(Tổ Quốc) - Bloomberg đăng tải, trong khi đối thủ chính trị lớn nhất đang phải nằm trong bệnh viện vì nghi ngờ bị chính Điện Kremlin đầu độc, Tổng thống Nga Vladimir Putin lại phải đối mặt với một bài kiểm tra quan trọng cho danh tiếng của mình từ các cuộc bầu cử địa phương.
Quá trình bầu cử kéo dài trong 3 ngày, bắt đầu từ thứ Sáu (11/9) nhằm chọn ra các đại diện - bao gồm cả 18 thống đốc, trong các cấp chính quyền khác nhau tại 83 khu vực, vùng trên toàn quốc.
Các cuộc bầu cử địa phương được tổ chức trong bối cảnh phong trào phản đối chống chính phủ chưa từng có trong tiền lệ vẫn tiếp diễn tại quốc gia láng giềng Belarus. Còn tại vùng Khabarovsk ở Viễn đông Nga, các cuộc biểu tình phản đối vụ bắt bớ một thống đốc vùng không phải là thành viên của đảng cầm quyền, cũng chưa đi tới hồi kết. Chính quyền đang tìm mọi cách có thể để hạn chế tối đa những lợi thế mà phe đối lập có thể giành được.
"Điện Kremlin đang chứng kiến nguy cơ thực sự", giáo sư khoa học chính trị tại Đại học châu Âu St. Petersburg, Vladimir Gelman nói. "Do vậy, gần như chắc chắn, các đối thủ của ông Putin sẽ phải chịu thêm nhiều sức ép".
Với tỷ lệ 78% ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp, ông Putin đang đứng trước cơ hội kéo dài thời gian nắm quyền tới tận năm 2036. Tuy nhiên, đầu năm nay, tỷ lệ ủng hộ cho ông lại rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử sau khi giá dầu sụp đổ và đại dịch COVID-19 "châm ngòi" cho suy thoái kinh tế tại Nga.
Trong khi đang kêu gọi ủng hộ cho các ứng viên ngoài đảng Nước Nga Thống Nhất ở Siberia, nhà lãnh đạo đối lập Alexey Navalny đã bất ngờ bị ốm. Các bác sỹ tại Berlin – nơi ông đang được điều trị cho rằng, Navalny đã trúng phải chất độc thần kinh cấp quân sự Novichok.
Bất chấp áp lực từ các nhà lãnh đạo châu Âu, cho tới nay Nga vẫn chưa tiến hành điều tra vụ việc, đồng thời khẳng định chưa có bằng chứng chứng tỏ Navalny bị đầu độc.
Ông Navalny thường đăng tải những video về tình trạng quan chức Nga tham nhũng thu hút hàng triệu lượt xem trên Internet. Ông cũng từng bị bỏ tù vì khởi xướng và tổ chức các cuộc biểu tình đường phố không phù hợp với quy định pháp luật.
Trong một video quay tại Siberia, ông Navalny kêu gọi người xem triển khai sáng kiến "bỏ phiếu thông minh" của mình để đem tới cơ hội cao nhất, giúp các chính trị gia ở mỗi khu vực có thể đánh bại ứng viên của đảng cầm quyền. Trong cuộc bầu cử hội đồng năm ngoái của thủ đô Moscow, Đảng Nước Nga Thống nhất đã mất 1/3 số ghế của mình vì chiến thuật này.
Năm nay, chiến dịch vận động của ông Navalny đề nghị cử tri bỏ phiếu cho khoảng 1.150 ứng viên có khả năng đánh bại đối thủ từ đảng cầm quyền trong các cuộc chạy đua tại những thành phố và thủ phủ vùng có dân số từ 200.000 người trở lên. Đây được coi là một lần tập dượt cho cuộc bầu cử Duma Quốc gia (hay Hạ viện) Nga, diễn ra vào mùa thu năm sau.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, người đứng đầu quỹ Chống Tham nhũng của Navalny là Ivan Zhdanov cho hay, cáo buộc đầu độc "có thể tạo ra một cú giáng lớn làm xói mòn nghiêm trọng sự ủng hộ của người dân cho chính quyền". Theo ông, những người ủng hộ phe đối lập đã quyết định sẽ không tổ chức biểu tình công khai nhằm tránh bị bắt bớ diện rộng và ảnh hưởng tới "sinh tồn" của tổ chức.
Sự ủng hộ dành cho ông Putin lớn hơn nhiều so với Đảng Nước Nga Thống nhất. Hồi tháng 8, kết quả thăm dò ý kiến của công ty Levada chỉ ra, tỷ lệ ủng hộ ông đã tăng từ 6% lên 66%. Đây là kết quả của việc các hoạt động kinh tế dần được khôi phục sau khi chính phủ gỡ bỏ từng bước các biện pháp giãn cách xã hội vì COVID-19. Trong khi đó, số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Dư luận Nga cho thấy, tỷ lệ ủng hộ cho Đảng Nước Nga Thống nhất chỉ vào khoảng 31%.
Theo Bloomberg, bằng những lí do khác nhau, chính quyền đã khiến các ứng viên đối lập gặp khó khăn, thậm chí là bị từ chối khi đăng ký tranh cử. Mặc dù vậy, các thống đốc đương nhiệm tại một số vùng hẻo lánh… vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Ví dụ như tại Irkutsk, sau thảm họa lụt năm 2019, tình trạng bất mãn của người dân với chính quyền đang ngày càng gia tăng; hay tại Arkhangelsk, các cuộc biểu tình liên tục nổ ra đòi hủy bỏ kế hoạch xây dựng một khu xử lý rác thải…
Những nhà giám sát bầu cử cảnh báo, quyết định tổ chức bỏ phiếu trong 3 ngày, bao gồm cả bỏ phiếu trực tuyến – có thể dẫn tới các gian lận khó bị phát hiện hơn. Tổ chức Golos nhận định, các cuộc bỏ phiếu địa phương diễn ra với "khung pháp lý lỏng lẻo nhất trong 25 năm qua".
Học giả Nikolai Petrov từ tổ chức tư vấn chính sách Chatham House London đánh giá, cho dù phải chịu áp lực nhưng phe đối lập vẫn có thể chứng tỏ được họ đủ khả năng trở thành "một chướng ngại lớn cho quốc hội, vốn đang nằm dưới quyền kiểm soát của Điện Kremlin". Hiện Đảng Nước Nga Thống nhất đang chiếm thế "siêu đa số" với 2/3 số ghế tại Duma. "Năm 2021, tình hình sẽ khó khăn hơn nhiều cho chính quyền", ông Petrov cảnh báo.