh trên khắp Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương như một phần của Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Mỹ đang coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và là một cường quốc xét lại.
Tuy nhiên, ông không đồng ý với đánh giá của Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Serge Lavrov, người trước đó đã nói với diễn đàn rằng chiến lược này là "sự chia rẽ".
Shahid cho biết, Maldives cam kết hoàn toàn với chiến lược do Hoa Kỳ lãnh đạo. Chiến lược này đối với chúng tôi là cần cho sự ổn định và di chuyển hàng hải tự do ở Ấn Độ Dương. Tôi không coi đó là sự ngăn chặn một quốc gia, chiến lược này là vì tự do.
Ông Shahid cũng cho biết Ấn Độ và Maldives bị ràng buộc bởi những lo ngại về an ninh. Mối quan hệ của chúng tôi được tăng cường không phải vì Maldives hiểu về mối quan ngại an ninh của Ấn Độ mà vì chúng tôi đã hiểu những lo ngại về an ninh của chính mình. Đối với Maldives, điều cần thiết là phải có hòa bình, an ninh và ổn định ở Ấn Độ Dương. Đó cũng là điều tương tự đối với Ấn Độ".
Hành động cân bằng
Những lời của ông Shahid có tầm quan trọng đáng kể vì chính quyền Maldives trước đây, do Tổng thống Abdulla Yameen đứng đầu, được cho là nghiêng về thân cận với Trung Quốc.
Trung Quốc coi Maldives, một quần đảo gồm hơn 1.200 hòn đảo trải rộng trên 90.000 km2 và là điểm then chốt trên các tuyến vận chuyển toàn cầu, như một nút trong chiến lược 'Chuỗi ngọc trai' của họ nhằm tăng cường ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương.
Một phần của chiến lược đó là tạo ra các hải cảng ở các quốc gia trên khắp đại dương, từ Gwadar ở Pakistan, Hambantota ở Sri Lanka, Chittagong ở Bangladesh đến cảng Kyaukpyu được đề xuất ở Myanmar, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình đang có chuyến thăm hai ngày.
Dưới thời chính quyền Yameen, Bắc Kinh đã đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, ký thỏa thuận thương mại tự do và đồng ý thành lập đài quan sát. Thỏa thuận về đài quan sát đã dấy lên những lo ngại từ Ấn Độ khi cơ sở này mang lại cho Trung Quốc một nền tảng hướng vào vùng biển Ấn Độ.
Tuy nhiên, sự gần gũi ngày càng tăng này với Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ phe đối lập do Mohamed Nasheed dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống 2018 - khi Yameen thua cuộc.
Những lời của ông Shahid là tín hiệu thể hiện lập trường của chính quyền hiện tại của Tổng thống Ibrahim Mohamed Solih.
Trong suốt thời gian của chính quyền Tổng thống Yameen quan hệ với Ấn Độ và phần còn lại của thế giới đã chạm đáy. Ông ta đã tìm cách đưa vấn đề Ấn Độ và Trung Quốc thành bất đồng với nhau, một cách trẻ con, như bạn thấy ở sân sau của trường".
Shahid cho biết chính phủ hiện tại vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về số phận của thỏa thuận thương mại tự do Trung Quốc-Maldives được ký kết dưới thời Yameen.
Về vấn đề này, ông Shahid nói: "Hiệp định thương mại tự do vẫn chưa được phê chuẩn. Chính quyền Yameen từng đưa nó lên Quốc hội và chúng tôi, ở phe đối lập, không để nó thông qua. Do đó, chúng tôi muốn xem xét lại trước khi bình luận về nó".
Shahid nói thêm rằng mặc dù chính phủ Maldives sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ bền chặt với Trung Quốc, nhưng mối quan hệ này sẽ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Đồng thời, Shahid nhấn mạnh mối quan hệ của đất nước ông với Ấn Độ là đặc biệt. Ông nói rằng trong khi không nên bỏ qua những đóng góp của Trung Quốc cho Maldives, thì Ấn Độ là quốc gia duy nhất, trong thời kỳ khủng hoảng, ngay lập tức đến hỗ trợ chúng tôi, trong cuộc tấn công khủng bố năm 1988, cơn sóng thần năm 2004 ập đến khi Ấn Độ cung cấp nhu yếu phẩm, hoặc thậm chí là vụ cháy năm 2014 ở Male khi thành phố hết nước uống.
"Tôi chắc chắn rằng chúng tôi không cần nói với các nước khác, họ thấy rằng chúng tôi đang ở bên cạnh Ấn Độ", ông khẳng định.