• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cạnh tranh khí đốt LNG mang đến nguy cơ cho mùa đông châu Á

Thế giới 24/10/2022 10:45

(Tổ Quốc) - Nguồn cung cấp và trữ lượng các bên đang sở hữu hiện có vẻ đủ dùng nhưng vẫn còn lo ngại cho năm 2023.

Câu hỏi về việc liệu thế giới có đủ khí đốt ở quy mô lớn hay không đã luôn bao trùm nhiều quốc gia khi Bắc bán cầu phải đối mặt với mùa đông đầu tiên kể từ khi xung đột Nga- Ukraine bùng lên và từ đó thị trường năng lượng toàn cầu biến động mạnh.

Những người mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) châu Á đang cảm nhận rõ ảnh hưởng từ cuộc chiến kinh tế giữa Nga và châu Âu về khí đốt. Việc Moscow hạn chế cung cấp khí đốt cho EU thông qua đường ống và quyết tâm của phương Tây trong việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga đã gia tăng nhu cầu về LNG.

Châu Á giảm nhu cầu và bảo đảm tốt cho mùa đông 2022

Các quốc gia châu Á, vốn là những người mua LNG lớn nhất, đã tăng cường nỗ lực để đảm bảo nguồn cung cho mùa đông và cả thời gian sau đó khi châu Âu, đang nổi lên là một bên mua LNG, làm thay đổi cán cân thị trường.

Cạnh tranh LNG mang đến nguy cơ cho mùa đông châu Á - Ảnh 1.

Một nơi lưu trữ LNG của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo.

Takayuki Nogami, nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn Dầu khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản (Jogmec) cho biết: "Châu Á hiện phải cạnh tranh để có LNG, trực tiếp là với châu Âu, nơi LNG không còn là nguồn năng lượng có vai trò bổ sung nữa".

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhập khẩu LNG của châu Âu đã tăng 65% trong 8 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu tăng thêm này xuất phát từ mong muốn của châu Âu là đảm bảo khí đốt cho mùa đông. Theo IEA, mức dự trữ của châu Âu đang vào khoảng 87% khả năng lưu trữ, tính tới cuối tháng 9.

Châu Âu vẫn đang đặt mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng khí đốt 15% trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 3. "Vấn đề là chúng ta cắt giảm nhu cầu như thế nào và thời tiết sẽ như thế nào", Naohiro Niimura, một đối tác của công ty tư vấn hàng hóa Nhật Bản Market Risk Advisory, cảnh báo về thị trường LNG.

Tại châu Á, ngay khi giá LNG có tín hiệu tăng thì Trung Quốc - nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, đã cắt giảm khối lượng và thay vào đó tăng cường sử dụng khí đốt, than trong nước cũng như nhập khẩu khí đốt được đưa qua đường ống. Sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc và chính sách Zero- COVID cũng làm giảm nhu cầu thu mua LNG.

Massimo Di Odoardo, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu về khí đốt và LNG tại Wood Mackenzie, cho biết: "Nhu cầu LNG sẽ tăng lên trong suốt mùa đông, nhưng Trung Quốc vẫn được cung cấp đầy đủ LNG theo hợp đồng và không có khả năng phải mua LNG giao ngay, trừ khi mùa đông đặc biệt lạnh".

Các kho dự trữ LNG khác của châu Á cũng tương đối mạnh. Tính đến tháng 6, dự trữ LNG ở Nhật Bản và Hàn Quốc cao hơn 8% so với mức trung bình 5 qua năm của họ. Viện Kinh tế Năng lượng Hàn Quốc trong tháng này cho biết công ty khí đốt tự nhiên công Korea Gas Corp. sẽ đảm bảo 90% công suất dự trữ LNG vào tháng tới. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, dự trữ LNG của các công ty sản xuất điện lớn nhất nước này ở mức 2,5 triệu tấn tính đến ngày 16/10, cao hơn mức trung bình 5 năm là 1,8 triệu tấn.

Chuẩn bị sẵn phương án đối phó

Các nhà phân tích cho rằng các nước nhập khẩu khí đốt châu Á sẽ chưa thể rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung nhưng một mùa đông khắc nghiệt bất ngờ có thể thay đổi điều đó.

Tại Nhật Bản, nội các nước này gần đây đã thông qua một số thay đổi luật cho phép Jogmec mua khí đốt khi các công ty tư nhân không thể đảm bảo đủ nguồn cung. Tại Hàn Quốc, chính phủ tháng trước đã tổ chức một cuộc họp với các công ty khí đốt để thảo luận về nguồn cung cho mùa đông năm nay. Trong cuộc họp, Korea Gas cho biết họ không thấy có vấn đề gì với việc nhập khẩu LNG.

Qatar, nhà xuất khẩu LNG lớn thứ hai thế giới vào năm 2021, đã đảm bảo với châu Á rằng họ sẽ đáp ứng tất cả các hợp đồng cho người mua châu Á bất chấp nhu cầu từ châu Âu tăng lên.

Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Sherida al-Kaabi nói với Nikkei Asia vào ngày 18 tháng 10. "Qatar hoàn toàn cam kết tuân theo sự tôn trọng của các hợp đồng của mình, nhưng chúng tôi sẽ không lấy đi từ châu Á và chuyển hướng nó sang châu Âu".

Bất chấp nỗ lực cắt giảm nhu cầu sử dụng trong nước và sự xuất hiện của các nguồn cung mới, các nhà phân tích cho rằng an ninh năng lượng đối với nhiều nước vẫn còn mong manh.

Ông Odoardo của Wood Mackenzie cho biết: "Châu Âu chỉ có thể dự trữ từ 80% đến 85% công suất dự trữ vào cuối tháng 10 năm 2023. Tuy nhiên, nếu mùa đông này lạnh hơn mức trung bình và xuất khẩu của Nga sang EU bị cắt giảm hơn nữa, châu Âu có thể chỉ có thể có được từ 60% đến 70% lượng khí trong kho, mặc dù họ đã nhập khẩu tối đa LNG. Các biện pháp cắt giảm nhu cầu sẽ là không thể tránh khỏi trong những hoàn cảnh đó".

Ngoài những rủi ro liên quan đến Nga khi đã khiến nguồn cung năm nay bị gián đoạn bất ngờ, thì vụ hỏa hoạn tại nhà máy hóa lỏng Freeport LNG ở bang Texas của Mỹ, đình công tại cơ sở Shell LNG ở Australia và tuyên bố bất khả kháng của nhà sản xuất khí đốt Petronas của Malaysia sau khi đường ống bị rò rỉ cũng góp phần làm căng thẳng tình hình.

Đối với Nhật Bản, rủi ro vẫn còn liên quan đến nguồn cung cấp khí đốt từ dự án Sakhalin-2 ở Nga, dự án đã được đưa vào tay Nga khi từng bị đối tác vận hành Shell bỏ rơi.

Daisuke Harada, giám đốc nghiên cứu năng lượng tại Jogmec, cho biết: Vì Shell là đơn vị cung cấp kiến thức kỹ thuật thì nếu dự án yêu cầu bảo trì lớn trong tương lai hoặc xảy ra lỗi đột ngột, thì không chắc Nga có thể đáp ứng hay không".

Nhật Bản nhập khẩu khoảng 9% LNG từ dự án này. Các công ty thương mại Nhật Bản Mitsui & Co. và Mitsubishi Corp. là cổ đông của công ty Nga Sakhalin Energy LLC mới thành lập.

Ông Hiroshi Hashimoto, người đứng đầu nhóm khí đốt tại Viện Kinh tế Năng lượng, Nhật Bản (IEEJ) cho biết: "Ngay cả khi chúng ta vượt qua mùa đông sắp tới mà không gặp bất cứ vấn đề gì. Thách thức thực sự là làm thế nào chúng ta vượt qua mùa đông sau đó. Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm nhu cầu."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ