(Tổ Quốc) - Khai thác các loại hình di sản văn hóa và bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng, riêng biệt của các dân tộc thành sản phẩm du lịch hấp dẫn là hướng phát triển du lịch của Cao Bằng.
- 01.11.2022 Để di sản hát Then, đàn Tính góp phần phát triển đời sống đồng bào Tày, Nùng
- 04.09.2022 Chủ tịch nước: Việc ghi danh hát Then chính là thương hiệu quốc gia mà thế giới dành cho Việt Nam
- 03.08.2021 Dừng tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái
- 10.03.2021 Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ VII sẽ diễn ra tại Sơn La
Hát Then, đàn Tính là làn điệu dân ca đặc sắc của người Tày, Nùng ở Cao Bằng. Hát Then chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng dân ca, dân vũ phong phú và đa dạng của người Tày, Nùng. Hát Then thường được biểu diễn trong các ngày lễ, Tết, chúc thọ và đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc. Trải qua thăng trầm của lịch sử và quá trình giao thoa văn hóa, nghệ thuật Then vẫn tồn tại trong đời sống tinh thần của đồng bào Tày, Nùng như một minh chứng cho sức mạnh trường tồn của tinh thần và bản sắc dân tộc. Ngày 12/12/2019, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Bogota, thủ đô nước Cộng hòa Colombia, "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cao Bằng là một trong 11 tỉnh thuộc khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc được UNESCO ghi danh là địa phương có di sản Then. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào đối với cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái, mà còn là điều kiện thuận lợi để tỉnh xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản Then Tày Cao Bằng gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trọng tâm là phát triển du lịch.
Những năm qua, để thu hút đầu tư phát triển du lịch góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong giai đoạn 2021-2030, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng xác định phát triển du lịch – dịch vụ bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực Trung du, miền núi phía Bắc, là một trong 3 nội dung đột phá để tỉnh tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Tỉnh Cao Bằng đã tập trung phát triển kết cấu hạ tầng du lịch gồm các dự án, đề án đầu tư phát triển du lịch, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng bổ trợ phục vụ hoạt động du lịch và các dự án đầu tư dịch vụ khác. Từ 2020 đến nay đầu tư 13 dự án, trong đó có 6 dự án đã hoàn thành gồm: Hàng rào biên giới khuôn viên Khu du lịch thác Bản giốc; Đầu tư nâng cấp, cải tạo Khu di tích Rừng Trần Hưng Đạo và Đồn Đồng Mu; dự án Đường đi bộ vào động Dơi, xã Đồng Loan, huyện Hạ Lang; dự án Đầu tư xây dựng mô hình chụp ảnh (Check in) giới thiệu các giá trị điểm di sản địa chất trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng phục vụ khách du lịch; Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tuyến du lịch thứ 4. Hoàn thiện 02 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có quy mô lớn trên địa bàn thành phố Cao Bằng phục vụ các hoạt động dịch vụ, du lịch: Dự án Phố đi bộ ven Sông Bằng, Dự án Khách sạn Mường Thanh… Tiếp tục vận động, kêu gọi thu hút một số nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu và triển khai thực hiện dự án phục vụ du lịch. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thường xuyên được quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện thông qua các chương trình, đề tài, đề án, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Đến nay, toàn tỉnh có 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng; Lễ hội Nàng Hai (xã Tiên Thành), nghề rèn của người Nùng An (xã Phúc Sen), Lễ hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa); Lượn cọi dân tộc Tày (Bảo Lâm); Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục người Dao Đỏ, xã Vũ Minh (Nguyên Bình). Năm 2023, hoàn thiện hồ sơ di sản "Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng" trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Mới đây, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức thành công màn biểu diễn xác lập kỷ lục hát Then, đàn Tính với sự tham gia của 1.000 người tại thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, Trùng Khánh) với chủ đề "Cội nguồn và bản sắc hát Then đàn Tính Cao Bằng". Chương trình là dịp để Cao Bằng giới thiệu thêm những nét đặc sắc của văn hóa bản địa, đồng thời, tôn vinh giá trị của Then, một trong những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận.
Hát Then, đàn Tính bắt nguồn từ cuộc sống lao động của người Tày cổ. Theo quan niệm dân gian, Then có nghĩa là Thiên, Thiên tức là "trời", được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, trong đời sống của người Tày cổ, nó được dùng trong những sự kiện trọng đại hay lễ cầu an, cầu mùa,… Đồng bào Tày quan niệm, những điệu Then giúp gửi lời cầu khấn đến nhà trời. Hát Then là sự tổng hòa của nhiều hoạt động nghệ thuật như múa, đàn, hát… Đàn Tính là một loại nhạc cụ dân gian độc đáo của người Tày, mang lại âm thanh mượt mà, ngọt ngào và ấm áp. Tiếng hát Then và đàn Tính hòa quyện, phản ánh tâm tư tình cảm của người chơi và người nghe, tạo nên cảm giác bâng khuâng, lưu luyến.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sầm Việt An cho biết: Then Tày, Nùng của Cao Bằng có nguồn gốc từ xa xưa, là loại hình diễn xướng dân gian đi vào trong đời sống của nhân dân qua rất nhiều thế kỷ và Then được đưa vào biểu diễn trong cung đình của nhà Mạc và từ đó lại trở ra dân gian. Do vậy, Then ở Cao Bằng có nét đặc sắc riêng cả về làn điệu, nội dung, phương pháp, số lượng nghệ nhân. Qua sự kiện màn biểu diễn hát Then, đàn Tính được tổ chức tại thác Bản Giốc nhân sự kiện Lễ hội Thác Bản Giốc, tỉnh muốn quảng bá giá trị của hát Then, đàn Tính là một trong những giá trị văn hóa đặc sắc không chỉ của đồng bào Tày, Nùng Cao Bằng, mà còn của cả đồng bào Tày, Nùng, Thái của Việt Nam. Qua làn điệu hát Then, đàn Tính giới thiệu nét di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh Cao Bằng gắn với phát triển du lịch để từ đó bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong thời gian tới.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay, có ý nghĩa trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đồng thời là phương tiện để giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, vùng đất, con người Cao Bằng đến du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là việc đề xuất các giải pháp gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong đó có di sản Then gắn với phát triển du lịch./.